Bản sắc
Đầu năm 2019, TP Cần Thơ có tin vui khi Hò Cần Thơ được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia. Những nghệ nhân từng gắn bó với câu hò Cần Thơ suốt nhiều năm qua như Nghệ nhân ưu tú Trường Út, Nghệ nhân ưu tú Kiều Nga, Thanh Tùng… đều vui mừng vì mình đang nắm giữ loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của quê hương. TP Cần Thơ hiện có 4 di sản được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia là Đờn ca tài tử Nam bộ, Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ. Ngành văn hóa Cần Thơ cũng đang thực hiện các thủ tục để lập hồ sơ khoa học cho hát ru Cần Thơ, văn hóa bánh dân gian Nam bộ…
Tính đến cuối năm 2017, Cần Thơ được ghi nhận có 104 loại hình DSVHPVT. Cụ thể: Ngữ văn dân gian (4 loại hình); Nghệ thuật trình diễn dân gian (10 loại hình); Lễ hội truyền thống (16 loại hình); Tập quán xã hội (23 loại hình); Nghề thủ công truyền thống (15 loại hình); Tri thức dân gian (34 loại hình); Loại hình tổng hợp (2 loại hình).
Ngoài 4 DSVHPVT cấp quốc gia, Cần Thơ còn sở hữu những DSVHPVT nổi bật, làm nên nét văn hóa sống động, giàu bản sắc cho địa phương. Có thể kể đến như loại hình Lễ hội truyền thống với hàng loạt lễ hội như Lễ cúng đình và miếu, Lễ Tống Phong… của dân tộc Kinh; Lễ vía Quan Thánh, Ông Bổn, Bà Thiên Hậu, Cúng bình an, Lễ Vu Lan, Lễ vía Cảm Thiên Đại Đế… của dân tộc Hoa; Lễ Dâng y cà sa, Kiết giới Sima, Chôl Chnăm Thmây, Ok-om-bok, Sene Dolta, Lễ hạ thủy ghe ngo… của dân tộc Khmer. Các làng nghề truyền thống ở Cần Thơ cũng tạo nên bản sắc riêng, như làng cơm rượu, làng cốm nổ Trung Thạnh (Cờ Đỏ), bánh tráng Thuận Hưng, làng lưới Thơm Rơm (Thốt Nốt), làng đan lọp Thới Long, làng bánh kẹo Ba Rích (Ô Môn)… Trong lĩnh vực Ngữ văn dân gian, kết quả sưu tầm mới đây của nhóm tác giả nghiên cứu đề tài “Văn học dân gian Cần Thơ”, đã ghi nhận Cần Thơ có khoảng 5.000 tác phẩm văn học dân gian của 12 thể loại như: truyện kể, ca dao, tục ngữ, vè… Những di sản này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương, trở thành tài nguyên phát triển du lịch quý báu.
Điều đáng mừng ở Cần Thơ là các nghệ nhân, những người đang nắm giữ và thực hành di sản luôn lặng thầm lưu giữ vốn quý của cha ông. Như nghệ nhân Lê Văn Bưởi, tức Nhạc Bưởi (quận Ô Môn) gần trọn đời gìn giữ và làm nghề nhạc lễ Nam bộ. Nhạc Bưởi còn đào tạo ra hàng chục học trò giỏi nghề, trong đó có con cháu trong gia đình. Nhạc Bưởi nói: “Tiếng nhạc lễ làm cho nghi lễ thêm trang trọng, linh thiêng. Người làm nhạc lễ luôn ý thức điều đó”. Một câu chuyện xúc động là cố nghệ nhân Sáu Trọng (quận Bình Thủy) đến cuối đời vẫn gắn bó với nghề làm bánh tét lá cẩm, trao truyền cho con cháu với mong muốn nghề xưa không bị mai một.
Một nghệ nhân quận Ninh Kiều đang thực hành nghề dân gian làm đầu lân, mặt nạ Ông Địa. Ảnh: Duy Lữ
Gìn giữ
Đầu năm 2018, UBND TP Cần Thơ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị DSVHPVT TP Cần Thơ đến năm 2020. Đề án nhận định, trong các loại hình DSVHPVT, loại hình Ngữ văn dân gian có nguy cơ mai một cao nhất vì chủ thể văn hóa hầu hết là những người lớn tuổi. Loại hình Nghề thủ công truyền thống và Tri thức dân gian thì phát triển và phát sinh nhiều loại hình, với số lượng người thực hành gia tăng.
Để từng bước thực hiện Đề án này, năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều công việc cụ thể. Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung, Giám đốc Bảo tàng TP Cần Thơ, cho biết: Bảo tàng và các đơn vị có liên quan sẽ thực hiện Dự án bảo tồn và phát huy di sản “Lễ Cúng bình an của người Hoa” (quận Cái Răng). Dự án nhằm nhận diện, đánh giá hiện trạng và đưa ra phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị đối với di sản này. Ông Đỗ Khén, Phó Ban Quản trị Di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung (quận Cái Răng), thông tin: Lễ Cúng bình an được tổ chức vào một ngày tốt lành của đầu tháng Chạp âm lịch với ý nghĩa tạ ơn Thần linh đã ban cho một năm bình an và mong cầu những điều tốt lành trong năm mới. Lễ Cúng bình an có từ rất lâu đời và được giữ gìn đúng cổ lệ. “Chúng tôi rất vui vì Lễ Cúng bình an được chọn thực hiện dự án bảo tồn và phát huy”- ông Đỗ Khén chia sẻ.
Bà Huỳnh Thị Tuyết Nhung cũng cho biết: Bảo tàng thành phố đang triển khai thực hiện ấn phẩm giới thiệu DSVHPVT tiêu biểu các dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer ở Cần Thơ, dự kiến ra mắt vào giữa năm nay với 1.000 ấn bản. Ẩn phẩm này sẽ có khoảng 30 DSVHPVT được giới thiệu với tư liệu khoa học, chính xác cùng hình ảnh minh họa sinh động. Ngoài ra, Bảo tàng thành phố cũng sẽ tiến hành đợt kiểm kê, rà soát, bổ sung DSVHPVT trên địa bàn thành phố, nhằm làm cơ sở bảo tồn di sản và chọn lựa những di sản tiêu biểu để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.
Cũng theo bà Nhung, đối với một số loại hình diễn xướng dân gian như hò, vè, hát ru… cái khó trong bảo tồn và phát huy là thiếu nghệ nhân, đa phần là người thực hành di sản đều lớn tuổi và người trẻ lại không có nhu cầu tiếp nối. Vậy nên, việc lồng ghép các loại hình này vào nội dung sinh hoạt các câu lạc bộ văn nghệ địa phương sẽ có hiệu quả nhằm bảo tồn từ gốc rễ.
Bà Hồ Thị Thẩm Thúy Hằng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: Sau khi Lễ hội Kỳ yên đình Bình Thủy được công nhận DSVHPVT quốc gia, địa phương rất chú trọng bảo tồn và phát huy di sản này. Bên cạnh giữ gìn lễ nghi truyền thống, hoạt động “hội” cũng được mở rộng, hấp dẫn với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nhờ vậy, mỗi kỳ Kỳ yên đình Bình Thủy, số lượng người tham quan, lễ bái rất đông đảo.
Nguồn: Báo Cần Thơ