Đề án


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Đề án Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động Giám định tư pháp
Ngày đăng: 06/07/2012

Lượt xem:


 

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

 

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

1. Tổng quan về thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ là điểm hội tụ của nhiều tuyến giao thông thủy bộ quan trọng nối liền với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh trong vùng và nước bạn Campuchia. Trong tương quan chung của vùng, Cần Thơ là đô thị lớn, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của một trung tâm nhiều chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và văn hoá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của thành phố trong 05 năm gần nhất đạt 15,13%, cao hơn 1,63% so với giai đoạn 2001 - 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, công nghệ cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân 14,14% đến năm 2010 đạt 36,82 triệu đồng (theo giá thực tế), tương đương 1.950 USD.

Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế lớn của trung ương đặt tại Cần Thơ để phục vụ cho toàn vùng như: Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Y - Dược, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ…Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của thành phố, ngày 17/2/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW xác định phương hướng, nhiệm vụ phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học -  công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước...

2. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

Căn cứ Pháp lệnh giám định tư pháp Số 24/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29 tháng 9 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp;

Căn cứ Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Giám định tư pháp;

Song song với điều kiện và tiềm năng phát triển của thành phố, lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố còn đặc biệt quan tâm và tiếp tục phấn đấu thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020: “Hoàn thiện chế định giám định tư pháp. Nhà nước cần đầu tư cho một số lĩnh vực giám định để đáp ứng yêu cầu thường xuyên của hoạt động tố tụng. Thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn, không thường xuyên. Quy định chặt chẽ, rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời hạn trưng cầu và thực hiện giám định. Ban hành quy chuẩn giám định phù hợp với từng lĩnh vực giám định. Xác định rõ cơ chế đánh giá kết luận giám định, bảo đảm đúng đắn, khách quan để làm căn cứ giải quyết vụ việc”. “... Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình…” và Quyết định số 258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 11 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp.

Do đó, việc xây dựng Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trong giai đoạn hiện nay và tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo là cần thiết.

II. Mục tiêu xây dựng Đề án

Xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; đáp ứng tốt nhu cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác giám định tư pháp trên địa bàn thành phố.

 

Phần II

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

 

I. Tổ chức Giám định tư pháp

1. Thành lập các tổ chức Giám định:

Thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp; Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giám định tư pháp và nhiều văn bản của Bộ, ngành Trung ương quy định về Giám định tư pháp, Ủy ban nhân dân thành phố đã thành lập:

- Trung tâm Pháp y trực thuộc Sở Y tế vào ngày 06 tháng 11 năm 2006; Trung tâm có trụ sở độc lập, có trang bị được các phương tiện làm việc cần thiết. Tuy nhiên, Trung tâm vẫn còn thiếu một số trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác giám định;

- Củng cố, kiện toàn Phòng Kỹ thuật hình sự trực thuộc Công an thành phố; Phòng kỹ thuật hình sự có trụ sở làm việc riêng, đảm bảo cơ sở vật chất hoạt động được Viện Khoa học Hình sự thuộc Bộ Công an cấp trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ để phục vụ cho công tác giám định;

- Trung tâm pháp y tâm thần đang trong quá trình chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp.

2. Đội ngũ giám định viên:  

Số

TT

Lĩnh vực giám định

 

Tổng cộng

Chuyên trách

Kiêm nhiệm

Trình độ đại học

Trên

đại học

1

Kỹ thuật hình sự

09

09

00

09

 

2

Pháp y

41

05

36

20

04

3

Tài chính - kế toán

05

00

05

05

 

4

Xây dựng

07

07

00

06

 

5

Văn hóa

06

02

04

05

 

6

Khoa học - kỹ thuật

00

02

02

02

 

7

Thuế

01

00

01

01

 

Tổng cộng

69

25

48

48

04

3. Kết quả hoạt động giám định

 

Số TT

Lĩnh vực

Năm 2005

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Năm 2009

Ghi chú

1

Kỹ thuật hình sự

338

529

510

477

499

 

2

Pháp y

128

155

155

357

135

 

3

Tài chính-kế toán

0

2

4

3

3

 

4

Xây dựng

0

0

3

5

4

 

5

Văn hóa

232

530

420

315

547

 

6

Khoa học-kỹ thuật

0

1

3

5

4

 

7

Thuế

0

4

6

5

9

 

Tổng cộng

698

1221

1101

1167

1201

 

 

II. Những hạn chế trong công tác giám định

1. Về pháp lý:

Hiện nay, chưa có các mẫu chuẩn để làm cơ sở cho các giám didnhj viên đối chiếu, so sánh với các vật, tang vật trong quá trình giám định; quy trình tiêu chuẩn giám định pháp y; bảng tỷ lệ tổn hại sức khỏe dành cho giám định pháp y được áp dụng từ bảng giám định y khoa nên không phù hợp, không đủ chi tiết để áp dụng vào thực tế.

2. Về quan hệ phối hợp:

Một số cơ quan không tích cực phối hợp trong việc cử Giám định viên tham gia vụ việc. Chưa có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm, mối quan hệ công tác của Giám định viên đối với thủ trưởng đơn vị và các cơ quan tư pháp nên gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

3. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định:

 Cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định trên các lĩnh vực hiện nay còn thiếu, chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Nhiều trường hợp cơ quan tố tụng trưng cầu giám định nhưng các tổ chức giám định không thể thực hiện, do trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các vụ việc phức tạp như: môi trường, xác định giá trị tang vật trong vụ án hình sự… từ đó, làm ảnh hưởng đến tiến độ xác minh xử lý vụ việc.

4. Về chế độ, chính sách:

Thời gian qua, mặc dù đã có chế độ bồi dưỡng trong công tác giám định tư pháp nhưng chưa hợp lý, trong khi công việc của Giám định viên tư pháp khá nặng nhọc, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần là rất lớn, trách nhiệm lại cao, chưa kể đến việc Giám định viên pháp y cũng là đối tượng mà bọn tội phạm lưu ý. Tuy nhiên, nếu xét về tính chất đặc thù của ngành nghề này thì chế độ đãi ngộ vẫn chưa tương xứng... Từ đó không tạo được sự tham gia tích cực của những người có chuyên môn cao thuộc lĩnh vực này.

Các khó khăn trên đã làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giám định, điều tra, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như trật tự, an toàn xã hội và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Có thể khẳng định, tổ chức và hoạt động giám định tư pháp tại thành phố hiện nay còn có những khó khăn nhất định, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của công tác giám định.

5. Nguyên nhân hạn chế:

a) Các quy định của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp chưa thật phù hợp với thực tế, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn.

b) Các Sở ngành chưa chú trọng đúng mức đến tổ chức và hoạt động giám định tư pháp, thậm chí không quan tâm đến lĩnh vực giám định tư pháp.

c) Việc xã hội hoá hoạt động giám định (giải thể các tổ chức giám định trong các lĩnh vực xây dựng, kế toán - tài chính, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, thuế) thời gian đầu thực hiện còn nhiều lúng túng, bất cập.

d) Đội ngũ giám định viên tư pháp vừa thiếu về số lượng, vừa chưa đảm bảo về cơ cấu và chất lượng.

đ) Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho giám định tư pháp còn quá lạc hậu so với trang thiết bị của các nước trong khu vực

e) Chế độ, chính sách cho giám định viên còn khiêm tốn, không tạo ra động lực làm việc cho các giám định viên cũng như thu hút người có chuyên môn cao tham gia công tác giám định.

 

Phần III

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

 

I. Kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ giám định viên tư pháp

1. Tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp; thu hút các chuyên gia tham gia hoạt động giám định

Cơ quan chuyên môn trong các lĩnh vực rà soát, củng cố lực lượng giám định viên do mình quản lý; phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người đủ tiêu chuẩn đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp, thu hút và lựa chọn các chuyên gia trong các lĩnh vực tham gia vào hoạt động giám định, cụ thể như sau:

a) Đối với Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố, bổ nhiệm thêm 11 giám định viên;

b) Đối với Trung tâm pháp y, bổ nhiệm thêm 04 giám định viên; đồng thời, cần sắp xếp trong đội ngũ giám định viên để bố trí thêm ít nhất là 03 giám định viên làm việc theo chế độ chuyên trách;

c) Thành lập Trung tâm giám định pháp y tâm thần theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp, bổ nhiệm từ 06 giám định viên trở lên;

d) Đối với Sở Thông tin và Truyền thông: Khẩn trương rà soát lại đội ngũ cán bộ hội đủ tiêu chuẩn, đánh giá nhu cầu giám định và phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân thành phố bổ nhiệm ít nhất là 03 giám định viên cho ngành;

đ) Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Phân tích báo cáo giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa cho thấy số lượng vụ giám định không nhiều nhưng khối lượng giám định trong từng vụ là rất lớn; trong khi tất cả 06 giám định viên đều làm việc kiêm nhiệm. Do vậy, cần bổ sung thêm 04 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực này; 

e) Đối với Sở Xây dựng: Xuất phát từ thực tế và để đáp ứng yêu cầu giám định, trước mắt cần bổ nhiệm thêm 08 giám định viên tư pháp, trong đó phải đảm bảo có ít nhất là 50% giám định viên đang công tác trong các cơ quan nhà nước;

g) Đối với Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ: Tuy hàng năm số vụ giám định trong các lĩnh vực này không nhiều nhưng vì số giám định viên tư pháp hiện có quá ít nên cũng cần bổ sung thêm ở mỗi lĩnh vực ít nhất là 02 giám định viên;

h) Đối với Cục Thuế thành phố: Trước mắt cần rà soát, củng cố lại lực lượng giám định viên của ngành để thực hiện có hiệu quả công tác giám định. Về lâu dài, khi nhu cầu giám định tăng cao thì nên có kế hoạch bổ sung giám định viên với số lượng thích hợp;

i) Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường: Lập kế hoạch bổ sung giám định viên về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường ít nhất là 05 giám định viên;

k) Các Sở, ngành khi xây dựng chiến lược phát triển ngắn hạn hoặc dài hạn của ngành phải thiết kế và đưa nội dung công tác giám định vào chiến lược phát triển; trong đó chú trọng việc quy hoạch đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác giám định tư pháp. Hàng năm, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển của ngành, có kế hoạch bổ sung thêm giám định viên để đến năm 2015, thành phố phải có ít nhất là 80 giám định viên trên các lĩnh vực.

2. Nâng cao trình độ, năng lực của giám định viên tư pháp

Các Sở, ngành chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp, cụ thể như sau:

 a) Sở Y tế chủ động làm việc với Trường Đại học Y để xem xét việc đưa vào chương trình đào tạo các bộ môn chuyên ngành về giám định tư pháp với thời lượng thích hợp. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho giám định viên thuộc Trung tâm pháp y và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần. Theo đó, chú trọng việc đào tạo cho cán bộ trẻ, tạo điều kiện thuận lợi để các giám định viên được bồi dưỡng các khóa ngắn hạn ở những nước có ngành giám định tư pháp tiên tiến.

b) Công an thành phố chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng giám định viên của ngành để báo cáo Bộ Công an. Riêng những nội dung của kế hoạch đào tạo thuộc phạm vi thẩm quyền của thành phố thì báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định;

c) Đối với các Sở, ngành chuyên môn có giám định viên độc lập cần rà soát lại nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp.

d) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện việc tập huấn kiến thức pháp luật cho đội ngũ giám định viên và người làm công tác giám định tư pháp tối thiểu mỗi năm một lần.

II. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định.

Điều 23 Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định: “Kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện vật chất cần thiết khác cho hoạt động của tổ chức giám định tư pháp do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật; tổ chức chuyên môn có trách nhiệm tạo điều kiện cho người giám định tư pháp sử dụng trang thiết bị, phương tiện của tổ chức mình để phục vụ việc thực hiện giám định” và Điều 45 của Pháp lệnh Giám định tư pháp quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động và các điều kiện vật chất cần thiết khác cho hoạt động giám định tư pháp ở địa phương”.

Căn cứ các quy định trên, đồng thời xuất phát từ thực trạng về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám định tư pháp nêu trên, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định được thực hiện như sau:

1. Trụ sở làm việc của các tổ chức giám định:

a) Trung tâm Pháp y:

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Viện Kiến trúc - Quy hoạch xúc tiến thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới trụ sở Trung tâm Pháp y thành phố.

b) Trung tâm Giám định pháp y tâm thần: Định hướng thành lập vào tháng 12/2010 và cần sắp xếp, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trụ sở cho phù hợp với lĩnh vực này.

c) Phòng kỹ thuật hình sự:

Được sự quan tâm của Công an thành phố nên trụ sở làm việc của Phòng kỹ thuật hình sự được bố trí ổn định. Tuy nhiên, như đã nêu, diện tích làm việc còn chật hẹp, chưa đáp ứng với nhu cầu giám định ngày càng cao vì vậy xác định lộ trình để tăng thêm diện tích làm việc thích hợp;

Công an thành phố xây dựng kế hoạch sửa chữa, cải tạo, tăng thêm diện tích trụ sở làm việc của Phòng Kỹ thuật hình sự tương ứng với nhu cầu phát triển của phòng trong tương lai.

d) Đối với nơi làm việc của các giám định viên độc lập:

Hiện nay, các giám định viên độc lập trong các lĩnh vực không có trụ sở làm việc riêng nên phải sử dụng trụ sở, phòng làm việc của cơ quan mình đang công tác để thực hiện công việc giám định. Trong khi đó, theo quy định của Pháp lệnh Giám định tư pháp thì đối tượng giám định phải được bảo quản chặt chẽ, không để bị mất mát, thay đổi…làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; hồ sơ giám định phải bảo quản và lưu giữ ít nhất là 30 năm kể từ ngày kết thúc việc giám định. Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Pháp lệnh Giám định tư pháp thì “Tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định do người giám định tư pháp thuộc tổ chức mình thực hiện”.

Do đó, để giải quyết nơi làm việc và lưu trữ cho các giám định viên trong các lĩnh vực văn hóa, kế toán - tài chính, khoa học - kỹ thuật, xây dựng và thuế, Sở ngành nơi các giám định viên công tác tạo điều kiện và bố trí phòng làm việc thích hợp, nơi lưu giữ hồ sơ giám định cho các giám định viên; đặc biệt là đối với các vụ việc có nhiều giám định viên tham gia hoặc những vụ việc có thời gian giám định kéo dài.

2. Về trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định

Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định thiếu thốn, hư hỏng, lạc hậu so với yêu cầu thực tế, làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả giám định cũng như ảnh hưởng đến thời gian có kết quả giám định; nhiều trường hợp không thể thực hiện giám định vì thiếu thiết bị cần thiết. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan chủ quản của các tổ chức giám định phối hợp Sở Tài chính xây dựng phương án trang bị các trang thiết bị, máy móc phương tiện và các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám định của tổ chức giám định (kinh phí trang bị do ngân sách thành phố cấp)

Đối với các giám định viên độc lập, các Sở ngành nơi các giám định viên làm việc tạo điều kiện cho các giám định viên thuộc tổ chức mình sử dụng trang thiết bị, phương tiện của đơn vị để thực hiện công tác giám định.

 III. Chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định.

Về chế độ bồi dưỡng giám định viên tư páhp, người làm công tác giám định, trước mắt thực hiện theo Thông tư số 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV ngày 04 tháng 5 năm 2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quiy định về chế độ bồi dưỡng giám định viên tư pháp. Trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng tăng quá 25% so với thời điểm ban hành Thông tư này, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

IV. Tăng cường công tác hỗ trợ về mặt tổ chức đối với các giám định viên độc lập

Việc giải thể các Trung tâm giám định tư pháp trong các lĩnh vực văn hóa, kế toán - tài chính, khoa học - kỹ thuật, xây dựng và thuế, tiến tới xã hội hóa công tác giám định tư pháp là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, do công tác chuẩn bị chưa thật chu đáo, các điều kiện cho việc xã hội hóa chưa đầy đủ dẫn đến sự lúng túng cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp.

Do đó, các Sở, ngành có giám định viên tư pháp độc lập cần tăng cường công tác hỗ trợ về mặt tổ chức cho các giám định viên; lãnh đạo các Sở, ngành có giám định viên tư pháp cần phân công cho Văn phòng Sở (hoặc một đơn vị phù hợp) đảm trách việc tham mưu giúp Giám đốc Sở trong công tác giám định tư pháp. Văn phòng Sở (hoặc một đơn vị phù hợp) là đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giám định tư pháp để trình lãnh đạo Sở phân công giám định viên thực hiện việc giám định; căn cứ vào số lượng và tính chất của yêu cầu giám định, lãnh đạo Sở phân công cán bộ giúp việc cho giám định viên tư pháp, bố trí phòng làm việc, hỗ trợ trang thiết bị, kinh phí cần thiết cho việc giám định. Sau khi giám định viên tư pháp ký tên vào bản kết luận giám định, lãnh đạo Sở (hoặc người được lãnh đạo Sở ủy quyền) có trách nhiệm xác nhận chữ ký của giám định viên và đóng dấu của Sở vào bản kết luận giám định tư pháp. Lãnh đạo Sở cần xác định thời gian thực hiện giám định của giám định viên tư pháp và cán bộ giúp việc giám định là thời gian công tác chính thức; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động giám định tư pháp. Định kỳ 6 tháng, hàng năm Sở, ngành có liên quan giám định tư pháp phải thực hiện công tác sơ kết, tổng kết công tác giám định tư pháp trong phạm vi quản lý, kịp thời giải quyết hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp. 

V. Các vấn đề khác

1. Kiến nghị hoàn thiện thể chế giám định tư pháp

Giao Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền một số nội dung liên quan đến thể chế giám định tư pháp, cụ thể như sau:

a) Kiến nghị Bộ Tư pháp đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn và sửa đổi các quy định pháp luật để đảm bảo sự thống nhất giữa pháp luật tố tụng và pháp luật về giám định tư pháp;

b) Kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ có liên quan sớm ban hành quy định về phí giám định tư pháp đối với từng lĩnh vực giám định đã được quy định tại Điều 38 Pháp lệnh Giám định tư pháp và Điều 20 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP;

c) Kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Bảng phân loại tỷ lệ thương tích dùng trong hoạt động giám định pháp y và Bảng quy chuẩn chuyên môn dùng trong hoạt động giám định pháp y tâm thần;

d) Kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn quy trình giám định tư pháp. Cung cấp các mẫu chuẩn để làm cơ sở cho các giám định viên đối chiếu, so sánh với các phẩm vật, tang vật trong quá trình giám định.

2. Xây dựng Quy chế hoạt động giám định tư pháp

Để cụ thể hoá các quy định pháp luật về hoạt động giám định tư pháp,  từng bước minh bạch hóa và cải tiến thủ tục giám định tư pháp; đồng thời, đảm bảo sự phối hợp tốt giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các tổ chức giám định tư pháp cũng như với các giám định viên tư pháp, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các tổ chức giám định tư pháp xây dựng Quy chế hoạt động giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

3. Công bố danh sách giám định viên tư pháp

Giao Sở Tư pháp tiến hành rà soát, cập nhật thông tin và công khai danh sách các giám định viên tư pháp trên trang Website của Sở Tư pháp.

4. Chế độ báo cáo hoạt động giám định tư pháp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ, định kỳ sáu tháng và hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương. Tuy nhiên, Nghị định 67/NĐ-CP lại không quy định thời hạn báo cáo và cách thức báo cáo của các tổ chức giám định tư pháp cũng như đối với các giám định viên độc lập. Để Sở Tư pháp có cơ sở và số liệu báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố thì cần có quy định cụ thể về chế độ báo cáo, thời hạn báo cáo, mẫu báo cáo định kỳ của các tổ chức giám định tư pháp và các giám định viên tư pháp độc lập.

Sở Tư pháp hướng dẫn chế độ báo cáo, thời hạn báo cáo, mẫu báo cáo định kỳ của hoạt động giám định trên địa bàn thành phố.

5. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động giám định tư pháp

Để hoạt động giám định tư pháp từng bước đi vào nề nếp, đảm bảo tính khách quan, chính xác, tránh tiêu cực, cần phải chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra theo định kỳ hoặc đột xuất đối với hoạt động giám định tư pháp, các Sở, ngành cần chủ động kiểm tra hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý của mình; Sở Tư pháp phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện công tác thanh tra hoạt động giám định tư pháp theo quy định.

6. Tuyên dương, khen thưởng xứng đáng đối với những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong hoạt động giám định tư pháp

Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập danh sách và hồ sơ của các cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích trong hoạt động giám định tư pháp trình các cơ quan có thẩm quyền để kịp thời tuyên dương, khen thưởng xứng đáng.

 

Phần IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

I. Trách nhiệm của các Sở, ngành

1. Sở Tư pháp

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Đề án;

b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân thành phố có văn bản gửi các cơ quan Trung ương đề nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến lĩnh vực giám định tư pháp;

c) Chủ trì tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp trên địa bàn thành phố; phối hợp với Sở Y tế, Công an thành phố và các Sở, ngành chuyên môn xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về giám định tư pháp;

d) Chủ trì, phối hợp với các tổ chức giám định, Sở, ngành chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp; xây dựng cơ chế để thu hút và lựa chọn các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện tham gia vào hoạt động giám định; 

đ) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn, các tổ chức giám định tư pháp xây dựng Quy chế hoạt động giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành;

e) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành chuyên môn, các tổ chức giám định tư pháp đề xuất việc khen thưởng theo quy định;

g) Giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về hoạt động giám định tư pháp; chủ trì tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố các biện pháp tăng cường hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; yêu cầu tổ chức giám định tư pháp, các giám định viên và các Sở, ngành chuyên môn báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

2. Sở Y tế

a) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả Đề án;

b) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giám định pháp y tâm thần và Trung tâm Pháp y thực hiện việc rà soát và xây dựng phương án kiện toàn, tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp tại Trung tâm pháp y và Trung tâm Giám định pháp y tâm thần;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng cơ chế để thu hút và lựa chọn các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện trong lĩnh vực mình quản lý tham gia vào hoạt động giám định; 

d) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Giám định pháp y tâm thần, Trung tâm Pháp y và các Sở, ngành có liên quan xây dựng phương án tăng cường trụ sở, trang bị các trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám định để trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

đ) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho các giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực mình quản lý; phối hợp với Trường Đại học y khoa thiết kế chương trình các môn học chuyên ngành về giám định tư pháp.

3. Công an thành phố

a) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả Đề án;

b) Rà soát và xây dựng phương án kiện toàn, tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp tại Phòng Kỹ thuật hình sự;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng cơ chế để thu hút và lựa chọn các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện trong lĩnh vực mình quản lý tham gia vào hoạt động giám định; 

d) Bố trí và sửa chữa, cải tạo, mở rộng trụ sở làm việc của Phòng Kỹ thuật hình sự; đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác giám định tư pháp;

đ) Xây dựng phương án trang bị phương tiện và các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám định kỹ thuật hình sự để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

e)  Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ giám định tư pháp; kiến thức pháp luật cho các giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực mình quản lý.

4. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Y tế, Công an thành phố và các Sở, ngành chuyên môn bố trí kinh phí cho hoạt động giám định tư pháp, kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp của thành phố.

5. Các sở chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp

a) Phối hợp với Sở, ngành có liên quan thực hiện hiệu quả Đề án;

b) Rà soát và xây dựng phương án kiện toàn, tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực mình quản lý;

c) Phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng cơ chế để thu hút và lựa chọn các chuyên gia, tổ chức chuyên môn có đủ điều kiện trong lĩnh vực mình quản lý tham gia vào hoạt động giám định; 

d) Tạo điều kiện về tổ chức, trụ sở, phương tiện và trang thiết bị để các giám định viên độc lập thực hiện tốt công tác giám định;

đ) Đảm bảo điều kiện lưu giữ, bảo quản hồ sơ giám định do người giám định tư pháp thuộc tổ chức mình thực hiện theo đúng quy định pháp luật;

e) Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về giám định tư pháp; kiến thức pháp luật cho các giám định viên thuộc lĩnh vực mình quản lý.

II. Tiến độ thực hiện

1. Rà soát và xây dựng phương án kiện toàn, tăng cường đội ngũ giám định viên tư pháp tại các tổ chức giám định và trong các lĩnh vực giám định: hoàn thành Quý I năm 2011.

2. Xây dựng phương án tăng cường trụ sở, trang bị các trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động giám định tại các tổ chức giám định tư pháp: hoàn thành Quý II năm 2011.

Trong quá trình thực hiện Đề án, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, Sở, ngành có liên quan phản ánh về Sở Tư pháp để được xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nguồn: Sở Tư pháp


Các tin khác:
TP Cần Thơ: Xây dựng “Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự và văn minh đô thị”  (17/06/2022)
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn TP Cần Thơ  (27/05/2022)
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030  (13/05/2022)
Thí điểm Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại quận Ninh Kiều  (30/04/2022)
Cần Thơ: Phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”  (23/02/2022)

6b484b36-ad32-4ae5-a3e0-aa819608aa0b

Tiêu đề bài viết: Đề án Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động Giám định tư pháp. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Sở Tư pháp.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang