Nhân vật phụng thờ
Cũng như những ngôi đình khác ở Nam Bộ, nhân vật phụng thờ ở đình Bình Thủy là Thành Hoàng. Theo Nguyễn Duy Hinh: “Thành Hoàng là một phạm trù thần linh bảo hộ thành trì của phong kiến Trung Quốc được du nhập vào nước ta từ thời Ðường rồi tiếp tục phát triển trong các triều đại độc lập của nước ta”(1). Khi đến Việt Nam, Thành Hoàng đã hòa nhập vào tín ngưỡng bản địa, được dân chúng thờ cúng như vị thần bảo vệ cuộc sống cho người dân. Về sau, Thành Hoàng được dân chúng thờ có thêm những người có công, nhằm nhớ ơn bậc tiền nhân khai mở đất, anh hùng chống ngoại xâm. Cho nên: “... nội dung của tín ngưỡng này có nhiều điểm khác với Trung Quốc (...) tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt được hình thành và phát triển trên cơ sở trân trọng, biết ơn tiền nhân, những người có công với làng, với nước, với dân trong việc chống giặc giữ nước, bảo vệ, giúp dân khi bị dịch, tai biến”(2).
Vì vậy, thờ phụng Thành Hoàng ở Việt Nam là sự: “Tượng trưng cho làng xã và sự trường tồn của thôn ấp. Thành Hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp luật cùng hy vọng của cả làng; đồng thời là một quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình, khiến cho làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ”(3). Thành Hoàng ở Ðình Bình Thủy là vị thần trong ý niệm, với danh hiệu “Quảng hậu chính trực hựu thiện đôn ngưng chi thần”. Trong tâm thức dân gian, “là vị thần bảo hộ của cộng đồng, dân cư ở thôn làng mình. Ngài ngự trị tại đình làng, chứng kiến đời sống, sinh hoạt của toàn dân trong làng, bảo vệ mọi người, phù hộ cho dân làng được an khang, thịnh vượng”(4).
Không gian lễ hội
Ðình Bình Thủy còn có tên gọi Long Tuyền cổ miếu. Sở dĩ có hai cách gọi là do người dân Cần Thơ gọi tên đình theo tên làng, mà trước khi có tên làng Long Tuyền thì địa danh Bình Thủy đã tồn tại. Nơi đây trước kia thuộc phủ Trấn Giang, là một trong những làng cổ của vùng ÐBSCL và là cái nôi văn hóa, vùng địa linh nhân kiệt của Trấn Giang xưa.
Sử ghi: Vào năm Mậu Thân 1908, đời Vua Duy Tân thứ 2, Tri phủ Nguyễn Ðức Nhuận (ở Ngã Tư Lớn) và Cai tổng Lê Văn Noãn (ở Ngã Tư Bé), trong phiên họp với các Hương chức, Hội tề và các lão làng tại công sở, hai ông đề xuất đổi tên làng Bình Thủy thành làng Long Tuyền với lời luận giải rằng: Sông Bình Thủy chảy qua làng uốn lượn như rồng. Miệng rồng mở lớn, có ngậm trái châu đó là cồn Linh (cồn Sơn) án trước vàm. Hai chi trước là rạch Ngã Tư Lớn và rạch Ngã Tư Bé đối nhau. Xa hơn nữa là hai rạch Miễu Ông và Cái Tắc cũng đối diện với nhau như là hai chi sau. Trong đó có nhiều chi lưu của 4 rạch rẽ rua tủa ra hai bên như các móng rồng vậy. Mình rồng uốn khúc mềm mại, đuôi thon thon vắt tận tới mãi làng Giai Xuân. Mắt rồng là đình thần Bình Thủy và chùa Nam Nhã đối nhau qua vàm. Nước sông bốn mùa lăn tăn gợn sóng bạc dưới ánh nắng trời tựa hồ muôn vàn vẫy rồng lấp lánh giữa rừng cây xum xuê xanh biếc. Nghe có lý mọi người đều tán đồng. Từ đó, làng được đổi tên thành làng Long Tuyền. Và ngôi đình thần làng Bình Thủy cũng được đổi tên thành đình thần làng Long Tuyền. Còn các tên gọi khác vẫn giữ nguyên như cũ(5).
Cung thỉnh Sắc Thần chuẩn bị lên long xa du ngoạn. Ảnh: Duy Khôi
Ðình nằm bên bờ sông Hậu, cách trung tâm TP Cần Thơ 5km về phía Tây Bắc. Bên dốc cầu Bình Thủy, có một cổng tam quan và hàng chữ Long Tuyền cổ miếu. Dẫn vào đình có hai cổng, giữa có bức phù điêu, mặt ngoài chạm nổi hình rồng, mặt trong chạm nổi hình kỳ lân. Khuôn viên rộng trên 4000m2. Ðình được xây theo hình chữ nhất, mặt hướng phía Ðông. Mái lợp ngói được nâng đỡ bởi 6 hàng cột tròn vững chãi. Các vì kèo được kết cấu chặt chẽ theo kỹ thuật phân chia mái đình thành năm hệ thống mái liên tiếp nhau theo lối “thượng lầu, hạ hiên” tương ứng với năm gian điện thờ bên dưới và hai dãy hành lang nội bộ hai bên.
Dọc trên bờ nóc, tượng một đôi rồng đang uốn lượn tranh lấy quả châu. Quanh các gác mái, các vị thần tiên, kỳ lân, các vật linh, hoa lá muôn màu muôn vẻ rất sinh động, nổi bật lên nền trời xanh. Ðình được cất cao ráo, thoáng mát. Trên các thanh xà ngang dưới mái đình, một loạt hoành phi, câu đối, võng rèm dàn trải từ tiền đến hậu đình. Các dạng hoa văn chi tiết, nét khắc tinh vi, sắc vàng lấp lánh nổi bật trên nền đen hoặc đỏ thẫm của sơn son làm cho ngôi đình cực kỳ trang nghiêm, lộng lẫy.
Nơi gian chính điện, hai pho tượng thần Ông Thiện, Ông Ác uy nghi đứng giữa hai hàng binh khí cổ. Trước bệ thờ, một bộ đỉnh đồng to, rất đẹp đã có trên 100 năm, được đặt trang trọng giữa đôi hạc đồng đứng thẳng. Trên đôi cột hai bên chánh điện, những cánh hoa mẫu đơn được chạm trổ duyên dáng, mềm mại uốn quanh. Hai cột sau là đôi rồng to uốn lượn. Các mảng đề tài trang trí trong ngoài ngôi đình rất đa dạng, phong phú bởi các màu sắc, đường nét, hình khối tinh tế, cân xứng, hài hòa.
Ðình còn thờ các vị anh hùng, danh nhân của quê hương đất nước như: Trần Hưng Ðạo, Phan Bội Châu, Bùi Hữu Nghĩa...(6). Với những giá trị văn hóa cổ kính còn được bảo lưu, ngày 5-9-1989, Ðình Bình Thủy được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Nghi thức tế lễ
Mặc dù lễ tế Kỳ yên Thượng điền chính thức bắt đầu từ ngày 12-4 âm lịch nhưng ngày 11 Ban quý tế đã có mặt ở đình để sắp đặt công việc, thực hiện các nghi thức mở đầu, như: Lễ Mở cửa tam quan, Lễ Tế đất, Cúng Tiên thường, Lễ Trình sanh. Ông Từ có trách nhiệm mở đúng giờ, lần lượt các cửa từ trái qua phải, cửa phụ, cửa bên hông, cửa nhà bổn thôn và lục ấp để mong các Thần phù hộ cho lễ hội được diễn ra suôn sẻ. Lễ Tế đất được thực hiện ở nhà bổn thôn để thông báo với Thần cai quản đất đai tại đình về nghi lễ sắp diễn ra, mong Thần Ðất chứng giám và phù hộ. Cúng Tiên thường do dân làng dâng lễ vật, để báo cáo về việc tổ chức lễ hội. Lễ Trình sanh ở Miếu Thần Nông trong khuôn viên đình, với lễ vật là bộ tam sanh, để cầu 3 điều lợi: lợi quốc gia, lợi thôn xã, lợi nhân dân.
Từ 2 giờ sáng ngày 12, nghi lễ đầu tiên là Lễ thỉnh Sắc Thần du ngoạn bằng long xa phụng tán. 5 giờ sáng là Lễ tế Thần Nông tại miếu. Buổi trưa 12 giờ là Lễ thay khăn Sắc Thần. Nghi thức này vừa để kiểm tra tình trạng hiện tại của sắc, vừa để bà con được chứng kiến Sắc Thần mà vua Tự Ðức đã phong cho đình. Sau đó là Lễ Xây chầu - Ðại bội. Lễ Xây chầu được thực hành kết hợp hài hòa, cân đối giữa xây chầu văn và xây chầu võ. Lễ Ðại bội do các đào kép trong gánh hát trình diễn, cụ thể hóa Lễ Xây chầu bằng hình tượng nhân vật kết hợp phục trang, điệu múa và lời hát qua các nghi tiết.
Sáng ngày 13 là Lễ tế Bàn soạn tại gian chánh điện để các thành viên chủ trì tập trung bàn về lễ vật dâng cúng thần và phân công nhiệm vụ. Lễ Túc yết vào 2 giờ sáng ngày 14 để nghinh thần với sự chủ trì của Ban chủ lễ, văn tế khi đọc xong được mang đi hóa. Lúc 2 giờ sáng ngày 15 diễn ra Lễ Chánh tế, nghi thức quan trọng nhất trong lễ cúng đình, để tạ ơn Thần, cúng Tiền hiền, Hậu hiền, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ. Sau Lễ Chánh tế là Lễ Tôn vương. Khi vở tuồng ngoài sân đang diễn, Ban trị sự bưng lễ vật xuống rạp hát bội làm lễ và thỉnh Tổ hát bội lên đình thực hiện lễ Tôn vương trước chính điện. Tiếp theo là Lễ tế Sơn Quân tại Miếu Sơn Quân, hay còn gọi là Miếu Ông Hổ, cầu mong Thần chứng cho tấm lòng thành kính của dân làng mà ban cho họ cuộc sống bình yên.
Các lễ vật dâng cúng tại mỗi nghi lễ đều được tuân thủ theo cổ lệ, với những ý nghĩa riêng được truyền đời. Ngoài nghi lễ, trình diễn hát bội, Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy còn tổ chức thi nữ công gia chánh (đồ xôi), trình diễn ẩm thực địa phương, các trò chơi dân gian thu hút nhiều người tham gia.
Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư trên vùng đất này của người Việt; thể hiện văn hóa đặc trưng của cư dân lúa nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn; góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần, bảo tồn và trao truyền các giá trị văn hóa; đáp ứng nhu cầu tâm linh và giải trí của người dân, gắn kết cộng đồng(7).
Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.
-----------------
(1) Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.60.
(2) Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Trẻ, tr.33.
(3) Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, tr.128.
(4) Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường - Hồ Tường (1993), Đình Nam Bộ tín ngưỡng và nghi lễ, NXB thành phố Hồ Chí Minh, tr.61.
(5) Dẫn theo Phạm Văn Thúy (2003), Làng Long Tuyền Cần Thơ, Báo Văn nghệ số 25, ngày 21.6.
(6) Tư liệu của Bảo Tàng Cần Thơ.
(7) Theo Dương Anh, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, http://dsvh.gov.vn/le-hoi-ky-yen-dinh-binh-thuy-3141. Ngày truy cập: 10/5/2021.
Nguồn: Báo Cần Thơ