Để phục vụ cho bộ máy cai trị tại Cần Thơ, từ năm 1876 đến năm 1886, thực dân Pháp đã xúc tiến xây dựng nhiều cơ quan, công sở… trong đó có trại giam mang tên “Prison Provinciale”. Trại giam được xây dựng trên diện tích rộng 3.762m2, liền kề Dinh Tỉnh trưởng, đối diện Tòa Hành chánh và biệt lập với khu dân cư, nhân dân thường gọi là Khám lớn Cần Thơ. Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh, Khám lớn Cần Thơ được đổi tên thành Trung tâm cải huấn. Nhưng dù được gọi với tên gọi nào chăng nữa thì Khám lớn Cần Thơ thực chất vẫn là địa ngục trần gian - là nơi thực dân, đế quốc giam cầm, đày đọa những chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước của ta.
Nhìn từ phía trước vào cổng Khám có hình vòm, bên trái cổng là dãy nhà giám thị trực, bên phải là văn phòng làm việc và là nơi ở của giám thị trưởng. Chung quanh Khám lớn được bao bọc bởi bức tường cao từ 3,6m đến 5m trên được cắm đầy những mảnh ve chai và dây kẽm gai rào kín. Ở mỗi góc tường là một tháp canh cao 6m có lính gác và đèn pha chiếu sáng về đêm để kiểm soát tù nhân. Bên trong Khám lớn có 21 phòng giam tập thể cùng nhiều phòng biệt giam. Giữa các dãy nhà giam là một sân rộng để tù nhân ra phơi nắng. Trong khoảng sân này thực dân, đế quốc còn cho xây dựng nhà chùa, nhà thờ để tỏ ra tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của tù nhân. Khoảng năm 1963, hai dãy nhà lầu được xây dựng thêm trên phần sân phía sau nhà chùa, tầng trệt không vách tường - có thời gian được dùng làm nhà hướng nghiệp cho tù nhân…
Sức chứa quy định trong mỗi phòng giam tập thể chỉ khoảng 30 đến 40 người nhưng có lúc số tù nhân lên đến 70 đến 80 người. Nhất là sau cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, địch điên cuồng dùng mọi thủ đoạn khủng bố, trả thù nhân dân ta. Nhiều cán bộ lãnh đạo, đảng viên và quần chúng đã bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám lớn Cần Thơ như đồng chí Quản Trọng Hoàng (Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ), đồng chí Lê Văn Nhung (Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ), đồng chí Ngô Hữu Hạnh (Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ) cùng nhiều chiến sĩ khác. Ngoài ra, chúng còn đưa hàng trăm quần chúng tham gia khởi nghĩa và các đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… về đây giam giữ, tra tấn dã man. Đặc biệt trong thời kỳ đế quốc Mỹ dùng “Luật 10/59” để khủng bố, kềm kẹp nhân dân ta, bắt giam tất cả những người tình nghi là “Việt cộng”, lúc này số tù nhân trong mỗi phòng có khi lên đến hơn 100 người. Nhiều tù nhân không chịu nổi chế độ giam cầm, tra tấn, ăn uống khắc nghiệt đã phải chết dần chết mòn trong nhà lao tối tăm này. Số người còn lại bị nhiễm đủ các bệnh: ghẻ lở, sốt rét, thương hàn, lao phổi… Đối với những tù chính trị thuộc loại đặc biệt, chúng nhốt riêng ở các phòng biệt giam, bị tra tấn đến bại liệt nhưng vẫn một lòng trung thành với Đảng với dân, giữ tròn khí tiết đến hơi thở cuối cùng.
Mặc dù bị tra tấn cực hình, các đồng chí đảng viên trong tù vẫn có Chi bộ, Đảng bộ, sinh hoạt học tập, tổ chức đấu tranh với địch từng giờ từng phút kiên quyết giữ gìn phẩm chất cách mạng. Có lần chị em nữ tù chính trị đã lợi dụng thời cơ để tổ chức đánh tên Năm Bia (phản bội, chỉ điểm) làm náo động cả khu trại giam. Vào những năm 1968-1970 nữ tù chính trị vận động cả tù thường phạm đấu tranh đòi mở cửa phòng giam để được ra sân chơi, đòi được cử người đại diện, chuyển quà thăm nuôi cho tù nhân, đòi tách tù chính trị với thường phạm… Dần dần các đồng chí tù chính trị đưa các hình thức và yêu sách đấu tranh cao hơn như tuyệt thực, đòi có y tá đến cấp thuốc, chữa trị cho bệnh nhân, chống chào cờ, chống học tập “chính trị”, đòi cải thiện chế độ ăn uống trong nhà tù… Chính tinh thần đấu tranh bất khuất và lòng yêu nước thương dân của những người tù chính trị đã cảm hóa và giáo dục giác ngộ cách mạng được nhiều giám thị, lính gác nhà giam và họ tình nguyện làm cơ sở nội tuyến của ta, thông báo cho các đồng chí tù chính trị biết được tình hình của ta, địch ở bên ngoài để đề phòng hoặc có phương sách đấu tranh với địch trong nhà giam.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Khám lớn Cần Thơ trở thành chứng tích khắc sâu bao tội ác không phai mờ của thực dân, đế quốc. Cũng chính nơi đây, biết bao người con ưu tú của quê hương Cần Thơ và các tỉnh lân cận đã ngã xuống để tô điểm cho cuộc sống thanh bình, tự do, hạnh phúc hôm nay, góp phần viết nên trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc. Để ghi dấu tội ác của thực dân, đế quốc; đồng thời tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của ông cha ta trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau, ngày 28/6/1996 Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Quyết định số 1460-QĐ/VH xếp hạng Khám lớn Cần Thơ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Đến tham quan Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ, chúng ta còn nhìn thấy nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật có liên quan hoặc gắn liền với từng đồng chí tù binh, tù chính trị đã từng bị giam giữ tại đây. Đặc biệt những hiện vật như mặt gối thêu và bếp dầu tự tạo của đồng chí Phan Thanh Sĩ, các vật dụng mà đồng chí Lê Kim Tiến chuẩn bị cho đứa con thân yêu của mình chào đời trong hoàn cảnh tù ngục, chiếc áo len của các nữ tù chính trị đan tặng đồng chí Nguyễn Thị Huệ, áo bà ba của đồng chí Võ Thị Vốn… Nổi bật giữa gian trưng bày là bức tranh “Ra trường bắn” mô tả cảnh hai chiến sĩ cộng sản Lê Văn Nhung và Ngô Hữu Hạnh hiên ngang ra trường bắn lúc 9 giờ 30 phút, ngày 04/6/1941 của Họa sĩ Tô Dự.
Hiện nay, Di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, luyện tập thể thao của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, vào những dịp lễ kỷ niệm của đất nước như Ngày Giải phóng Miền Nam 30/4; Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7… Di tích thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và học sinh, sinh viên về nguồn ôn lại truyền thống lịch sử, tri ân các Anh hùng, Liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Nguyễn Thị Mỹ