Tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp
Cứ đến mùa sầu riêng, “Vườn sầu riêng Chị Thảo” ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Ðỏ thu hút khá đông khách du lịch đến vui chơi, trải nghiệm. Chị Ngô Thị Thảo bắt đầu “bén duyên” với mô hình du lịch vào 2017. Chị Thảo kể: “Tôi làm tới đâu, học nghề tới đó. Hiện nay, tôi kinh doanh du lịch trên vườn sầu riêng, măng cụt khoảng 10.000m2. Hằng năm, từ tháng cuối tháng 3 đến hết tháng 5 âm lịch là mùa thu hoạch sầu riêng, măng cụt. Trung bình mỗi ngày, vườn tiếp đón khoảng 50 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm”.
Theo chị Thảo, du khách rất thích những vườn cây trái sum suê, nét giản dị của miệt vườn. Do đó, mô hình du lịch sinh thái, du lịch canh nông có nhiều tiềm năng phát triển, giúp bà con có thu nhập cao hơn so với lối canh tác truyền thống. Nếu như trước đây, chị Thảo bán trái cây cho thương lái, thu về khoảng 70 triệu đồng/năm, thì giờ đây, thu nhập gia đình được cải thiện nhiều, với khoảng 500 triệu đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương.
Huyện Phong Ðiền có diện tích hơn 9.953ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, có gần 8.789ha trồng cây ăn trái. Ðây là thế mạnh để địa phương phát triển các loại hình du lịch. Cách đây hơn 8 năm, tận dụng gần 2ha đất vườn trồng chôm chôm, dâu, sầu riêng, vú sữu, dâu... ông Phạm Văn Hoàng ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, đã mạnh dạn làm du lịch sinh thái, mở vườn trái cây 9 Hồng.
Ðến tham quan, du khách được thưởng ngoạn không khí trong lành của vườn trái cây, thưởng thức bánh dân gian và các món ăn đồng quê, tham gia các trò chơi... Hiện nay, vườn trái cây đón khoảng 100-150 lượt khách/ngày; những dịp lễ, Tết đón trên 500 lượt khách/ngày. Với mức thu nhập bình quân đạt khoảng 300 triệu đồng/năm, giúp kinh tế gia đình ông Hoàng thêm khấm khá; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đồng hành với nông dân
Huyện Phong Ðiền hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 45 điểm nhà vườn do hội viên, nông dân làm du lịch sinh thái. Theo ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phong Ðiền, thời gian qua, các cấp HND huyện tạo mọi điều kiện, khuyến khích, vận động hội viên, nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch nhằm mang lại giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, Hội vận động thành lập 1 Chi hội nghề nghiệp “Trồng cây ăn trái hướng tới du lịch sinh thái” tại ấp Mỹ Long, xã Mỹ Khánh, với 15 thành viên; thành lập 1 tổ HND nghề nghiệp trong hợp tác xã du lịch sinh thái cộng đồng Mỹ Khánh với 5 thành viên. Mỗi năm, các điểm du lịch thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách đến tham quan, mang về thu nhập bình quân cho mỗi hộ nông dân khoảng 250 triệu đồng/ha/năm.
Ðiển hình như ông Ngô Trọng Phủ, chủ vườn du lịch sinh thái Phi Yến, ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Ðiền, có diện tích 1,3ha trồng chôm chôm, dâu, sầu riêng, măng cụt... đón tiếp 200-300 lượt khách/ngày, thu nhập trên 3 tỉ đồng/năm; ông Trần Thiện Cảnh, chủ vườn sinh thái - cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách, ấp Nhơn Bình, xã Nhơn Ái có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm...
Tại quận Cái Răng, HND phường Lê Bình đã vận động thành lập Chi hội nghề nghiệp tàu đưa rước khách du lịch trên Chợ nổi Cái Răng vào đầu năm 2024. Theo chị Võ Hồng Ðoan, Chủ tịch HND phường, trước đây, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn hành nghề lái tàu đưa rước khách tham quan chợ nổi, cuộc sống chưa ổn định.
Từ thực tế trên, HND phường đã tham mưu Ðảng ủy, UBND phường và tiến hành rà soát, vận động hội viên tham gia vào Chi hội nghề nghiệp; đồng thời, tăng cường hỗ trợ hội viên về nhiều mặt, như vốn vay, bến bãi, trợ giúp pháp lý... Hiện nay, Chi hội có 22 thành viên, với tổng số 11 tàu đưa đón khách. Vào ngày thường, mỗi tàu đưa rước khách có thu nhập khoảng 1,5-2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, HND phường cũng vận động thành lập Tổ hợp tác dịch vụ ăn uống tại điểm dừng chân Chợ nổi Cái Răng với 9 thành viên. Hằng ngày, các thành viên trong tổ kinh doanh các món ăn, thức uống đặc trưng của địa phương để phục vụ du khách đến tham quan Chợ nổi Cái Răng.
Thời gian qua, các cấp HND thành phố đã tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân làm du lịch bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ vốn vay; vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP; đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; chú trọng nâng cao trình độ, kỹ năng phục vụ du lịch cho nông dân; vận động nông dân phát triển du lịch nông nghiệp trên nền tảng nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.... Qua đó, giúp nông dân khai thác, tận dụng tốt lợi thế để phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, làng nghề truyền thống.
Nguồn: Báo Cần Thơ