Trước đó, ông V.T.S (51 tuổi, quê ở An Giang) đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ thăm khám sau khi phát hiện vùng bụng xuất hiện nhiều cơn gò khó chịu, kèm theo thường xuyên bị sốt. Qua siêu âm, các bác sĩ nghi ngờ ông S. bị phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận. Để chẩn đoán chính xác hơn, bệnh nhân được chỉ định chụp CT Scan ổ bụng. Kết quả ghi nhận phình động mạch chủ bụng dưới thận, dọa vỡ, với kích thước khổng lồ lên đến 70x90x131 mm, kéo dài đến vị trí chia đôi động mạch chậu. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị ngay nhằm tránh nguy cơ vỡ động mạch chủ, có thể dẫn đến tử vong.
Theo các bác sĩ, có 2 phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng. Một là thực hiện đặt stent graft, đây là phương pháp khá tối ưu, nguy cơ sau can thiệp thấp hơn, tuy nhiên chi phí rất cao. Hai là phương pháp phẫu thuật thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo, chi phí thấp hơn, song nguy cơ sau mổ cao hơn.
Do chi phí thực hiện đặt stent graft vượt quá khả năng của gia đình ông S., các bác sĩ đã tính toán chọn phương án phẫu thuật thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo. Tuy phương pháp phẫu thuật này có thể không tối ưu về mặt kỹ thuật như đặt stent graft, nhưng đây vẫn là lựa chọn có thể cứu sống bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài gần 9 giờ và thành công tốt đẹp. Hiện sức khỏe ông S. đã hồi phục rất tốt, các mạch máu đã lưu thông tốt, chức năng thận được đảm bảo, dự kiến được cho xuất viện trong vài ngày tới.
Bệnh nhân bị phình động mạch chủ dưới bụng phức tạp. Ảnh: BVCC
BS.CKI Dương Hải Minh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, đây là ca bệnh rất phức tạp vì kích thước khối phình đã lan rộng đến mức ngang thận trái và động mạch thận trái dính chặt vào túi phình nên trong lúc phẫu thuật khả năng tổn thương động mạch thận là rất cao. Việc phẫu thuật được hội chẩn đa chuyên khoa nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ trong mổ như chảy máu, kiểm soát và bảo tồn động mạch thận bên trái nhằm tránh nguy cơ tổn thương thận.
Cũng theo BS. Dương Hải Minh, nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng có thể là do xơ vữa động mạch, mỡ máu cao, tăng huyết áp, tuổi cao và các yếu tố khác. Thông thường những trường hợp bệnh nhân có phình động mạch chủ bụng sẽ được phẫu thuật kẹp động mạch chủ dưới động mạch thận để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân này có động mạch chủ bụng phình to và kéo dài lên trên động mạch thận bên trái. Các bác sĩ đã tiến hành mở đường ngực - bụng để kiểm soát đầu trên túi phình qua đường mở ngực và bảo tồn động mạch thận trái bằng cách chuyển vị động mạch thận trái lên cao trước (di dời động mạch thận trái ra khỏi túi phình), sau đó mới tiến hành kẹp động mạch chủ bụng dưới động mạch thận và thay đoạn phình bằng ống ghép nhân tạo. Vì vậy sẽ đảm bảo tưới máu thận trái được an toàn trong quá trình phẫu thuật, giảm được nguy cơ suy thận sau khi phẫu thuật cho bệnh nhân.
Thanh Xuân