Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng các đối tác của SHiFT và đại diện các sở ngành của tỉnh Sơn La và Đồng Tháp. Tiến sĩ Hồ Hồng Liên từ Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Ban Tổ chức, chia sẻ rằng sáng kiến SHiFT của CGIAR giai đoạn 2022 - 2024 tập trung vào đảm bảo chế độ ăn lành mạnh bền vững cho cộng đồng, trong đó Việt Nam là một trong ba quốc gia mục tiêu, cùng với Ethiopia và Bangladesh. Mục tiêu chính là tăng nhu cầu đối với chế độ ăn lành mạnh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cung cấp các loại thực phẩm bổ dưỡng, an toàn và giá cả hợp lý, hướng tới một hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững.
Việc tổ chức hội thảo tại TP Cần Thơ hướng tới ba mục tiêu chính: (1) chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo và chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm tại Việt Nam; (2) tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan trong sáng kiến SHiFT, và (3) mở rộng cơ hội triển khai các chương trình đào tạo đào tạo viên về chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm tại Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá rằng quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm tại Việt Nam là cần thiết trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên đất và nước và nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Ông cho rằng cần có giải pháp tiếp cận liên ngành và tác động đa mục tiêu nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh lương thực - thực phẩm, đảm bảo sự tiếp cận tới nguồn thực phẩm an toàn, dinh dưỡng, và thích ứng với biến đổi khí hậu. Lộ trình chuyển đổi hệ thống bao gồm việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững, sản xuất an toàn, xây dựng chuỗi giá trị cạnh tranh và bình đẳng, tăng khả năng thích ứng với biến đổi.
Bà Inge Brouwer, Giám đốc sáng kiến SHiFT, nhấn mạnh rằng giải pháp cho các vấn đề về an ninh lương thực - thực phẩm cần lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Theo bà, các biện pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận và chấp nhận chế độ ăn lành mạnh cần được thiết kế từ góc độ người tiêu dùng, hỗ trợ các nhà cung cấp thực phẩm và doanh nghiệp nhỏ cung cấp thực phẩm bền vững. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác quốc gia trong phát triển chính sách là cần thiết để tạo ra các chiến lược hiệu quả hỗ trợ chế độ ăn lành mạnh và bền vững.
Tiến sĩ Elise Talma từ Đại học và Trung tâm nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) nhận định rằng chế độ ăn kém chất lượng là nguyên nhân chính gây suy dinh dưỡng và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Theo bà, trên thế giới hiện có hơn một tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn lành mạnh. Các hệ thống lương thực - thực phẩm hiện nay đang vượt qua giới hạn của hành tinh và không đảm bảo bền vững. Sau Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực - thực phẩm của Liên hợp quốc (UNFSS) năm 2021, nhiều quốc gia đã phát triển các kế hoạch chuyển đổi hệ thống lương thực - thực phẩm, trong đó có Việt Nam.
Bà Talma cũng nhấn mạnh rằng các chính sách cấp quốc gia nên tập trung vào việc thúc đẩy chế độ ăn lành mạnh từ gốc độ người tiêu dùng, với các can thiệp thay đổi hành vi và xu hướng tiêu dùng, như: hướng dẫn quốc gia về chế độ ăn dựa trên thực phẩm lành mạnh, chương trình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, bảo trợ xã hội, bữa ăn học đường và chương trình dinh dưỡng tại trường học. Bên cạnh đó, cần đổi mới môi trường thực phẩm, ghi nhãn mặt trước của bao bì, áp dụng thuế đối với thực phẩm không lành mạnh và trợ cấp thực phẩm lành mạnh.
Hội thảo cũng tập trung vào việc phát triển các phương pháp và công cụ đào tạo, xây dựng hồ sơ hệ thống lương thực - thực phẩm cấp tỉnh và phân tích, lập kế hoạch hành động phù hợp với từng bối cảnh địa phương. Trường Đại học Cần Thơ sẽ đóng vai trò đầu mối phối hợp với các đối tác, xây dựng tài liệu đào tạo và hợp tác với các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, tổ chức tập huấn đào tạo viên về lương thực - thực phẩm bền vững. Hội thảo không chỉ là diễn đàn chia sẻ kiến thức mà còn là bước tiến mới trong hợp tác và đào tạo về lương thực - thực phẩm tại Việt Nam, với mục tiêu dài hạn là xây dựng một hệ thống lương thực - thực phẩm bền vững, minh bạch và có trách nhiệm, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Kim Xuyến