Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Nhằm hỗ trợ các địa phương kết nối, tích hợp dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, ngày 29/7/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2823/BTP-CNTT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc kết nối, liên thông giữa Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, Nghị định 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến quy định: Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung được kết nối với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với các cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước, trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Tư pháp với cơ quan chủ quản về phạm vi, hình thức, cấu trúc dữ liệu kết nối, trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Vì vậy, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động kết nối, chuyển đổi dữ liệu đăng ký hộ tịch của công dân đã được cập nhật trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh sang Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, đến nay 63/63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp, do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện đầy đủ, có hiệu quả, bảo đảm việc kết nối thực chất, hạn chế tình trạng, công chức làm công tác hộ tịch phải nhập hồ sơ nhiều lần, đồng thời quan tâm bố trí hạ tầng bảo đảm việc kết nối liên thông dữ liệu.
Tấn Thuận