Theo báo cáo tổng kết, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới các cấp chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác vận động, tuyên truyền, đào tạo cán bộ luôn được quan tâm thực hiện, làm thay đổi nhận thức của cán bộ và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới; được nhiều đoàn thể quan tâm và cùng phối hợp thực hiện.
Các Sở, ngành thành phố và các địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ; các văn bản quản lý, điều hành đã được ban hành đồng bộ, thống nhất, kịp thời tạo hành lang pháp lý riêng trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình thuận lợi từ thành phố đến cơ sở. Cụ thể, Sau khi rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 3429/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, kết quả có 36/36 xã đạt 19 tiêu chí về xã nông thôn mới. Về xã nông thôn mới nâng cao, năm 2023 đã công nhận 5 xã nông thôn mới nâng cao; đạt 100% kế hoạch, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao toàn thành phố là 31/36 xã đạt tỷ lệ 86,11%.
Thực hiện rà soát các tiêu chí theo Quyết định 3430/QĐ-UBND, ngày 15/9/2022 của UBND TP Cần Thơ về việc ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Kết quả, bình quân các tiêu chí nông thôn mới nâng cao năm 2023 đạt là 18,4/19 tiêu chí. Có 31 xã đạt 19/19 tiêu chí; Xã đạt thấp nhất là 14/19 tiêu chí. Trong đó, có 14 tiêu chí đạt tỷ lệ 100% và 5 tiêu chí đạt tỷ lệ 86% .
Về xã nông thôn mới kiểu mẫu, năm 2023 thành phố đã công nhận 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; vượt kế hoạch đề ra, tính đến nay thành phố có 7/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 19%. Thành phố hiện có 4/4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn thành phố đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về số lượng và chất lượng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân khu vực nông thôn. Theo thống kê đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 68 triệu/người/năm; ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 74,8 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở khu vực nông thôn giảm dưới 2,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã, huyện có mạng nội bộ đạt 100%...
Năm 2023, toàn TP Cần Thơ công nhận 65 sản phẩm OCOP. Cụ thể, có 20 sản phẩm OCOP 4 sao, 45 sản phẩm OCOP 3 sao; so với kế hoạch vượt 45 sản phẩm OCOP (đạt 255% so với kế hoạch 2023). Lũy kế đến cuối năm 2023 toàn thành phố đã có 148 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao, trong đó 73 sản phẩm 3 sao, và 75 sản phẩm 4 sao trong đó có 2 sản phẩm tiềm năng 05 sao.
Cũng trong năm qua, toàn thành phố có thêm 28 chủ thể tham gia Chương trình OCOP, lũy kế đến 31/12/2023 thành phố có 74 chủ thể gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh. Có 8/9 quận, huyện có sản phẩm OCOP. Toàn thành phố đã có 9/9 quận huyện tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Dẫn đầu là quận Ô Môn chiếm 21,5% sản phẩm OCOP, đứng thứ hai là quận Thốt Nốt chiếm 18,5%, các huyện, quận còn lại dao động từ 4,6% - 13,8% và quận Cái Răng không có sản phẩm OCOP năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban ngành và địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và chương trình OCOP TP Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu sắc nội dung chương trình xây dựng NTM, chương trình OCOP và các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Ngoài ra, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Tiếp tục xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn; phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội… Tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng của địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, đăng ký nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Kim Xuyến