5 ca ghép thận thành công
Theo đó, cặp ghép thận thành công thứ 5 với người hiến sống khác huyết thống được diễn ra vào ngày 3/12/2024.
Tháng 3/2024, bệnh nhân L.V. (nam, sinh năm 1986, địa chỉ ở Vĩnh Long) thấy khó thở, nhập viện Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối có chỉ định lọc máu cấp cứu và sau đó bệnh nhân được chạy thận nhân tạo định kỳ tại đây.
Với mong muốn được ghép thận, trở về cuộc sống bình thường, hai vợ chồng đã đăng ký ghép thận với người hiến là vợ của bệnh nhân. Cặp ghép được chuẩn bị đầy đủ các thủ tục từ chuyên môn đến cơ sở pháp lý, hội chẩn liên khoa, liên viện đánh giá các chuyên khoa và tiến hành ghép vào ngày 3/12/2024.
Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công bằng phương pháp lấy thận bên phải của người hiến, ghép vào hố chậu phải của người nhận. Quá trình phẫu thuật tiến hành thuận lợi, thành công sau 6 giờ. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chỉ số cận lâm sàng tiến triển thuận lợi, chức năng thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường, ra viện ngày 12/12/2024. Người hiến thận sức khỏe ổn định đã được xuất viện vào ngày 9/12/2024.
Trước đó, 3 cặp ghép thận với người hiến sống cùng huyết thống và 1 cặp ghép là khác huyết thống (vợ hiến thận cho chồng) tình trạng sức khỏe hồi phục tốt, đang được theo dõi, điều trị với lịch hẹn tái khám ngoại trú mỗi tháng 1 lần tại Khoa Thận - Thận nhân tạo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bệnh nhân được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ theo dõi chặt chẽ sức khỏe sau khi được ghép thận. (Ảnh: BVCC)
Đặc biệt, cặp ghép thứ hai (D.V.B., 28 tuổi) bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy tim nặng, tràn dịch màng phổi trước ghép, đến nay sau gần 2 tháng ghép thận và điều trị nội khoa, vấn đề suy tim và tràn dịch màng phổi của bệnh nhân đã cải thiện, đồng thời tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân được nâng lên, sức khỏe tốt.
Làm chủ kỹ thuật khó
Với thành công của cặp ghép thứ 5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã dần tiếp nhận thành công kỹ thuật ghép thận với sự chuyển giao tận tình của các chuyên gia từ Bệnh viện Chợ Rẫy. Đặc biệt, hiện tại bệnh viện cũng đang chuẩn bị hồ sơ pháp lý, chuyên môn cho 8 cặp tiếp theo, các trường hợp này sẽ được tư vấn kỹ càng, đồng thời thực hiện các xét nghiệm sàng lọc, đánh giá khả năng phù hợp để xem xét kế hoạch ghép thận trong thời gian tới. Dự kiến ngày 17/12/2024, bệnh viện thực hiện cặp ghép thứ 6.
Theo Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, 5 trường hợp ghép thận thành công không chỉ giúp bệnh nhân hồi phục sức khỏe mà còn mang lại cuộc sống hạnh phúc cho từng bệnh nhân và các gia đình. Sau ghép thận, chất lượng sống của bệnh nhân phục hồi, người bệnh không phải thường xuyên đến bệnh viện lọc máu định kỳ. Đây cũng là thành quả của cả một quá trình dài nỗ lực, hoàn thiện, phát triển cả về nhân lực, trang thiết bị và trình độ chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Càng ý nghĩa hơn, khi kỹ thuật ghép thận triển khai thành công tại miền Tây sẽ giúp người bệnh có cơ hội điều trị ngay tại khu vực, thuận lợi hơn về kinh tế cũng như quá trình chăm sóc, tái khám sau ghép, bệnh nhân không phải vượt đường xa lên tuyến trên như trước đây.
Đây cũng là bước tiến vững chắc trong hành trình làm chủ các kỹ thuật khó, hiện đại và chuyên sâu, khẳng định vị thế là bệnh viện tuyến cuối trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu quan trọng nhất là ngày càng nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, giúp người dân có cơ hội tiếp cận, điều trị tốt nhất bằng những kỹ thuật cao, tiến tiến nhất ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thanh Xuân