Thành phố Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là trung tâm về tài chính; thương mại, dịch vụ; đào tạo nguồn nhân lực - khoa học - công nghệ và y tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ thường xuyên tổ chức các hội nghị mang tầm quốc gia và quốc tế; đón tiếp nhiều chính trị gia, các tập đoàn kinh tế, khách du lịch trong nước và ngoài nước đến làm việc, đầu tư, du lịch và đã được đánh giá với chỉ số niềm tin rất tích cực và mức độ an toàn cao.
Thành phố Cần Thơ là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Giao thông đường bộ theo quốc lộ 1A về hướng Đông Bắc, Thành phố Cần Thơ cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 Km, đến các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 60- 190 Km. Cuối năm 2008, sân bay đưa vào hoạt động tuyến Cần Thơ- Hà Nội và trong năm 2010 nhiều chuyến bay nội địa đã được mở, phát huy hiệu quả. Ngoài ra, Thành phố có địa hình tương đối bằng phẳng với thời tiết 2 mùa mưa nắng, nước ngọt quanh năm, môi trường sinh thái với nhiều kênh rạch đã tạo nên một vẻ đẹp hiền hòa của con người Cần Thơ nhân ái và thanh lịch.
Miễu thờ ở Cần Thơ là một trong những loại hình tín ngưỡng dân gian tồn tại từ rất lâu đời, được hình thành trên cơ sở dòng chảy tâm linh của các bậc tiền nhân khai hoang lập ấp.
Tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên trong năm, bắt đầu từ lễ trừ tịch, đón giao thừa. Nguyên nghĩa là khởi nguồn, Đán có nghĩa là buổi sáng sớm. Tết Nguyên đán có nghĩa là một buổi sáng khởi nguồn cho một năm. Người Việt xem đây là ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm, ngày của đoàn tụ, sum họp.
Thờ Bà Cậu là tín ngưỡng dân gian của những người làm nghề liên quan đến sông nước. Cần Thơ tuy không có biển nhưng sông ngòi chằng chịt, là vùng sông sâu nước chảy, nên tín ngưỡng thờ Bà Cậu cũng phổ biến.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Cần Thơ bắt đầu có một số người Hoa đến định cư, lập nghiệp. Nhờ vị thế trung tâm của Cần Thơ, cộng đồng người Hoa ở đây ngày càng thành công về kinh tế. Các dãy phố, nhà xưởng sầm uất mọc lên; nhiều chành lúa với những tên tuổi nổi tiếng một thời: Lâm Chi Phát, Lâm Dung Xương, Khổng Cẩm Hưng... góp phần cho sự phát triển, giao thương của cả vùng. Cùng với sự phát triển về kinh tế, những ngôi chùa của người Hoa được xây dựng từ khá sớm, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Hoa và cả cộng đồng.