Chị Nguyễn Thị Tha (tên thường gọi là Bích) chia sẻ, bánh bò da lợn do chị tìm tòi, kết hợp hai loại bánh truyền thống, nhằm tạo hương vị mới cho chiếc bánh dân gian nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng. Cả bánh bò và bánh da lợn thường xuất hiện trong đám tiệc, lễ hội, giỗ chạp của người miền Tây, đều có vị ngọt, béo nên chị thử kết hợp để tạo dấu ấn.
Bánh bò da lợn có 4 lớp: lớp da lợn, lớp đậu xanh, lớp da lợn và lớp bánh bò. Đặc biệt ở đây là bánh bò rễ tre nguyên vị truyền thống.
Bánh bò rễ tre vốn không dễ làm, bởi nếu không khéo, bánh dễ bị chai (khô), không dậy rễ. Để làm được bánh bò da lợn đa sắc, chị Tha học hỏi, tìm hiểu nhiều lần mới thành công. Làm món bánh này tốn gần 2 ngày vì phải ngâm, ủ bột qua đêm, sau đó mới pha bột theo tỷ lệ. Mỗi tầng bánh là mỗi công thức khác nhau. Chị Tha còn pha màu, tạo dáng bánh với nguyên liệu màu từ lá dứa, lá cẩm, gấc… Mỗi chiếc bánh như thế thường mất khoảng 30 phút để làm chín, cứ 5 phút thì canh đổ lớp sao cho thật khéo để lớp chín vừa, không bị tách lớp. Bánh khi chín rất thơm, hòa quyện vị béo ngậy của nước cốt dừa, đậu xanh. Da bánh da lợn mịn, dai vừa, còn bánh bò thì mềm, xốp, dậy rễ tre đẹp mắt.
Chị Tha cho biết: “Tôi có niềm đam mê với bánh dân gian và thường tự học làm bánh. Học từ các cô các chị ở đám tiệc rồi về mình điều chỉnh lại theo công thức riêng. Làm bánh tuy cực nhưng vui vì có thể giới thiệu bánh truyền thống đến với mọi người để bà con biết thêm về bánh dân gian Nam Bộ”.
Đến nay, chị Tha đã theo nghề bánh được 4-5 năm, biết làm hơn 20 loại bánh dân gian.
Nguồn: Báo Cần Thơ