Tin tức du lịch


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tạo đòn bẩy phát triển du lịch ĐBSCL
Ngày đăng: 09/04/2024

Lượt xem:


ÐBSCL là 1 trong 7 vùng trọng điểm du lịch của Việt Nam, với lợi thế là vựa lúa, vựa trái cây của cả nước. Thời gian qua, du lịch ÐBSCL chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, tốc độ phát triển còn hạn chế, chưa tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng nổi bật. Do đó, tại Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù ÐBSCL”, các nhà quản lý, chuyên gia và các doanh nghiệp đã cùng tìm giải pháp thúc đẩy du lịch vùng phát triển.
Du khách trải nghiệm tour du lịch sông nước bằng cano tại Cần Thơ.

Còn nhiều điểm nghẽn

Năm 2023, du lịch ÐBSCL thu hút gần 45 triệu lượt khách, tăng 20,4% so với năm 2022; trong đó khách quốc tế hơn 1,8 triệu lượt, tăng hơn 3 lần. Doanh thu đạt khoảng 46.000 tỉ đồng, tăng 42,6% so với năm trước đó. Du lịch ÐBSCL nhiều tiềm năng với thiên nhiên ưu đãi và hệ sinh thái đa dạng; có thể phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch: sinh thái, sông nước, văn hóa, biển đảo, tâm linh, nông nghiệp… Từ đó tạo ra những sản phẩm mang bản sắc riêng. Tuy nhiên, sự đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch chưa được quan tâm đầy đủ, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự kết nối tổng thể; nên sản phẩm du lịch thường bị cho là trùng lắp.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Ngành Du lịch Cần Thơ nói riêng và ÐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn thách thức. Trong đó có việc sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh đặc thù của từng địa phương. Do đó, cần phải có những phân tích, đánh giá về thực trạng, đề xuất giải pháp, kiến nghị giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm hay... từng bước góp phần khơi thông cho du lịch ÐBSCL”. Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, đặt vấn đề sự liên kết: “Tiềm năng du lịch vùng chưa được đầu tư đúng mức. Cách làm du lịch vẫn còn tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, khai thác những gì sẵn có mà thiếu sự đầu tư dài hạn, thiếu sự liên kết. Do tính tương đồng về tài nguyên du lịch, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai thác các sản phẩm chính này nên các giá trị đặc thù chưa được khai thác phù hợp để tổ chức được những trải nghiệm đích thực, nhất là về các giá trị sông nước”. Vì thế, sản phẩm tour, tuyến trong vùng chưa mang tính kết nối; hạ tầng du lịch chưa có sự liên kết; chưa có cơ chế liên kết vùng ở góc độ du lịch, mới chỉ có nỗ lực của các địa phương.

Bà Lê Ðình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Cần Thơ, nhận định thời gian qua du lịch ÐBSCL đã có nhiều thay đổi, các địa phương chú trọng xây dựng và chăm chút cho sản phẩm địa phương. Các sản phẩm về miền Tây luôn nằm trong những tour được yêu thích và bán chạy tại Vietravel. Tuy nhiên, theo bà Lê Ðình Minh Thy, các sản phẩm du lịch tuy phong phú hơn trước đây, nhưng nhìn chung vẫn còn đơn điệu, chưa tạo sự mới mẻ. Việc làm mới sản phẩm du lịch của vùng còn chậm so với các nơi khác. Về hạ tầng giao thông, trước dịch bệnh có đến 11 đường bay kết nối từ Cần Thơ đến các vùng trọng điểm về du lịch trong nước và quốc tế, nhưng hiện nay chỉ còn có 4 đường bay nội địa; thực sự gây khó khăn cho việc liên kết tour tuyến và thị trường khách. Về các chiến lược quảng bá sản phẩm, vẫn chưa tập trung, chưa hiệu quả. Nếu sản phẩm được làm tốt nhưng thiếu sự quảng bá, không có chiến lược cụ thể tập trung vào các thị trường trọng điểm thì sẽ rất khó thu hút du khách.

Tại ÐBSCL hiện có Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Hàng không Quốc tế Phú Quốc, Cảng Hàng không Rạch Giá (Kiên Giang) và Cảng Hàng không Cà Mau; nhưng đều bị cắt giảm công suất chuyến bay, đường bay. Ngoài ra, du lịch ÐBSCL còn gặp nhiều vấn đề: nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, đầu tư cho du lịch còn nhiều khó khăn bởi vướng nhiều cơ chế chính sách…

Tìm giải pháp

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, cho rằng: “Ðể du lịch ÐBSCL phát triển trong thời gian tới, tôi cho rằng ngành Du lịch của các địa phương phải quan tâm và thực hiện các giải pháp: xây dựng cơ chế chính sách và thành lập ban điều phối du lịch vùng, quy hoạch trọng điểm và thu hút các dự án đầu tư về du lịch, ban hành các chính sách về hỗ trợ du lịch, tập trung xây dựng và làm mới các sản phẩm đặc trưng hình thành các chuỗi sản phẩm liên kết hiệu quả, đầu tư cho nhân lực du lịch”. Ðồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cũng cho rằng cần thành lập ban điều phối phát triển du lịch ÐBSCL và hình thành quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vùng để thu hút các nguồn lực cho phát triển; đồng thời đầu tư hạ tầng tương xứng với tiềm năng; quan tâm nâng chất nguồn nhân lực, tạo thương hiệu cho du lịch vùng…

Ông Trần Thanh Nghị, Giám đốc Benthanh Tourist, kiến nghị: “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù là yếu tố quan trọng tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh cho điểm đến. Sản phẩm du lịch cần phải được xây dựng dựa trên tính bản địa và trải nghiệm độc đáo. Chúng ta cần phải hiểu rõ khách hàng của mình muốn gì và có thể mang lại cho họ trải nghiệm như thế nào. Phải kết hợp khám phá các điểm mới thông qua việc tiếp xúc và hiểu biết từ người dân bản xứ. Tôi cho rằng tại ÐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm độc đáo từ: sông nước, văn hóa, ẩm thực, cộng đồng, tâm linh, mạo hiểm. Nhiều đơn vị cũng đã tìm lối đi riêng với những sản phẩm độc đáo như trekking Núi Cấm (An Giang) hay các tour cano, bơi sup ở Cần Thơ…”. Trong khi đó, bà Lê Ðình Minh Thy đề xuất các địa phương chú trọng làm mới các sản phẩm du lịch, đặc biệt phải chú trọng tính trải nghiệm sâu cho du khách. Kết hợp các hoạt động du lịch với trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, thể thao và lễ hội địa phương. Xây dựng các chương trình du lịch tổng hợp, kết nối các nền văn hóa Việt - Hoa - Khmer - Chăm trong các lộ trình thích hợp. Phát triển mạng lưới chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn, xây dựng các trung tâm văn hóa ẩm thực. Ðiều cần quan tâm và làm ngay là phải có những giải pháp kết nối trở lại các đường bay đi và đến từ Cần Thơ, có thể theo hình thức chuyến bay thuê bao (charter flights) đến miền Tây theo mùa. Ngoài ra, các địa phương nên có chiến lược quảng bá tập trung, hiệu quả.

Du khách trải nghiệm tại du lịch động đồng cồn Chim, Trà Vinh. 

Về phía các địa phương, ông Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết Trà Vinh xác định tiềm năng du lịch hướng đến cộng đồng, sinh thái miệt vườn, văn hóa tâm linh, trải nghiệm nông nghiệp... Tỉnh đã có nhiều kế hoạch, đề án xây dựng các sản phẩm mới, như: du lịch cộng đồng cồn Chim, du lịch sinh thái cộng đồng cồn Hô, du lịch nông nghiệp cồn Ông, làng văn hóa Khmer… Ðã kết nối được trên 50 công ty lữ hành đưa khách đến Trà Vinh. Sắp tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng du lịch nông nghiệp hạnh phúc tại huyện Tiểu Cần, hướng tới phát huy đặc sản mật hoa dừa và dừa sáp của địa phương, bên cạnh tổ chức Lễ hội Dừa sáp trong năm 2024 nhằm kỷ niệm 100 năm dừa sáp có mặt tại địa phương. Trà Vinh hiện cũng có 143 chùa Khmer là nền tảng để khai thác sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh. Riêng tại Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của du khách; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng. Hiện Cần Thơ đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 20 tỉnh, thành phố; qua đó góp phần hình thành các tuyến du lịch liên vùng, thúc đẩy sự phát triển chung của ÐBSCL. Ngoài ra, Cần Thơ cũng đang tập trung đầu tư cho hạ tầng giao thông, kêu gọi các dự án đầu tư về du lịch”.

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng các địa phương và Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cần chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc đề xuất, tư vấn các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, tái cấu trúc doanh nghiệp, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch… Thực tế, du lịch ÐBSCL giàu tiềm năng, nhưng bởi còn nhiều điểm nghẽn, nhất là về sản phẩm du lịch đặc trưng và hạ tầng giao thông, khiến tính cạnh tranh của du lịch vùng chưa cao. Do đó, việc thay đổi các cơ chế, chính sách và cách làm du lịch là cần thiết và phải có sự chung tay của nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch.


Nguồn: Báo Cần Thơ


7e24be6f-9865-4a70-b119-b7a5ad0fef2b

Tiêu đề bài viết: Tạo đòn bẩy phát triển du lịch ĐBSCL . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

SỰ KIỆN SẮP DIỄN RA
BẢN ĐỒ CẦN THƠ
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

Copyright 2017 CANTHO PORTAL. All rights reserved.
English | Français