Địa phương


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Ngày đăng: 21/03/2012

Lượt xem:


1. Mục tiêu:

 Tạo được các sản phẩm có năng suất, chất lượng cao và mang tính đặc thù, độc đáo của thành phố và của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước. Mở rộng liên kết, thu hút các nguồn đầu tư theo hướng xã hội hóa, hình thành mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao có đủ năng lực nghiên cứu, thử nghiệm, trình diễn, sản xuất và cung ứng các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ cao, tạo bước đột phá, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Đến năm 2010, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ban đầu cho mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao; hình thành một số loại hình dịch vụ về giống, quy trình công nghệ phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản các sản phẩm chủ lực là lúa, cây ăn trái, rau, hoa, cây cảnh, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Triển khai các dự án ưu tiên trong các hoạt động của chương trình nhằm chuyển giao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất đại trà, hình thành các vùng sản xuất tập trung có qui mô lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác.

2. Định hướng phát triển:

a. Đến năm 2020:         

- Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái đô thị với các sản phẩm chủ lực là lúa, rau, hoa, cây cảnh, trái cây, chăn nuôi, thủy sản nước ngọt và các dịch vụ khoa học kỹ thuật với công nghệ tiên tiến, phù hợp tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

- Xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao bằng việc hình thành mạng lưới khu – trạm và các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thực hiện cung cấp dịch vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ ở trình độ cao cho sản xuất nông nghiệp của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo giống cây, con có năng suất cao, phẩm chất tốt; ứng dụng các quy trình tiến tiến trong sản xuất, phòng trị sâu bệnh, công nghệ sau thu hoạch.

b. Đến năm  2010:

-  Trồng trọt: Chọn giống chất lượng cao (lúa, cây ăn trái, rau sạch, hoa lan - cây kiểng), trình diễn và sản xuất các sản phẩm theo quy trình sản xuất tiên tiến; nhân giống cấy mô, sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón, tưới nước tiết kiệm…, để tạo sản phẩm chất lượng cao.

- Chăn nuôi: Trình diễn nuôi heo siêu nạc, vịt siêu thịt - siêu trứng trong mô hình VAC và mô hình nuôi công nghiệp gắn với công nghệ chế biến.

- Thủy sản: Sản xuất giống và trình diễn mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao an toàn sinh học đối với một số chủng loại cá nước ngọt và thủy đặc sản.

- Sản xuất nấm và các chế phẩm vi sinh: Trình diễn và sản xuất giống nấm, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ xử lý ao, ruộng nuôi thủy sản, điều hòa sinh trưởng cây trồng - vật nuôi.

- Dịch vụ: Cung cấp, chuyển giao công nghệ giống mới, sản phẩm mới chất lượng cao. Tổ chức các chương trình tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đào tạo, huấn luyện. Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, giới thiệu và bán sản phẩm công nghệ cao. Phối hợp với các Viện, Trường mở rộng các chương trình, dự án hợp tác quốc tế.

3. Các chỉ tiêu phát triển:

- Về chỉ tiêu tăng trưởng trong từng giai đoạn 5 năm: 2006-2010 tăng bình quân 5,5%/năm; 2011-2015 tăng bình quân 6,2%/năm và 2016-2020 tăng bình quân 6,5%/năm.

- Tỷ trọng khu vực I trong cơ cấu GDP: 13,64% năm 2010, 6,33% năm 2015 và 3,74%  năm 2020.

- Giảm dần tỷ trọng lao động khu vực I trong cơ cấu lao động của nền kinh tế: năm 2010 là 27,4%, năm 2015 là 23,7%, năm 2020 là 21,7%.

- Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân/ha đạt 2.900 - 3.000 USD/năm vào năm 2010, tăng lên 6.100 - 6.200 USD/năm vào năm 2020.

- Về  trồng trọt: Phát triển ổn định cơ cấu 2 vụ lúa chất lượng cao, chú trọng mở rộng cơ cấu 2 - 3 vụ lúa - màu và lúa - thủy sản; hình thành các vùng rau, màu chuyên canh chất lượng cao, an toàn, hiệu quả kinh tế cao. Xây dựng ổn định vùng cây ăn trái, chú trọng vùng chuyên canh cây có múi và khai thác tiềm năng tổng hợp của kinh tế vườn. Đẩy mạnh phát triển sản xuất giống cây ăn trái đầu dòng, giống đặc sản, giống lúa, rau, giống hoa kiểng nhiệt đới nhập nội và lai tạo mới, chim, cá cảnh ...

- Về chăn nuôi: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo, bò, gà theo phương thức tập trung qui mô lớn (trang trại và doanh nghiệp), đưa chăn nuôi ra khỏi khu đô thị và khu dân cư nông thôn. Đến năm 2020, có trên 50% tổng đàn gia súc, gia cầm thực hiện phương thức nuôi công nghiệp - bán công nghiệp. Nâng dần tỷ lệ đàn heo được lai quy ước 2 - 3 máu lên 95% vào năm 2020, nuôi thử nghiệm bò thịt công nghiệp chất lượng cao và nhân rộng đại trà sau năm 2015. Phục hồi dần đàn gia cầm theo phương thức nuôi bán công nghiệp và công nghiệp, ổn định qui mô đàn gia cầm sau năm 2015.

- Về nuôi trồng thủy sản: Duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 10,4%/năm trên cơ sở đa dạng các mô hình nuôi trồng thủy sản nước ngọt phù hợp điều kiện sinh thái với các sản phẩm chủ lực: cá tra, tôm càng xanh, các loại cá đồng.

- Phát  triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao:

. Giai đoạn 2006-2010: Xây dựng khu sản xuất giống tập trung, bao gồm: Trung tâm giống thủy sản và  mạng lưới các trại vệ tinh ương giống thủy sản nước ngọt. Thực hiện các dự án ưu tiên để ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

. Thời kỳ 2011-2020: Xây dựng 3 khu và 3 trạm nông nghiệp công nghệ cao nhằm sản xuất, cung cấp các sản phẩm mới có chất lượng cao, an toàn, cung ứng các dịch vụ về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ tiên tiến cho các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4. Các nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện:

a. Xây dựng mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao

- Chức năng và nhiệm vụ:

. Tiếp thu và chuyển giao kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông  nghiệp và thủy sản.

. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, chuyển giao các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao ra sản xuất. Cung cấp các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm: tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực và sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.

. Thu hút doanh nghiệp ươm tạo và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

. Hợp tác với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

. Tổ chức thăm quan, du lịch, hội thảo, hội chợ và triển lãm sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao.

- Mạng lưới khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao

+ Các khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC): Dự kiến xây dựng 3 khu NNCNC đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái của thành phố Cần Thơ, gồm:

(1). Khu nông nghiệp công nghệ cao 1: là khu trung tâm có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của một khu nông nghiệp công nghệ cao hiện đại tại Trung tâm giống nông nghiệp thành phố thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ; quy mô diện tích dự kiến ban đầu là 20 ha.

(2). Khu nông nghiệp công nghệ cao 2: là khu phụ trợ đại diện cho tiểu vùng sinh thái ven sông Hậu, có nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực sản xuất giống và quy trình canh tác, chăn nuôi, nuôi trồng, tồn trữ và chế biến nông sản; sản xuất thử, triển lãm, cung ứng dịch vụ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao với các đối tượng chính là cây ăn trái, rau màu, heo, bò) và gia cầm (gà, vịt), sinh vật cảnh (hoa, cây kiểng, chim và cá cảnh); xây dựng 1 khu sinh vật cảnh của thành phố Cần Thơ. Địa điểm tại Công ty nông nghiệp Sông Hậu, quy mô diện tích 200 - 500 ha.

 (3). Khu nông nghiệp công nghệ cao 3: Đại diện cho tiểu vùng sinh thái ngập lũ, nhiệm vụ chính tương tự như Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 nhưng đối tượng ứng dụng chính là cây lúa và thủy sản nước ngọt. Địa điểm tại Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ, quy mô diện tích: khoảng 6.000 ha, trong đó có khu nhân và sản xuất giống (70-100 ha;) và khu trình diễn mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (lộ vành đai Bốn Tổng - Một Ngàn).

+ Các trạm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao:

Là các vệ tinh của khu nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện chức năng thông tin và trình diễn các sản phẩm, dịch vụ của khu NNCNC; chuyển giao và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao thông qua công tác khuyến nông, khuyến ngư. Dự kiến xây dựng 3 trạm đại diện cho 3 khu vực:

(1). Trạm Nông nghiệp Công nghệ cao huyện Vĩnh Thạnh: Địa điểm tại thị trấn huyện Vĩnh Thạnh, qui mô: 2,8 - 3,0 ha, đối tượng ứng dụng: cây lúa, rau màu, gia súc, gia cầm.

(2). Trạm Nông nghiệp công nghệ cao quận Thốt Nốt: Địa điểm tại cù lao Tân Lộc, quy mô 4 ha,đối tượng ứng dụng: rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày và thủy sản.

(3). Trạm Nông nghiệp Công nghệ cao huyện Phong Điền: Địa điểm: ven sông Cái Răng (xã Nhơn Ái), qui mô 6,5 - 7,0 ha, đối tượng ứng dụng: cây ăn quả và thủy sản.

b. Các dự án ưu tiên trong Chương trình

Gồm 12 dự án được chia thành 3 nhóm chính:

a) Nhóm dự án về phát triển nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sinh thái

- Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây, con nông nghiệp.

- Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất các loại rau an toàn (rau sạch) phục vụ tiêu dùng nội địa (khu đô thị).

- Dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống, nuôi trồng và sản xuất các loại sinh vật cảnh (hoa và cây kiểng, chim và cá cảnh); thành lập khu sinh vật cảnh.

- Dự án phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, tập hợp và hình thành nhóm tư vấn giải pháp công nghệ kỹ thuật phục vụ nền NNCNC.

- Dự án tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của nền NNCNC.

- Dự án nhân giống, phục hồi và xây dựng vườn cây ăn quả đặc sản kết hợp du lịch sinh thái.

b) Nhóm dự án về quản lý chất lượng và tiêu chuẩn nông, thủy sản:

- Dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong chăn nuôi (gia súc, gia cầm).

- Dự án ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng tiêu chuẩn trong nuôi trồng thủy sản (cá, tôm nước ngọt).

c) Nhóm dự án về hỗ trợ sản xuất, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao

- Dự án phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

- Dự án triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra sản xuất đại trà.

- Dự án xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao thành phố Cần Thơ

- Dự án ứng dụng công nghệ hiện đại vào các công đoạn sau thu hoạch (tồn trữ, chế biến, phân phối) để nâng cao chất lượng nông sản.

5. Dự kiến kinh phí đầu tư :

Tổng kinh phí thực hiện (đến năm 2020): 3.138,280 tỷ đồng.

- Nguồn vốn đầu tư:

. Vốn do Trung ương hỗ trợ: 666,590 tỷ đồng (21,24%); 

. Vốn ngân sách địa phương: 285, 610 tỷ đồng (9,10 %);

. Vốn huy động: 2.186,080 tỷ đồng (69,66%)

 - Hợp phần đầu tư:

 . Đầu tư các khu - trạm NNCNC:  805,900 tỷ đồng  (25,68%);

 . Đầu tư cho các dự án ưu tiên: 2.332,380 tỷ đồng  (74,32%)

 - Phân kỳ đầu tư:

 . Giai đoạn đến 2010:    567,700 tỷ đồng, chiếm 18,07%;

 . Giai đoạn 2011-2015: 1.373,260 tỷ đồng, chiếm 43,75%;

 . Giai đoạn 2016-2020: 1.197,320 tỷ đồng, chiếm 38,09% .  


Nguồn: Quyết định số 2012/QĐ-UBND


Các tin khác:
Chương trình hành động giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân thành phố Cần Thơ  (23/01/2013)
Dự án Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020  (09/11/2012)
Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020  (11/10/2012)
Chương trình Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012-2015  (07/08/2012)
Chương trình xây dựng và phát triển Thể dục-Thể thao  (21/03/2012)

4b4f1ab6-a16c-4460-bf81-5732db81b63f

Tiêu đề bài viết: Chương trình xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao . Nội dung như sau: . Theo tác giả:

Nguồn: Quyết định số 2012/QĐ-UBND

.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang