Bánh tằm tép Thới Long là món ăn sáng dân dã rất dễ tìm thấy tại chợ Thới Long. Chỉ cần vào chợ, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp 5-6 điểm bán món ngon này. Khác hẳn với những món bánh tằm bì, bánh tằm xíu mại, bánh tằm cay…, bánh tằm tép Thới Long có vẻ bên ngoài và hương vị khác biệt. Nếu như các loại bánh tằm khác có sợi to tròn, thì bánh tằm Thới Long nhỏ, mịn và có vị ngọt. Điểm nhấn và cũng là nét làm nên đặc trưng của món ăn quê hương này chính là phần nhưn, gồm củ sắn xắt hạt lựu, xào chung với thịt ba rọi và tép. Đặc biệt, tép ở đây phải là tép nhỏ, còn gọi là tép rong, tép trấu… Loại tép này thường có nhiều vào mùa nước nổi, thịt ngọt và luôn tươi mới. Đồ bổi ăn kèm là giá, dưa leo, rau sống, dưa chua. Món dưa chua của bánh tằm có khi làm bằng củ cải trắng, củ cải đỏ xắt sợi, có khi là đu đủ, su su bào ngâm giấm (tùy mỗi gian hàng). Ăn kèm là nước mắm chua ngọt đặc trưng của miền Tây.
Ngày trước, bánh tằm tép thường được gói trong lá chuối nhưng ngày nay bánh thường để trong dĩa, tô. Dĩa bánh tằm tép có sự kết hợp hài hòa về màu sắc lẫn hương vị. Màu trắng của sợi bánh và giá, màu xanh của rau sống và dưa leo, màu đỏ cam của nhưn củ sắn với thịt và tép. Khi ăn có đủ vị mặn, ngọt, chua, cay từ các nguyên liệu, rau thơm, dưa chua hòa quyện cùng nhau. Ai đã từng một lần ăn thử bánh tằm tép Thới Long sẽ nhớ mãi hương vị dân dã này.
Đối với người dân ở Ô Môn, bánh tằm tép không chỉ là món ăn sáng bình dị mà còn là món ngon mùi nhớ thường được các gia đình làm đãi con cháu xa nhà mỗi dịp lễ, Tết, giỗ chạp. Bởi sự đặc biệt của món ăn này mà một nhóm học sinh đã sáng kiến làm nên sản phẩm bánh tằm Thới Long sấy khô. Theo đó, bánh được nâng thời gian bảo quản lên và cũng dễ dàng quảng bá, kết nối với du khách hơn về loại bánh đặc sản này. Mỗi túi 100 gram có giá 8.000 đồng, khi sử dụng chỉ cần luộc hoặc vài phút là có thể dùng, hương vị đạt đến 80-90% độ tươi mới.
Nguồn: Báo Cần Thơ