Chương trình


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Chương trình Triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành phố Cần Thơ giai đoạn 2013 – 2020
Ngày đăng: 24/04/2013

Lượt xem:


I. Mục tiêu chung

Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình, phấn đấu đến năm 2020 thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, trung tâm động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực, với mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Đối với các trọng tâm tái cơ cấu kinh tế:

a) Tái cơ cấu đầu tư:

Từng bước hoàn thiện cơ cấu kinh tế tại địa phương phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn.

Huy động hợp lý các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo tổng đầu tư xã hội khoảng 45% - 55% GDP, hàng năm tăng dần tiết kiệm từ ngân sách nhà nước cho đầu tư; dành ít nhất 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải phân tán và lãng phí nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, góp phần thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển của thành phố đến năm 2020.

Tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thu, chi ngân sách nhà nước theo hướng tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước theo kế hoạch.

Đảm bảo đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo và dạy nghề ít nhất 20% tổng vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương hàng năm; đối với nguồn thu từ xổ số kiến thiết phải đảm bảo chi 65% cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề và 35% cho lĩnh vực y tế.

Dành thường xuyên nguồn vốn ngân sách cho dự phòng đối ứng các dự án ODA phát sinh trong kế hoạch.

Tăng cường quản lý, khai thác quỹ đất công tại các dự án khu dân cư, tái định cư trên địa bàn để thực hiện công tác tái định cư cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng. Tăng cường kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT, PPP, BO và các dự án kêu gọi xã hội hóa.

Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển. Thu hút sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài để huy động tối đa và sử dụng ngày càng hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

b) Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước:

Tiếp tục duy trì 100% vốn nhà nước đối với Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết thành phố Cần Thơ và Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Cờ Đỏ. Chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu vốn 100% theo quy định pháp luật.

Đẩy mạnh cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước còn đang nắm giữ 100% vốn chủ sở hữu theo Quyết định số 786/QĐ-TTg ngày 11 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

Thực hiện rà soát, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính. Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường. Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các thành phần kinh tế khác.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân. Đối với doanh nghiệp nhà nước thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện thủ tục chuyển nhượng doanh nghiệp, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, giải thể, phá sản.

c) Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng, trọng tâm là các tổ chức tín dụng:

Đôn đốc thực hiện, kiểm tra việc thực hiện lãi suất, tỷ giá hối đoái theo quy định của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, xem xét hỗ trợ lãi suất phù hợp  với tình hình phát triển của các doanh nghiệp và thị trường trong từng thời kỳ. Thực hiện tốt, hiệu quả và linh động các chính sách tiền tệ, duy trì môi trường kinh tế thuận lợi, ổn định. Xác định đúng nguyên tắc phương pháp đánh thuế đảm báo tính công bằng, linh hoạt, hiệu quả kinh tế, chi phí hành chính thấp; hình thành và vận hành cơ cấu thuế một cách hợp lý, hạn chế việc đánh thuế chồng chéo, trùng lặp do tính chất tương đương giữa một số loại thuế nhưng không bỏ sót đối tượng chịu thuế; Xác định mức thuế hợp lý nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách và giảm bớt tình trạng suy giảm tiêu dùng và đầu tư. 

Thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại để có phương án xử lý thích hợp đối với các ngân hàng thương mại cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng khác, tập trung trước hết vào các tổ chức tín dụng yếu kém hoặc vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật; giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt tại các tổ chức tín dụng. Tăng cường tham mưu, đề xuất, thực hiện các thiết chế an toàn; Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động và cạnh tranh bình đẳng; khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong phát triển sản phẩm, đổi mới quản trị, hiện đại hóa các tổ chức tín dụng và đặc biệt trong việc xử lý những vấn đề khó khăn  của các tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu.

2. Đối với tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực:

Xây dựng và phát triển vùng chuyên canh có quy mô lớn theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, khu nông nghiệp công nghệ cao đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm; kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường đối với các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên  thị trường thế giới như: lúa gạo, cá da trơn... Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao, có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; đáp ứng yêu cầu thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.

Tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; thực hiện tái cơ cấu sản xuất công nghiệp cả theo ngành, vùng và giá trị mới, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hoá trong sản phẩm; chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp là chủ yếu sang chế tạo và chế tác, kết nối với mạng sản xuất và chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu đối với các ngành, sản phẩm hiện có lợi thế cạnh tranh như chế biến lương thực, thực phẩm, thủy và hải sản,… tập trung phát triển một số ngành ưu tiên và công nghiệp hỗ trơ như hoá dầu, sản xuất điện năng…

 Khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp điện tử, tin học, năng lượng sạch và vật liệu mới, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Đa dạng hóa các ngành thương mại, dịch vụ, nhất là các loại hình dịch vụ phục vụ cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng và giá trị gia tăng lớn, đi đôi phát triển các dịch vụ truyền thống và mở rộng các dịch vụ mới. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển dịch vụ vận tải  kho vận, đường thủy, hàng không và dịch vụ khoa học và công nghệ. Mở rộng và hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ tư vấn, viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương mại - xuất khẩu, y tế, giáo dục, kinh doanh bất động sản, giao dịch chứng khoán,… Đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế: gạo, thủy sản, nông sản, may mặc, giày dép, thủ công mỹ nghệ, thuốc uống và một số sản phẩm khác trên cơ sở mở rộng thị trường, đảm bảo đủ tiêu chuẩn, nâng cao giá trị xuất khẩu.

Khai thác và tận dụng tốt tiềm năng, vị trí địa lý của thành phố, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh theo hình thức trang trại, gia trại đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và tạo được chuỗi giá trị cho các sản phẩm đặc trưng như lúa gạo, cá da trơn. Kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường, với chuỗi giá trị toàn cầu.

Từng bước định hướng tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân; khuyến khích hình thành và phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đẩy nhanh thực hiện lộ trình áp dụng cơ chế giá thị trường trong cung ứng các dịch vụ công.

Tăng cường phối hợp và kết nối giữa các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác để cùng phát triển, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng.


KKN (Chương trình 07/CTr-UBND)


cf566924-d8be-48b3-b2d3-e993f728dbd6

Tiêu đề bài viết: Chương trình Triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng thành phố Cần Thơ giai đoạn 2013 – 2020. Nội dung như sau: . Theo tác giả: KKN (Chương trình 07/CTr-UBND).

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang