Ngành - Lĩnh vực


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020
Ngày đăng: 06/07/2012

Lượt xem:


I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006;

- Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng;

- Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020;

- Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai tiếp Nghị quyết số 45/NQ-TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ giai đoạn 2009 - 2015;

- Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020”;

- Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Tiêu chí quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020.

2. Tình hình chung

Thành phố Cần Thơ là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương với diện tích tự nhiên là 140. 199, 09 ha và dân số là 1.141.016 người, gồm 09 quận, huyện, 86 xã, phường, thị trấn.

Thành phố Cần Thơ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, và có vị trí quan trọng về an ninh, chính trị của khu vực, là động lực giúp vùng ĐBSCL phát triển. Trong tương quan chung của vùng, Cần Thơ là đô thị lớn, phát triển khá, thể hiện được các đặc trưng cơ bản của một trung tâm nhiều chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học kỹ thuật và văn hoá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Thành phố trong 05 năm gần nhất đạt 15,13%, cao hơn 1,63% so với giai đoạn 2001 - 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp, công nghệ cao.

Bên cạnh đó, trên địa bàn Thành phố còn có các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính có uy tín trong và ngoài nước.  Các công ty trong và ngoài nước có hàng trăm ngàn giao dịch thương mại, dịch vụ đã tạo động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.

Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa, đòi hỏi thành phố Cần Thơ phải ra sức nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, tham gia có hiệu quả vào sự phân công lao động quốc tế. Để làm được việc đó, thành phố Cần Thơ cần phải có những chính sách phát triển nhanh, mạnh và có hiệu quả đối với khu vực kinh tế tư nhân và các dịch vụ pháp lý, trong đó có hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng (TCNHCC), bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch, góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tranh chấp và vi phạm pháp luật. Từ đó, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố được bền vững.

(Đính kèm Phụ lục I)

3. Thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực

Hiện thành phố Cần Thơ có 10 TCHNCC được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có 02 Phòng Công chứng (Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2 có trụ sở nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều) và 08 Văn phòng công chứng (Văn phòng công chứng 24h, Văn phòng công chứng Việt Chương, Văn phòng công chứng Trần Mạnh Hùng có trụ sở nằm trên địa bàn quận Ninh Kiều; Văn phòng công chứng Trần Văn Mỹ có trụ sở nằm trên địa bàn quận Bình Thủy; Văn phòng công chứng Cần Thơ, Văn phòng công chứng Tây Đô có trụ sở nằm trên địa bàn quận Cái Răng; Văn phòng công chứng Lê Thị Thu có trụ sở nằm trên địa bàn quận Ô Môn; Văn phòng công chứng Thốt Nốt có trụ sở nằm trên địa bàn quận Thốt Nốt).

Trong thời gian qua, hoạt động của các TCHNCC trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Song song với các TCHNCC, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cũng thực hiện việc chứng thực hợp đồng, giao dịch cho công dân.

Thực trạng tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được thể hiện cụ thể như sau:

a) Đối với quận Ninh Kiều

- Địa bàn quận Ninh Kiều có 05 TCHNCC hoạt động, gồm Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Văn phòng công chứng 24h, Văn phòng công chứng Việt-Chương và Văn phòng công chứng Trần Mạnh Hùng.

Thực hiện Thông tư số 03/2008/TT-BTP ngày 25 tháng 08 năm 2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định số 61/2009/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2009 về chuyển giao các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trên địa bàn quận Ninh Kiều cho các TCHNCC thực hiện. Theo đó, UBND phường thuộc quận Ninh Kiều không còn thẩm quyền chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của người dân; số lượng giao dịch tại các TCHNCC trên địa bàn quận Ninh Kiều gia tăng.

Cụ thể, năm 2009 tổng số loại việc được chứng nhận tại các TCHNCC là 22.216 việc. Trong đó, Phòng Công chứng số 1 chứng nhận 7.910 việc; Phòng Công chứng số 2 chứng nhận 7.323 việc; và Văn phòng công chứng 24h chứng nhận 6.983 việc. Sang năm 2010 số lượng việc công chứng được tăng lên 28.827 việc. Trong đó, Phòng Công chứng số 1 chứng nhận 8.947 việc; Phòng Công chứng số 2 chứng nhận 8.725 việc; Văn phòng công chứng 24h chứng nhận 9.517 việc; Văn phòng công chứng Trần Mạnh Hùng chứng nhận 820 việc và Văn phòng công chứng Việt-Chương chứng nhận 818 việc.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng tại quận Ninh Kiều là 25.522 trường hợp.

b) Đối với quận Bình Thủy

- Địa bàn quận Bình Thủy có 01 TCHNCC (Văn phòng công chứng Trần Văn Mỹ) chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26 tháng 3 năm 2010. Qua 11 tháng hoạt động, Văn phòng công chứng Trần Văn Mỹ đã chứng nhận được 2.080 trường hợp. Song song với Văn phòng công chứng, các UBND phường cũng thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Qua 02 năm 6 tháng (năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010), các UBND phường thuộc quận Bình Thủy đã chứng thực được tổng số 10.726 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực tại quận là 6.371 trường hợp.

c) Đối với quận Cái Răng

- Địa bàn quận Cái Răng có 02 Văn phòng công chứng hoạt động, trong đó Văn phòng công chứng Cần Thơ được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 23 tháng 11 năm 2009, Văn phòng công chứng Tây Đô được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 13 tháng 7 năm 2010. Trong năm 2010, Văn phòng công chứng Cần Thơ đã chứng nhận được 6.125 trường hợp; sau 06 tháng hoạt động, Văn phòng công chứng Tây Đô đã chứng nhận được 1.101 trường hợp. Song song với các Văn phòng công chứng, thì các UBND phường cũng thực hiện công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Qua 02 năm 6 tháng (năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010), các UBND phường thuộc quận Cái Răng đã chứng thực được tổng số 7.538 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực tại quận là 10. 242 trường hợp.

d) Đối với quận Ô Môn

- Địa bàn quận Ô Môn có 01 TCHNCC (Văn phòng công chứng Lê Thị Thu) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 26 tháng 10 năm 2010. Sau gần 04 tháng đi vào hoạt động, Văn phòng công chứng Lê Thị Thu đã chứng nhận được 183 trường hợp. Song song với Văn phòng công chứng, thì các UBND phường cũng thực hiện chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Cụ thể, năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010, các UBND phường thuộc quận Ô Môn đã chứng thực được tổng số 11.504 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực tại quận Ô Môn là 4.785 trường hợp.

đ) Đối với quận Thốt Nốt

- Địa bàn quận Thốt Nốt có 01 TCNHCC (Văn phòng công chứng Thốt Nốt) được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 02 tháng 11 năm 2010. Sau 03 tháng đi vào hoạt động, Văn phòng công chứng Thốt Nốt đã chứng nhận được 163 trường hợp. Song song với Văn phòng công chứng, các UBND phường cũng thực hiện công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản cho cá nhân và tổ chức. Qua 02 năm 6 tháng (năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010), các UBND phường thuộc quận Thốt Nốt đã chứng thực được tổng số 8.900 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được công chứng, chứng thực tại quận Thốt Nốt là 3.723 trường hợp.

e) Đối với huyện Phong Điền

- Địa bàn huyện Phong Điền chưa có TCHNCC hoạt động. Do đó, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của các tổ chức và cá nhân chủ yếu do UBND xã, thị trấn chứng thực. Qua 02 năm 6 tháng (năm 2008, 2009 và 6 tháng đầu năm 2010), các UBND xã, thị trấn thuộc huyện Phong Điền đã chứng thực được tổng số 9.044 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được chứng thực tại huyện Phong Điền là 3.618 trường hợp.

g) Đối với huyện Vĩnh Thạnh

- Địa bàn huyện Vĩnh Thạnh chưa có TCHNCC hoạt động. Do đó, các hợp đồng, giao dịch của người dân chủ yếu do các UBND xã, thị trấn chứng thực. Từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2010, các UBND xã, thị trấn đã chứng thực được tổng số 16.704 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được chứng thực tại huyện Vĩnh Thạnh là 6.682 trường hợp.

h) Đối với huyện Cờ Đỏ

- Địa bàn huyện Cờ Đỏ chưa có TCHNCC hoạt động. Do đó, các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của người dân chủ yếu do các UBND xã, thị trấn chứng thực. Từ năm 2008 đến 6 tháng đầu năm 2010, các UBND xã, thị trấn đã chứng thực được tổng số 10.649 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch được chứng thực tại huyện Cờ Đỏ là 4.260 trường hợp.

i) Đối với huyện Thới Lai

- Địa bàn huyện Thới Lai chưa có TCHNCC hoạt động. Do đó, các hợp đồng, giao dịch của người dân chủ yếu do các UBND xã, thị trấn chứng thực. Từ ngày 01 tháng 3 năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2010, số lượng hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản của tổ chức và cá nhân được chứng thực tại huyện là 3.837 trường hợp.

- Nhu cầu bình quân mỗi năm số lượng hợp đồng, giao dịch chứng thực tại huyện Thới Lai là 3.200 trường hợp.

(Đính kèm Phụ lục số II)

 

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Mục tiêu quy hoạch    

Nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới hình thức tổ chức công chứng theo hướng từng bước xã hội hoá, phát huy tiềm năng to lớn của xã hội trong việc phát triển hệ thống công chứng, phục vụ thuận tiện cho các nhu cầu công chứng của tổ chức và nhân dân; thực hiện xây dựng quan hệ dịch vụ bình đẳng giữa công chứng viên và người yêu cầu công chứng; minh bạch hóa, đơn giản hóa trình tự, thủ tục công chứng, phát huy tính chủ động, tích cực của công chứng viên trong quá trình tác nghiệp, loại bỏ lối làm việc bàn giấy quan liêu, cửa quyền của công chứng viên; tạo động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các TCHNCC, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ trong điều kiện hội nhập. Đồng thời, nhằm giảm tải lượng chứng thực tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong tình hình cán bộ tư pháp tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, chuyên môn như hiện nay. Vấn đề từng bước xã hội hóa công chứng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Tuy nhiên, hiện nay, 02 Phòng Công chứng và 08 Văn phòng công chứng đều có trụ sở đặt tại các quận trọng điểm có điều kiện phát triển về kinh tế - xã hội. Đối với các huyện thì chưa có TCHNCC hoạt động. Do đó, chưa thể phục vụ hết nhu cầu công chứng của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong điều kiện ngày càng gia tăng về số lượng và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng phục vụ như hiện nay.

Nhằm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 06 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và mục tiêu xã hội hóa hoạt động công chứng, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đảm bảo công tác quản lý nhà nước được chặt chẽ, thì việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch chung của toàn thành phố.

2. Nguyên tắc quy hoạch phát triển TCHNCC

Việc quy hoạch phát triển TCHNCC trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 được xây dựng dựa trên 04 tiêu chí cơ bản về Quy hoạch phát triển TCHNCC ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 240/TTg ngày 17 tháng 02 năm 2011. Cụ thể như sau:

a) Đơn vị quy hoạch

Lấy đơn vị hành chính quận, huyện (gồm 05 quận và 4 huyện) trên địa bàn thành phố Cần Thơ, làm đơn vị quy hoạch các TCHNCC.

b) Diện tích, điều kiện địa lý, số lượng dân cư và sự phân bố dân cư

Căn cứ vào diện tích, điều kiện địa lý, hệ thống hạ tầng giao thông, số lượng dân cư và sự phân bố dân cư trên địa bàn của quận, huyện để quy hoạch vị trí các TCHNCC theo các nguyên tắc sau:

- Hình thành mạng lưới TCHNCC phân bố hợp lý gắn với số lượng dân cư và địa bàn dân cư;

- Không tập trung nhiều TCHNCC tại một khu vực trên một đơn vị quy hoạch;

- Đáp ứng thuận lợi các yêu cầu về dịch vụ công chứng của nhân dân.

c) Sự tác động chính sách và pháp luật đến hoạt động công chứng

Căn cứ vào sự thay đổi, cải cách các chính sách và pháp luật có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động công chứng (như chính sách về chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, cấp xã sang cho TCHNCC; chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị; chính sách phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm; các dự báo về chính sách như chuyển việc công chứng từ hình thức bắt buộc sang tự nguyện đối với một số loại hợp đồng, giao dịch …) mà kết quả sẽ làm tăng hoặc giảm số lượng hợp đồng, giao dịch cần công chứng để tính toán xác định, điều chỉnh số lượng phát triển TCHNCC cho phù hợp.

d) Nhu cầu công chứng của xã hội

Nhu cầu công chứng của xã hội được biểu hiện qua số lượng hợp đồng, giao dịch có nhu cầu công chứng, phản ánh sự tổng hòa của mức độ phát triển kinh tế - xã hội, quá trình và tốc độ đô thị hóa, sự phát triển của thị trường bất động sản, thị trường vốn, tài chính, ngân hàng, nhận thức pháp luật của xã hội và các vấn đề có liên quan. Nhu cầu công chứng là tiêu chí chủ yếu để quy hoạch số lượng các TCHNCC. Việc xác định số lượng các TCHNCC quy hoạch trên một địa bàn cấp huyện từ nay đến năm 2020 căn cứ vào nguyên tắc sau:

- Quy hoạch ít nhất 01 TCHNCC trên một địa bàn quận, huyện;

- Quy hoạch tối đa 02 TCHNCC đối với những địa bàn quận, huyện có nhu cầu công chứng trung bình (dưới 6.000 hợp đồng, giao dịch/năm);

- Quy hoạch tối đa 04 TCHNCC đối với những địa bàn quận, huyện có nhu cầu công chứng cao (từ 6.000 hợp đồng, giao dịch đến dưới 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm);

- Quy hoạch tối đa 05 TCHNCC đối với những địa bàn quận, huyện có nhu cầu công chứng rất cao (trên 12.000 hợp đồng, giao dịch/năm);

- Bảo đảm tính phát triển bền vững, hiệu quả và bình đẳng trong hoạt động công chứng; tránh xu hướng phát triển lệch lạc, cạnh tranh không lành mạnh. Kết hợp việc quy hoạch số lượng tổ chức hành nghề công chứng với phát triển quy mô, chất lượng TCHNCC và phát triển số lượng công chứng viên để đáp ứng đầy đủ yêu cầu công chứng trên địa bàn;

- Trong những trường hợp đặc biệt cần phát triển thêm TCHNCC so với mức tối đa đã quy định, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ nêu rõ căn cứ và trình Bộ Tư pháp xem xét.

 

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Dự báo nhu cầu công chứng

Căn cứ vào đặc điểm về diện tích, điều kiện địa lý, số lượng dân cư và sự phân bố dân cư; cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự thay đổi về chính sách quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, ... ở mỗi quận, huyện, nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức được dự báo trên mỗi đơn vị quận, huyện như sau:

a) Đối với quận Ninh Kiều

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận Ninh Kiều đạt 17,3% vào năm 2010. Quận Ninh Kiều đang đẩy nhanh, mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu. Phối hợp với các ngành Trung ương và thành phố xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại cấp vùng, xây dựng các chợ đầu mối trái cây, thủy sản,…; củng cố và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn, tạo bước phát triển cho hoạt động thương mại và dịch vụ;

- Một phần số lượng hợp đồng, giao dịch của cá nhân và tổ chức ở các huyện chưa có TCHNCC hoạt động cũng được công chứng tại các TCNHCC, đặc biệt là được công chứng tại các TCHNCC trên địa bàn quận Ninh Kiều;

- Khi TCNHCC phát triển trên tất cả các huyện còn lại thì hợp đồng, giao dịch của người dân sẽ được công chứng tại các TCHNCC sẽ phát triển. Khi đó, số lượng hợp đồng, giao dịch của người dân trên địa bàn quận Ninh Kiều sẽ ổn định và dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận giai đoạn 2011-2015 là 28.000 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 29.000 vụ việc/năm.

                               b) Đối với quận Bình Thủy

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận Bình Thủy đạt 16,4 % vào năm 2010. Trên địa bàn quận có Sân bay Trà Nóc, Cảng Cần Thơ, khu Công nghiệp với nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế. Nhiều quy hoạch, công trình, dự án trên địa bàn quận đang được triển khai thực hiện;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận Bình Thủy giai đoạn 2011-2015 là 8.500 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 10.000 vụ việc/năm.

c) Đối với quận Cái Răng

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận Cái Răng đạt 18,5% vào năm 2010. Quận có các khu công nghiệp Hưng Phú I, Hưng Phú II, khu dân cư mới Nam sông Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui và cầu Cần Thơ, đồng thời trên địa bàn quận có 68 dự án được cấp phép đầu tư xây dựng đang triển khai (trong đó có 43 dự án quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, 25 dự án khu dân cư và tái định cư, với tổng diện tích 2.152 ha);

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận Cái Răng giai đoạn 2011-2015 là 11.000 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 11.500 vụ việc/năm.

d) Đối với quận Ô Môn

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận Ô Môn đạt 16% vào năm 2010. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng được đầu tư xây dựng. Quận Ô Môn được quy hoạch xây dựng thành Trung tâm nhiệt điện lớn nhất khu vực ĐBSCL;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận Ô Môn giai đoạn 2011-2015 là 5.500 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là trên 7.100 vụ việc/năm.

đ) Đối với quận Thốt Nốt

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của quận Thốt Nốt đạt 19,39% vào năm 2010. Quận đã xây dựng Khu công nghiệp Lộ Tẻ hoàn thành giai đoạn I, II với diện tích 60 ha, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư. Các ngành nghề: Chế biến lương thực, thủy sản xuất khẩu, chế biến thức ăn gia súc, thủy sản trên địa bàn quận phát triển mạnh;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn quận Thốt Nốt giai đoạn 2011-2015 là 4.500 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là trên 6.900 vụ việc/năm.

e) Đối với huyện Phong Điền

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Phong Điền đạt 15,2% vào năm 2010. Huyện đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, phát triển các khu dân cư và huy hoạch phát triển chợ;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Phong Điền giai đoạn 2011-2015 là 4.300 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 6.300 vụ việc/năm.

g) Đối với huyện Vĩnh Thạnh

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Vĩnh Thạnh đạt 13,7% vào năm 2010. Huyện có 894 hộ đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đầu tư là 280 tỷ đồng, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ thương mại;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh giai đoạn 2011-2015 là 7.000 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 7.200 vụ việc/năm.

h) Đối với huyện Cờ Đỏ

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Cờ Đỏ đạt 9,13% vào năm 2010.  Huyện Cờ Đỏ đang quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp, quy hoạch xây dựng vùng nông thôn mới, sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp ước đạt 99,8 tỉ đồng và đạt 19,96% kế hoạch năm;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Cờ Đỏ giai đoạn 2011-2015 là 4.650 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 5.900 vụ việc/năm.

i) Đối với huyện Thới Lai

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Thới Lai đạt 11,03% vào năm 2010. Huyện Thới Lai được xây dựng thành địa bàn trọng điểm nông thôn mới, xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời cũng là địa bàn có trục giao thông Bốn tổng - Một ngàn đi qua;

- Dự báo nhu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện Thới Lai giai đoạn 2011-2015 là 4.000 vụ việc/năm; giai đoạn 2016-2020 là 6.500 vụ việc/năm.

(Đính kèm Phụ lục III)

2. Nội dung quy hoạch

Căn cứ vào 04 Tiêu chí cơ bản về Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 240/TTg ngày 17 tháng 02 năm 2011, số lượng các TCHNCC tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ được quy hoạch phát triển đến năm 2020, cụ thể như sau:

a) Đối với quận Ninh Kiều

Hiện trên địa bàn quận Ninh Kiều đã phát triển 05 TCHNCC, do đó, căn cứ vào Tiêu chí quy hoạch phát triển TCHNCC ở Việt Nam đến năm 2020 thì không phát triển thêm TCHNCC trên địa bàn của quận này.

b) Đối với quận Bình Thủy

Hiện trên địa bàn quận Bình Thủy đã phát triển 01 Văn phòng công chứng (Văn phòng công chứng Trần Văn Mỹ).

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập thêm 02 Văn phòng Công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 01 Văn phòng Công chứng.

Nâng tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn quận Bình Thủy đến năm 2020 lên 04 Văn phòng công chứng.

c) Đối với quận Cái Răng

Hiện trên địa bàn quận Cái Răng đã phát triển 02 Văn phòng công chứng (Văn phòng công chứng Cần Thơ và Văn phòng công chứng Tây Đô).

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập thêm 01 Văn phòng công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 01 Văn phòng công chứng.

Nâng tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn quận Cái Răng đến năm 2020 là 04 Văn phòng công chứng.

d) Đối với quận Ô Môn

Hiện trên địa bàn quận Ô Môn đã phát triển 01 Văn phòng công chứng (Văn phòng công chứng Lê Thị Thu).

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập thêm 01 Văn phòng công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 02 Văn phòng công chứng.

Nâng tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn quận Ô Môn đến năm 2020 lên 04 Văn phòng công chứng.

đ) Đối với quận Thốt Nốt

Hiện trên địa bàn quận Thốt Nốt đã phát triển 01 Văn phòng công chứng (Văn phòng công chứng Thốt Nốt).

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập thêm 01 Văn phòng Công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 02 Văn phòng công chứng.

Nâng tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn quận Thốt Nốt đến năm 2020 lên 04 Văn phòng công chứng.

e) Đối với huyện Phong Điền

- Từ 2011 - 2015: thành lập 01 Văn phòng công chứng;

- Từ 2016 - 2020: thành lập thêm 02 Văn phòng Công chứng.

Phát triển tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Phong Điền đến năm 2020 lên 03 Văn phòng công chứng.

g) Đối với huyện Vĩnh Thạnh

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập 01 Văn phòng công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 02 Văn phòng công chứng.

Phát triển tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2020 lên 03 Văn phòng công chứng.

h) Đối với huyện Cờ Đỏ

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập 01 Văn phòng công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 01 Văn phòng Công chứng. 

Phát triển tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Cờ Đỏ đến năm 2020 lên 02 Văn phòng công chứng.

i) Đối với huyện Thới Lai

- Từ năm 2011 - 2015: thành lập 01 Văn phòng công chứng;

- Từ năm 2016 - 2020: thành lập thêm 02 Văn phòng Công chứng.

Phát triển tổng số Văn phòng công chứng trên địa bàn huyện Thới Lai đến năm 2020 lên 03 Văn phòng công chứng.

Tổng số TCHNCC trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ 10 TCHNCC năm 2010 lên 19 TCHNCC vào năm 2015, và lên 32 TCHNCC vào năm 2020. Tuy nhiên, tổng số TCHNCC trên phạm vi thành phố Cần Thơ cũng như trên địa bàn của mỗi quận, huyện sẽ được điều chỉnh, phát triển khi lượng hợp đồng, giao dịch phát triển vượt bậc ngoài phạm vi dự báo và khi địa giới hành chính được điều chỉnh theo Quyết định số 21/2007/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời kỳ 2006 - 2020.

(Đính kèm Phụ lục IV)

 

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng

- Đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn về nghiệp vụ công chứng, đặc biệt là nghiệp vụ công chứng liên quan đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất;

- Đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thiện các thể chế về công chứng, đặc biệt ban hành quy chế tập sự hành nghề công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng;

- Đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn mức thu phí thù lao công chứng;

- Thực hiện chuyển giao công tác chứng thực các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản từ UBND xã, phường, thị trấn sang cho TCHNCC tại các quận, huyện còn lại của thành phố;

- Sở Tư pháp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động tại các TCHNCC để kịp thời chấn chính, xử lý những hành vi sai phạm (nếu có) trong lĩnh vực công chứng.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình trao đổi thông tin giữa các TCHNCC trên địa bàn thành phố.

2. Giải pháp về nguồn nhân lực

- Đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo Học viện Tư pháp hoặc các cơ sở đào tạo nghề công chứng tăng cường mở các khóa đào tạo nghề công chứng cho các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ;

- Cho phép các công chứng viên của các phòng công chứng được mở Văn phòng công chứng nếu họ có nguyện vọng;

- Tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Văn phòng công chứng, đặc biệt là những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng thành lập Văn phòng công chứng.

3. Giải pháp về kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện bảo đảm thực hiện Đề án

Việc phát triển các văn phòng công chứng thì kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện khác để văn phòng công chứng hoạt động do công chứng viên thành lập văn phòng công chứng tự chịu.

4. Giải pháp về tăng cường mối quan hệ phối hợp

- Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tư pháp thành phố quản lý nhà nước đối với các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng;

- Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng;

- Phòng Bổ trợ tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Sở trong việc tham mưu cho Giám đốc Sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chứng viên.

- Các Phòng công chứng và Văn phòng công chứng phối hợp, trao đổi với nhau trong quá trình tác nghiệp; các TCHNCC xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tác nghiệp.

5. Giải pháp về nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động công chứng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và an toàn giao dịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động công chứng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách sâu rộng và đồng bộ trong các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức và đến người dân.

Do đó, Sở Tư pháp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công chứng bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp và có hiệu quả để các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng biết, hiểu rõ về loại hình hoạt động của Văn phòng công chứng; đồng thời, để các cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn thành lập Văn phòng Công chứng, đặc biệt là những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng biết và tham gia thành lập Văn phòng công chứng.

 

 

 

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án này;

- Phổ biến nội dung Đề án này đến các ngành, các cấp, các đoàn thể, cơ quan, tổ chức và người dân.

- Quản lý, sử dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện, năng lực và phù hợp với yêu cầu của việc phát triển công chứng; tránh tình trạng lãng phí biên chế hành chính nhà nước.

- Tổ chức tốt việc cấp, thu hồi giấy đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng; tổ chức tốt việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công chứng và giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân...; tổng hợp tình hình và thống kê về công chứng, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Tư pháp.

2. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công cộng trong kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạng lưới công chứng trên phạm vi Thành phố.

3. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành địa phương có liên quan bố trí biên chế phù hợp cho các phòng công chứng hoạt động có hiệu quả theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp nhằm phát triển TCHNCC đến năm 2020.

4. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở, ngành liên quan xem xét, đề xuất việc bố trí kinh phí và quản lý, thanh quyết toán nguồn kinh phí dành cho việc triển khai và thực hiện Đề án này theo đúng quy định của pháp luật.

5. Trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện

Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án quy hoạch phát triển TCHNCC; tuyên truyền sâu rộng chủ trương xã hội hóa công chứng đến tổ chức và người dân trên phạm vi quận, huyện mình quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho các TCHNCC hoạt động, đặc biệt đối với việc chuyển giao các hợp đồng, giao dịch từ UBND xã, phường, thị chấn cho các TCHNCC thực hiên.

6. Trách nhiệm của cơ quan Báo, Đài

Triển khai công tác tuyên truyền Đề án quy hoạch phát triển TCHNCC trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, xây dựng chuyên mục, chuyên trang, các bài viết, tin, ảnh, phóng sự… để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức và toàn xã hội về vai trò và tầm quan trọng và lợi ích của hoạt động công chứng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và an toàn giao dịch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

7. Trách nhiệm của các Sở, ngành khác

Các Sở, ngành khác chịu trách nhiệm triển khai Đề án quy hoạch phát triển TCHNCC trong cơ quan, đơn vị thuộc chức năng quản lý của mình; phối hợp với các Sở, ngành có liên quan thực hiện Đề án quy hoạch phát triển TCHNCC theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao./.

 


Nguồn: Sở Tư pháp


Các tin khác:
Hủy bỏ Quyết định số 2682/QĐ-UBND ngày 31/8/2004 của UBND TP Cần Thơ về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết - tỷ lệ 1/500 khu nhà vườn cồn Khương (14,069ha), phường An Thới, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ  (22/01/2024)
Hủy bỏ đồ án Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia tại thành phố Cần Thơ, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ  (29/12/2023)
Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết mạng lưới bến bãi đỗ xe công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2030  (29/12/2023)
Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Trường Đại học Nam Cần Thơ, phường An Bình, quận Ninh Kiều và phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ  (29/12/2023)
Phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - Hợp phần Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV đối với hệ thống cấp điện của Công ty TNHH thép Đức Triển  (29/12/2023)

d5314d42-5246-466c-af27-942a507fef8e

Tiêu đề bài viết: Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Sở Tư pháp .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang