Văn hóa - Tín ngưỡng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Kể chuyện Điện Biên Phủ
Ngày đăng: 12/05/2024

Lượt xem:


Triển lãm chuyên đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” kể những câu chuyện đầy tự hào và hấp dẫn về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong đó, có nhiều câu chuyện về tấm lòng của quân và dân miền Tây sông nước hướng về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”.
Đại biểu và khách tham quan xem triển lãm tại Bảo tàng Quân khu 9.

Triển lãm do Bảo tàng Quân khu 9 thực hiện, diễn ra đến hết tháng 6-2024. Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, triển lãm được bố cục gồm 3 phần: “Xây dựng thế trận lòng dân”, “Trận quyết chiến chiến lược”, “Âm vang Điện Biên”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thiếu tướng Hồ Văn Thái, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 9, nhấn mạnh: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, kỳ tích vẻ vang trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Đặc biệt, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại một trong những điều đặc biệt chưa từng có trong lịch sử chiến tranh, đó là người dân tham gia vào chiến dịch này đông gấp nhiều lần quân đội.

Quả vậy, hình ảnh chiếc xe đạp thồ được trưng bày trang trọng trong khuôn viên triển lãm là ví dụ điển hình. Những chiếc xe thồ có thể vận chuyển thông suốt hàng ngàn tấn hàng hóa cho tiền tuyến. Thời điểm đó, xe đạp là tài sản lớn nhưng những người dân yêu nước vẫn sẵn sàng tự nguyện đóng góp cho cách mạng để phục vụ tiền tuyến. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gần 21.000 chiếc xe đạp thồ được huy động tham gia chiến dịch và đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ. Trong cuốn “Trận Điện Biên Phủ”, ký giả Jules Joy viết: “Tướng Nava bị thua chính là những chiếc xe đạp thồ với những kiện hàng từ 200 đến 320kg, được điều khiển bởi những con người ăn không thật no và ngủ thì nằm ngay trên những mảnh ni-lông trải trên đất”.

Tháng 3-1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi thư động viên toàn thể anh chị em dân công phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong thư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Tôi trân trọng gửi lời khen ngợi anh chị em đã nỗ lực công tác trong suốt mấy tháng chuẩn bị, và kêu gọi toàn thể anh chị em ra sức thi đua tăng năng xuất, bảo vệ của công, cùng anh em bộ đội giành toàn thắng cho chiến dịch”.

Triển lãm còn kể về những anh hùng Điện Biên Phủ đã làm nên kỳ tích “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là Phan Đình Giót - Anh hùng lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Bế Văn Đàn - Anh hùng lấy thân mình làm giá súng để đồng đội nhằm thẳng quân thù mà bắn, Tô Vĩnh Diện - Anh hùng lấy thân mình chèn pháo. Hay là Anh hùng Nguyễn Văn Thuần, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã tham gia chiến đấu 30 trận, chỉ huy đơn vị diệt gần 1.000 tên địch, trong đó đồng chí diệt gần 200 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.

Xem triển lãm, người xem còn cảm nhận được tấm lòng hướng về Điện Biên Phủ của quân và dân ĐBSCL. Điển hình như bản đồ bố trí lực lượng tổ chức công sự ta ở Điện Biên Phủ của đồng chí Đào Văn Trường, Đoàn trưởng Đại đoàn 351 (nguyên Khu bộ trưởng Khu 8 đầu tiên) sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hay là tấm bằng Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tặng cho Đại đội 2062, Tiểu đoàn 410, ngày 23-7-1954. Đây là đơn vị đã tấn công vào thị xã Rạch Giá… Đặc biệt, thật xúc động khi xem Cờ nhân dân vùng tạm chiếm Long Châu Hà may, thêu kính tặng Chiến sĩ Anh dũng Điện Biên Phủ. Đồng chí Nguyễn Văn Giàu, cán bộ Đại đội phụ trách Tuyên huấn Sư đoàn 308 đã giữ lá cờ này. Khi đó, đồng chí cùng đơn vị tham gia chiến đấu ở Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Triển lãm giới thiệu với khách tham quan tờ Báo Mỹ Tho (Thông tin D.Q.C) số 3, số đặc biệt Kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), có đăng bài “Hưởng ứng Hội nghị Genève để chúc thọ Hồ Chủ tịch, quân ta đã kết liễu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt hoàn toàn trên 16.000 binh sĩ địch”. Cũng tờ báo này, số 4 ra ngày 15-6-1954 có đăng bài “Hướng ửng Hội nghị Genève, Chiến thắng Điện Biên Phủ, gần 4.000 học sinh và đồng bào tiến hành hai cuộc biểu tình chống giặc bắt lính ở thị xã Mỹ Tho”. Báo Cứu Quốc (Cơ quan của Mặt trận Liên Việt Bạc Liêu) số 2, ra ngày 31-5-1954, có đăng “Bức thơ khen ngợi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khen bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc đã chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ, được Bác Hồ viết ngày 8-5-1954. Bản Tin tức Cứu Quốc số 12, ra ngày 18-3-1954 của Ty Tuyên văn Sóc Trăng thì đăng tin tình hình chiến sự và thắng lợi của ta ở Mặt trận Điện Biên Phủ…

Xúc động sao khi đứng trước nắm đất thiêng Đồi A1 (Điện Biên Phủ), được lấy tại đường ngầm nơi đặt khối thuốc nổ gần 1.000kg làm hiệu lệnh tổng tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc 20 giờ 30 phút, ngày 6-5-1954. A1 đã trở thành đất thiêng. Điện Biên Phủ anh hùng cũng là đất sử, đất thiêng của Tổ quốc. Em Nguyễn Lan Phương, sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, sau khi xem triển lãm đã xúc động: “Dù em đã được học về Chiến dịch Điện Biên Phủ nhiều, nhưng khi xem từng hiện vật ở triển lãm này, em rất xúc động và tự hào. Ông cha ta vô cùng anh hùng!”.


Nguồn: Báo Cần Thơ


c461b9c8-5f49-44bc-9cac-75616dc2f8bd

Tiêu đề bài viết: Kể chuyện Điện Biên Phủ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français