Đề án


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012 – 2020
Ngày đăng: 23/01/2013

Lượt xem:


I. MỤC TIÊU CHUNG

Góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, đạt mức tăng trưởng trên 2,5 - 3,0% năm; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Giai đoạn 2012 - 2015:

Bước đầu nghiên cứu phát triển một số công nghệ cao mới trong nông nghiệp; tiếp cận và làm chủ một số công nghệ cao trong nông nghiệp. Đến năm 2015, công nhận và đưa vào sản xuất giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ yếu và quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực.

Từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là các khu nông nghiệp công nghệ cao và hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2015, xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết Khu nông nghiệp công nghệ cao 2 tại xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ và Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ để kêu gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư theo quy hoạch đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.  

Từng bước sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10 - 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. 

2. Mục tiêu đến năm 2020:

Tăng cường nghiên cứu phát triển công nghệ cao trọng tâm là tạo công nghệ cao mới trong nông nghiệp. Tạo ra và đưa vào sản xuất giống cây trồng chuyển gen, giống thủy sản bằng kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học; công nhận và đưa vào sản xuất giống lai có năng suất cao, chất lượng tốt cho mỗi loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ yếu và quy trình công nghệ cao mới trong từng lĩnh vực.

Đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp công nghệ cao.

- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 30 - 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thời gian thực hiện:

- Giai đoạn năm 2012-2015;

- Giai đoạn năm 2016-2020;

2. Địa điểm thực hiện: triển khai tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

IV. NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật:

- Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại với quy mô lớn. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến về cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, gắn kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; góp phần đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

- Hình thành vùng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn, vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn theo tiêu chuẩn GAP đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Song song đó, phát triển vườn cây ăn trái và kinh doanh tổng hợp gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan và du lịch sinh thái khép kín. Tập trung nâng cao giá trị các loại cây ăn trái chủ lực như: xoài cát Hòa Lộc, cam mật Phong Điền, dâu Hạ Châu,...

- Hình thành và công nhận một số doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao đa ngành, đa lĩnh vực.

- Năng suất và thu nhập hộ nông dân tăng trưởng một cách bền vững xuất phát từ những cải tiến về lượng và chất trong sản xuất nông sản và thương mại nông nghiệp. 

- Từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình, diện tích trồng lúa, rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành vành đai thực phẩm cung cấp các sản phẩm rau, quả an toàn cho người dân thành phố và các tỉnh lân cận.

2. Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi:

- Nâng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2020 toàn thành phố có đàn bò là 6.000 con, tăng bình quân 2,7%/năm; đàn heo là 250.000 con, tăng bình quân 7,52%/năm; đàn gia cầm là 3.000.000 con, tăng bình quân 4,7%/năm.

- Nâng cao chất lượng con giống nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trong chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

- Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người chăn nuôi giúp nâng cao trình độ chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi kết hợp gắn với ý thức kiểm soát ô nhiễm môi trường và an toàn dịch bệnh.

3. Dự án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản:

Nghiên cứu sử dụng công nghệ sinh học và các phương pháp lai tạo, chọn giống trên một số loài cá như: cá tra, tôm càng xanh, cá đồng, cá cảnh để tạo được những dòng mới có chất lượng thịt ngon, tăng trưởng nhanh, kháng được những loại bệnh nguy hiểm. Đến năm 2015 tất cả các hộ nuôi thủy sản phục vụ cho xuất khẩu đều áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn GAP, Global GAP, hay SQF 1000.

4. Dự án đầu tư phát triển hệ thống công trình thủy lợi phục vụ ứng dụng công nghệ cao giai đoạn đến năm 2020:

Xây dựng, nâng cấp toàn bộ hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ các khu Nông nghiệp công nghệ cao.

Kiên cố hóa kênh mương, tưới tiêu chủ động, kiểm soát lũ và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Hoàn chỉnh hệ thống đê bao bảo vệ các khu sản xuất cây ăn trái tập trung. 

V. VỐN VÀ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Tổng mức đầu tư: 338.000 triệu đồng (Ba trăm ba mươi tám tỷ đồng);Trong đó:

- Vốn ngân sách: 101.400 triệu đồng (30%);

+ Vốn sự nghiệp: 67.600 triệu đồng;

+ Vốn xây dựng cơ bản: 33.800 triệu đồng;

- Vốn tín dụng/vay: 67.600 triệu đồng (20%);

- Vốn huy động: 169.000 triệu đồng (50%).

2. Phân kỳ đầu tư:

a) Giai đoạn 2012-2015: 118.300 triệu đồng (Một trăm mười tám tỷ, ba trăm triệu đồng); Trong đó:

- Vốn ngân sách: 35.490 triệu đồng (30%);

+Vốn sự nghiệp: 23.660 triệu đồng;

+ Vốn xây dựng cơ bản: 11.830 triệu đồng.

- Vốn tín dụng/vay: 23.660 triệu đồng (20%);

 - Vốn huy động: 59.150 triệu đồng (50%);

b) Giai đoạn 2016-2020: 219.700 triệu đồng (Hai trăm mười chín tỷ bảy trăm triệu đồng; Trong đó:

- Vốn ngân sách: 65.910 triệu đồng (30%).

+Vốn sự nghiệp: 43.940 triệu đồng;

+ Vốn xây dựng cơ bản: 21.970 triệu đồng.

- Vốn tín dụng/vay: 43.940 triệu đồng (20%);

- Vốn huy động: 109.850 triệu đồng (50%).

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp tuyên truyền và phổ biến:

Tuyên truyền rộng rãi và quán triệt sâu sắc từ lãnh đạo tới người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và sự thống nhất cao trong việc triển khai tổ chức thực hiện đề án.

2. Giải pháp huy động vốn nguồn vốn:

Tranh thủ mọi nguồn vốn từ ngân sách, vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn; sử dụng các nguồn vốn hợp tác, liên kết, liên doanh vào xây dựng các cơ sở sản xuất – kinh doanh; huy động vốn từ các thành phần kinh tế theo phương châm xã hội hóa vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, và đầu tư cho thâm canh, chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển ngành nghề, xây dựng cơ sở chế biến.

Lồng ghép nguồn vốn thực hiện đề án từ các chương trình, dự án và đề án đã được phê duyệt.

Tạo chính sách thông thoáng và ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư vào phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao. 

3. Giải pháp về khoa học và công nghệ:

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của thành phố Cần Thơ, cần tập trung theo hướng ứng dụng kịp thời các thành tựu của công nghệ sinh học. Tuy nhiên, công nghệ sinh học mới là yếu tố ban đầu, vấn đề tiếp theo là phải tạo môi trường cho phát huy các đặc điểm ưu việt của giống mới. Trong quá trình triển khai chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần hoàn thiện về tổ chức, chuyển giao công nghệ sản xuất cho từng loại cây trồng, vật nuôi; đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu để phát huy lợi thế về tiềm năng phát triển còn rất lớn. 

- Tăng cường sự trợ giúp của các cơ quan khoa học, bên cạnh tranh thủ tối đa sự trợ giúp của các đơn vị nghiên cứu chuyển giao đóng trên địa bàn Thành phố, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan nghiên cứu ở Trung ương. Nhà nước cần ban hành chính sách hỗ trợ về đầu tư cơ sở hạ tầng, trợ giúp về công nghệ, vốn, thuế … cho các địa phương và cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

4. Giải pháp về nguồn nhân lực:

Thu hút nguồn nhân lực từ Chương trình Mekong 1000 và Đề án Cần Thơ 150. Bố trí kinh phí thỏa đáng từ nguồn ngân sách của thành phố cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp, trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn các lĩnh vực then chốt là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý;

Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên công nghệ cao. Các cơ sở đào tạo thành lập tại các khu nông nghiệp công nghệ cao được thuê cơ sở hạ tầng, các dịch vụ với điều kiện ưu đãi và có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo;

Có chế độ ưu đãi đối với các nhà khoa học, chuyên gia cao cấp và các kỹ thuật viên lành nghề với mức lương thỏa đáng, kèm theo điều kiện ưu đãi trong sinh hoạt và làm việc. 

5. Giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật:

Lồng nghép việc bố trí vốn đầu tư các hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, các hợp phần trong chương trình và các chương trình khác, trong đó ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật các khu, trạm nông nghiệp công nghệ cao theo nguyên tắc tận dụng điều kiện hiện có của các nông trường, trung tâm, trạm trại.

Tập trung vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các dự án ưu tiên có hợp phần đầu tư xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và hạ tầng nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng dự án.

Vận dụng chính sách khuyến khích đầu tư tại Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

6. Giải pháp về thị trường:

Thực hiện các chính sách nhằm ổn định thị trường và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện chương trình liên kết vùng và tham gia 04 nhà trong sản xuất nông nghiệp. 

Thâm nhập thị trường các vùng lân cận và hướng tới xuất khẩu sang các nước khác.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

1. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ.

3. Đơn vị thực hiện các hợp phần đề án: Các đơn vị Chi cục, Trung tâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ.

4. Cơ quan phối hợp thực hiện: Ủy ban nhân dân các quận huyện, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ban ngành có liên quan. 

5. Phương thức thực hiện: Theo quy định hiện hành.


Quyết định số 2231/QĐ-UBND


Các tin khác:
TP Cần Thơ: Xây dựng “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị”  (17/06/2022)
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP Cần Thơ  (27/05/2022)
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030  (13/05/2022)
Thí điểm Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận Ninh Kiều  (30/04/2022)
Cần Thơ: Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”  (23/02/2022)

d9aa49df-3386-4816-a56f-b937aecb8b41

Tiêu đề bài viết: Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012 – 2020. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Quyết định số 2231/QĐ-UBND.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang