Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hiểu thêm về giá trị nghệ thuật kiến trúc của Nhà cổ Bình Thủy
Ngày đăng: 14/04/2024

Lượt xem:


Nhà cổ Bình Thủy có tên gọi chính thức là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Nhà thờ họ Dương, được xây dựng từ năm 1870, tọa lạc tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đây là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến trúc phương Tây trên nền của văn hóa phương Đông.
Nhà cổ Bình Thủy - Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ảnh: DUY KHÔI

Tính đến nay, ngôi nhà đã có lịch sử hơn 150 năm, trải qua thời gian dài xây dựng và qua nhiều thời kỳ khác nhau, với người đặt nền móng ban đầu là ông Dương Văn Vị. “Khoảng nửa sau thế kỷ XIX, ông Dương Văn Vị chọn đất ở gần vàm rạch Bình Thủy - Cần Thơ để sinh cơ lập nghiệp và buôn bán gạo, muối… rồi dần trở nên giàu có. Đến năm 1870, ông Vị đã khởi công xây dựng ngôi nhà 5 gian bằng gỗ quý, như lim, căm xe, cà chất. Khi sử dụng được trên 30 năm, ông đã cho thiết kế, xây dựng lại toàn bộ ngôi nhà. Công việc tiến hành khoảng vài năm thì ông mất (1904), con trai út của ông là Dương Chấn Kỷ đã tiếp tục việc xây dựng đến khoảng năm 1911 mới kết thúc. Theo các vị trong Hội đồng gia tộc thì ngôi nhà thờ họ Dương hoàn thành sau đình Bình Thủy (xây dựng 1909-1910) khoảng một vài năm. Cùng với việc xây dựng nhà mới, ông Dương Chấn Kỷ còn xây thêm ngôi nhà tường một trệt một lầu, cách đó khoảng 50m về bên trái để làm nơi sinh hoạt riêng tư. Bên hông phải là lẫm lúa, nhà kho, phía sau xây dãy nhà ngang cho con cháu, gia nhân ở, đồng thời mở rộng sân trước, xây hòn non bộ, cổng và hàng rào sắt kiên cố”(1).

Ngôi nhà được xây dựng trên sở đất rộng 8.000m2 theo hướng Đông - Tây. Xung quanh là các loại hoa kiểng, cây ăn trái, tạo không khí mát mẻ cho môi trường xung quanh. “Khuôn viên nhà được bao bọc bởi hàng rào đúc sẵn nhập tận bên Tây, song thưa để khách đi đường có thể nhìn thấy toàn bộ căn nhà. Sau cánh cổng sắt lại có cổng tam quan làm bằng bốn cột gỗ căm xe to lớn, mái lợp ngói lưu ly rêu phong, bờ nóc trang trí, làm bằng ô dước cảnh mai điểu và bốn góc có Long - Lân - Qui - Phụng. Trước sân có hòn non bộ bằng đá nham thạch đen, tạo cảnh giả sơn, thú chơi của người tao nhã. Khuất trong vườn có một nhà mát bốn cạnh nhỏ xinh. Đường nét đơn giản, mái lợp ngói vẩy cá giữa những thân kiểng cổ thụ trông thật gần gũi và điền dã như thoát khỏi vẻ lộng lẫy của ngôi nhà chính để chìm vào không gian xanh của những loài hoa cỏ. Phía bốn góc sân còn có những cây đèn sắt của Pháp trang trí, tôn tạo thêm nét quý phái của ngôi nhà”(2).

Sân nhà rộng rãi, thoáng đãng, được lót gạch, trông rất sạch sẽ. Hết khoảng sân là đến bậc tam cấp của ngôi nhà. “Bước qua bậc tam cấp ôm cong lên mái hiên, những phù điêu nổi bật sắc sảo trên các ô cửa có hoa văn sắt cuốn trang trí làm các cánh cửa lá sách trở nên sống động hơn. Màu vàng đất của mảng phù điêu con sóc chùm nho hay mặt cắt cánh hoa phù dung quấn hoa dây lại phối hợp hài hòa một cách kỳ lạ với màu xanh của cây lá trên cửa. Màu xanh lá, là màu rất dân dã mà nhiều người ở quê hay dùng để sơn phết nhà cửa, sao ở đây lại có thể phối hợp và tôn tạo màu sắc của ngôi nhà trở nên duyên dáng và sang trọng đến lạ lùng. Phía sau cánh cửa đó là một thế giới hào nhoáng với bao vật dụng từ bàn ghế cho đến vật trang trí đắt tiền...”(3).

Ngôi nhà được cất theo kiểu truyền thống Nam Bộ, gồm nhà trước, nhà giữa và nhà sau do các thợ lành nghề từ miền Trung, miền Bắc đảm nhận. “Nhà trước gồm năm gian dùng làm nơi tiếp khách trong các dịp lễ nghi quan trọng, được trang trí theo phong cách châu Âu. Sàn nhà lát gạch bông nhập từ Pháp, la-phông trang trí hoa văn, đèn treo Tây Âu, các bộ bàn ghế bằng gỗ được chế tác theo kiểu Louis XV, đặc biệt có một chậu rửa (lavabo) và một máy hát đĩa của Pháp hiện rất hiếm và có giá trị. Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trước có treo bức chân dung ông Dương Chấn Kỷ - người xây dựng ngôi nhà hoàn chỉnh như hiện nay. Ảnh được đúc bằng sành, tráng men, bên trái có hàng chữ Hán “Đề Ngạn An Nam Tường Nguyên Tiếp Tạo”. Đây là kỹ thuật làm ảnh gốm tráng men rất thịnh hành ở Pháp và Trung Quốc từ cuối thế kỷ XVIII.

Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ với các đồ án quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, đồng thời cũng gần gũi với đời sống của người Nam Bộ: mai, lan, cúc, trúc; sen, điểu; tùng lộc, dơi, thỏ, chim công, gà, tôm, cua, khổ qua, nho… Các ô hộc được chạm khắc tỉ mỉ, sắc sảo nằm trong khung hình chữ nhật, hình vuông, hình bát giác, hình lục giác, gây cảm giác thích thú, không nhàm chán, đơn điệu. Quan sát tất cả các chi tiết, mảng chạm khắc gỗ ở nội thất từ đường, ta thấy có hai phong cách trang trí chủ đạo: đề mộc và khảm xà cừ, tạo nên một vẻ đẹp giản dị nhưng tinh tế.

Nhà gian giữa gồm năm gian: ba gian trong được bố trí làm nơi thờ tự, các bàn hương án, khám thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ, cách bài trí thuần Việt. Hai gian bìa dùng để ở ngăn cách với gian thờ bởi hai hàng tủ gỗ, có chức năng vừa trang trí vừa làm vách ngăn.

Nhà sau được sử dụng để tiếp khách nữ, nằm sau vách ngăn bằng gỗ chạy dài từ dưới lên trên trần gồm nhiều ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ. Các cấu kiện, chi tiết kiến trúc không khác nhà trước.

Bộ khung nhà dựa trên 24 cột gỗ căm xe, cà chất (ngang 4 cột, sâu 6 cột không kể cột tường) cao từ 4 đến 6m đặt trên khung đá tảng cổ bồng. Đường kính cột lớn dần vào trong: cột hiên 28cm, cột quân 29,3cm và cột cái 31cm. Các cột, kèo… được kết nối bởi một hệ thống vì kèo truyền thống thường thấy ở các cấu trúc nhà Nam Bộ, đó là kèo xuyên trính hay còn gọi là kèo cánh ác, cánh dơi.

Kiến trúc ngôi nhà, phòng khách bài trí theo phong cách Tây Âu, nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân: tiếp thu cái mới nhưng vẫn giữ cốt cách dân tộc. Chính điều ấy đã lôi cuốn nhiều đạo diễn, hãng phim chọn nơi đây làm phim trường, trong đó có đạo diễn gạo cội Jane Jacques Annaut và diễn viên lừng danh Jane March, với bộ phim nổi tiếng “L’Amant” (Người tình)”(4). Ngôi nhà này cũng là bối cảnh quay của các bộ phim: “Chân trời nơi ấy”, “Những nẻo đường phù sa”, “Công tử Bạc Liêu”... Đây cũng là nơi lui tới của các thi nhân, tao nhân mặc khách để chiêm ngưỡng, tham quan và nghiên cứu.

Đặc biệt, chủ nhân của ngôi nhà  hiện nay vẫn còn giữ lại nhiều hiện vật xưa rất có giá trị, như: “Hai bộ bàn ghế xuất xứ từ Vân Nam - Trung Quốc. Mặt bàn bằng đá cẩm thạch vân xanh đường kính 1,5m dày hơn 6cm; bộ xa lông kiểu Pháp đời Louis XV, mặt bàn bằng đá cẩm thạch sắc xanh […] cùng bốn cây đèn đường đốt bằng dầu cao hơn 3m của Pháp thế kỷ XVIII; tách chén nậm trà - rượu đời Minh - Thanh (một bộ trà Tùng Đình, một bộ Ngũ Liễu, chén Tuyên Đức niên phụng sản xuất cách đây 572 năm, hai cái lục cao 0,2 tấc đời Thành Hóa niên chế 1465…”(5).

Nhà thờ họ Dương là một trong những ngôi nhà cổ hiếm hoi ở Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng còn giữ được tương đối nguyên vẹn về bố cục kiến trúc, cách bài trí và các hiện vật xưa. Cho nên có thể nói, “đây là một công trình kiến trúc có giá trị. Mặc dù được xây dựng vào đầu thế kỷ XX, chịu ảnh hưởng  của nghệ thuật phương Tây nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, họa tiết trang trí. Ở đây sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý, tạo cho ngôi nhà một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, gần gũi, tân kỳ mà không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả”(6). Năm 2009, Nhà thờ họ Dương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Trần Kiều Quang

----------

(1) Huỳnh Đỉnh Chung (2010), “Nhà thờ họ Dương”, trong cuốn “Nhà cổ ở thành phố Cần Thơ”, NXB Đại học Cần Thơ, tr.8.

(2) Ngô Kế Tựu (2013), “Nhà xưa Nam Bộ”, NXB Thời Đại, tr.84.

(3) Ngô Kế Tựu, Sđd, tr.82.

(4) Huỳnh Đỉnh Chung, Sđd, tr.13-16

(5) Vũ Thống Nhất (2005), “Nhà cổ Bình Thủy, điểm đến của du khách thập phương”, trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.185-186.

(6) Huỳnh Đỉnh Chung, Sđd, tr.17.


Nguồn: Báo Cần Thơ


beea3260-2f26-49d4-be57-9498f0c4f9d1

Tiêu đề bài viết: Hiểu thêm về giá trị nghệ thuật kiến trúc của Nhà cổ Bình Thủy . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français