Tin nổi bật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngày đăng: 08/12/2023

Lượt xem:


Tìm kênh tiếp cận vốn và sử dụng vốn hiệu quả để tập trung sản xuất kinh doanh dịp cao điểm cuối năm là thách thức với không ít doanh nghiệp (DN). Nắm bắt nhu cầu này, các tổ chức tín dụng kịp thời triển khai nhiều gói tín dụng với hạn mức linh hoạt, lãi suất ưu đãi, phù hợp với đặc điểm kinh doanh của khách hàng DN, nhất là DN vừa và nhỏ (SME).
Doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ, triển lãm “TP Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển” diễn ra vào đầu tháng 11-2023.

Cân đối nhu cầu vốn

Cuối năm là thời điểm DN tăng cường tồn kho, tận dụng các cơ hội kinh doanh để tăng trưởng, tạo doanh thu, tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên làm thế nào để xoay vốn thật nhanh trong thời gian ngắn, tăng tồn kho để kịp thời đáp ứng mùa vụ Tết. Bên cạnh đó, khi vay vốn xong làm sao sử dụng vốn hiệu quả cũng là vấn đề cần quan tâm… Theo bà Vũ Thị Phương Liên, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính, Chuyên gia dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), khi DN không kiểm soát được dòng tiền sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa tiền so với nhu cầu kinh doanh; khả năng thanh khoản thiếu ổn định và giảm sút, chi phí vốn cao trong khi hiệu quả dòng tiền thấp; DN giảm lợi nhuận, giảm hiệu quả kinh doanh thậm chí dẫn đến nguy cơ phá sản cao. DN cũng đối mặt với những tác động từ bên ngoài như ngân hàng không cho vay khi DN có nhu cầu vốn, nhà cung cấp không cho nợ do tình trạng thanh khoản kém ổn định; DN khó tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi, các chỉ tiêu đánh giá về doanh nghiệp không “đẹp”…

Nhìn chung, chuỗi cung ứng toàn cầu chưa hoàn toàn được khôi phục khi chính trị thế giới còn phức tạp, ảnh hưởng nguồn cung trên thị trường quốc tế, đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh và giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, đầu vào lẫn đầu ra đều khó khăn, chi phí vốn của DN tăng. Lạm phát tăng, nguồn cung khan hiếm, giá cả nguyên vật liệu, nhân công, logistics tăng. Nhiều dự án trong nước có sức lan tỏa cao cũng chưa được triển khai, kể cả những dự án đầu tư công, dự án bất động sản khiến DN bị động vốn, không thu hồi được nợ, không có dự án mới để phát triển, kế hoạch kinh doanh phải thay đổi theo từng quý… Cơ hội và kế hoạch kinh doanh bị ảnh hưởng khiến DN khi muốn vay vốn hay tiếp cận vốn cũng khó khăn hơn. Các tổ chức cung cấp vốn cho DN cũng thận trọng hơn. Các ngân hàng chuyển dịch từ cho vay tín chấp sang thế chấp nhiều hơn, yêu cầu tài sản đảm bảo chặt chẽ hơn, kế hoạch kinh doanh rõ ràng hơn. Hoạt động cho vay thông qua các khoản phải thu, cầm cố hàng tồn kho chỉ có một số ít tổ chức tài chính tham gia hỗ trợ nhưng với quy mô nhỏ. Các hoạt động liên quan đến huy động trái phiếu DN, huy động vốn qua thị trường chứng khoán cũng khó khăn hơn.

Theo ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối khách hàng DN SME, Ngân hàng OCB, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm 2023 chưa đạt như kỳ vọng không phải từ phía cung tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía cầu và khả năng hấp thụ tín dụng của nền kinh tế cũng như các yếu tố khách quan khác. Ðến nay, lãi suất cho vay VND đã giảm bình quân khoảng 1,5-2%/năm so với cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nhiều hoạt động kinh tế đang có tín hiệu chuyển động tạo điều kiện cho DN đón đầu các cơ hội kinh doanh trước mùa giáp Tết. Vì thế, các tổ chức tín dụng cũng vào cuộc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hướng đến DN, trong đó có DN SME.

Linh hoạt giải pháp

Ðối với các DN nhỏ và đang tăng trưởng, hạn chế về tài sản thế chấp vẫn có thể tiếp cận vốn nhờ vào việc quản lý dòng tiền và hoạt động kinh doanh một cách minh bạch. Theo ông Vũ Ðức Thắng, Giám đốc Phát triển sản phẩm, Validus Việt Nam, vào mùa cao điểm kinh doanh, DN cần nguồn vốn ngay để nhập hàng hoặc thanh toán kịp thời cho đối tác, nhà cung cấp. Do đó, Validus thiết kế các gói tín dụng theo chu kỳ kinh doanh của DN, phù hợp đặc điểm chuỗi giá trị, mùa vụ của DN. Ðặc biệt, Validus đang tập trung vào sản phẩm cho vay kỹ thuật số E-biz dành cho DN siêu nhỏ, DN SME, hộ kinh doanh không có tài sản đảm bảo có thể vay trả góp trong 12 tháng, thẩm định bằng công cụ kỹ thuật số trong vòng 1-2 ngày và ngày tiếp theo có thể nhận được tiền. Validus có thể cung cấp khoản vay trả góp hàng tháng dựa trên doanh thu với hạn mức lên đến 500 triệu đồng, lãi suất bình quân khoảng 25%/năm và không thu thêm bất kỳ khoản phí nào. Kỳ hạn, phương thức trả nợ phù hợp cho DN nhất là vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, các DN sau 6 tháng thanh toán trả góp tốt sẽ được xem xét tăng hạn mức vay lên tới 700 triệu đồng. Khi DN hoạt động tốt hơn có thể chuyển sang khoản vay dành cho nhà cung ứng với hạn mức tối đa lên đến 5 tỉ đồng.

Theo các tổ chức tín dụng, cuối năm 2023, lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp và nền tảng lãi suất hiện nay đang thuận lợi cho DN khi vay vốn. Ðối với DN SME để tiếp cận vốn nhanh nhất và hiệu quả nhất, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu chưa thực sự khôi phục. Tuy nhiên cơ hội là Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng các chính sách hỗ trợ về lãi suất ở mức hiện tại trong thời gian dài để giúp nguồn vốn được khơi thông và hỗ trợ được cho DN. Nhiều hoạt động kinh doanh cũng có dấu hiệu khởi sắc vào cuối năm 2023 và quý I-2024 nhờ các chính sách mới của Chính phủ như khơi thông thị trường bất động sản, xúc tiến thương mại với nhiều thị trường có nền kinh tế ổn định hơn như Ấn Ðộ, Ðông Nam Á, châu Úc.

Ông Ngô Bình Nguyên chia sẻ thêm: Ðối với khách hàng là DN SME, OCB đưa ra các tiêu chí cụ thể về kinh nghiệm trong điều hành kinh doanh, phương án kinh doanh, dựa trên dòng tiền của DN khi giao dịch ở các tổ chức tín dụng và trên tài khoản ngân hàng tại OCB để cung cấp khoản vay với hạn mức phù hợp, nhanh chóng trong vòng 48 giờ. DN có thể được cấp hạn mức linh hoạt lên đến 10 tỉ đồng để có thể tiếp cận vốn nhanh dịp cuối năm với mức lãi suất dao động từ 6,99-8%/năm tùy thuộc vào xếp hạng rủi ro của DN đối với ngân hàng. OCB hiện đang triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng với lãi suất bình quân 7,99%/năm và gói ưu đãi đặc biệt dành cho một số ngành trọng tâm với mức lãi suất 6,99%/năm với thời hạn đăng ký đến hết 31-12 để hỗ trợ cho các DN về đích cuối năm. Ðối với các DN quy mô nhỏ, mới khởi sự hoạt động nên đầu tư ban đầu đối với các khâu dữ liệu để quản lý hoạt động kinh doanh, dòng tiền một cách minh bạch. DN không cần cung cấp hồ sơ giấy tờ vẫn được ngân hàng xem xét thông qua các phần mềm kế toán, các nguồn dữ liệu tài chính, bán hàng để đánh giá thực chất hoạt động kinh doanh của DN và cung cấp khoản vay nhanh hơn.


Nguồn: Báo Cần Thơ


b206b02f-376d-4a30-abc5-80f3eb7001cb

Tiêu đề bài viết: Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: