Tiềm năng kinh tế


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Tiềm năng kinh tế
Ngày đăng: 23/08/2017

Lượt xem:


CÔNG NGHIỆP

Công nghiệp là thế mạnh quan trọng của TP Cần Thơ, đang được phát triển với nhiều ngành nghề, sản phẩm đa dạng. Các ngành công nghiệp chủ lực của thành phố là: chế biến lương thực - thực phẩm, thủy sản, dược phẩm, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng…

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, TP Cần Thơ ưu tiên hợp tác phát triển các ngành: công nghiệp chế biến nông, thủy sản; ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, cơ khí gia công kim loại: đóng tàu, sản xuất và lắp ráp ô tô, sản xuất thiết bị toàn bộ, máy móc và thiết bị nông nghiệp, cơ điện tử, sản xuất phụ tùng, chi tiết máy…; ngành công nghiệp hóa chất bao gồm cả hóa chất cơ bản, phân bón và hóa dầu, khí đốt, hóa dược, hóa mỹ phẩm; ngành công nghiệp nhựa (nhựa gia dụng, bao bì, chai lọ, ống, nhựa kỹ thuật…); ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, nội dung số; ngành công nghiệp năng lượng, năng lượng mới, năng lượng tái tạo; các ngành công nghiệp hỗ trợ…

Các ngành công nghiệp nêu trên đang có lợi thế cạnh tranh, có thị trường và giải quyết nhiều lao động. Trong chiến lược phát triển công nghiệp, TP Cần Thơ sẽ tập trung phát triển năng lực nghiên cứu thiết kế sản phẩm và chuyển dịch sang các ngành công nghiệp chế tác có tiềm năng, có hàm lượng công nghệ cao để tạo bước nhảy vọt về chất lượng phát triển, nâng cao năng suất lao động, đồng thời chuyển dịch và phát triển công nghiệp nông thôn, kết hợp phát triển công nghiệp với quá trình đô thị hóa và phát triển bền vững của thành phố.

THƯƠNG MẠI

Hoạt động thương mại của thành phố được đầu tư phát triển đa dạng, theo hướng văn minh, hiện đại với các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống tạo thị trường hàng hóa phong phú.

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Cần Thơ đạt 411.925 tỷ đồng; đứng thứ 3 của cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Với lợi thế giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không thuận lợi và hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển khá đồng bộ, Cần Thơ ngày càng thu hút thêm được nhiều dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, góp phần đưa kinh tế thành phố phát triển nhanh và trở thành một trong những thành phố đi đầu của cả vùng trong các hoạt động thương mại. Hệ thống phân phối thương mại được phát triển rộng khắp, bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt từ thành thị đến nông thôn. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trong và ngoài nước đều có đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ như Co.op Mart, BigC, Vincom, Lotte Mart, Metro... Thành phố cũng tạo điều kiện phát triển các kênh phân phối đa dạng, hiện đại, một số loại hình kinh doanh mới như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chợ đêm, chợ nổi, trung tâm mua sắm... đã góp phần làm tăng hiệu quả và giá trị kinh doanh trên địa bàn.

Từ nay đến năm 2020, Cần Thơ sẽ xây dựng 110 chợ, 14 siêu thị, 17 trung tâm thương mạị.

Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ trên địa bàn thành phố đạt trên 8,553 tỷ USD; trong đó năm 2016 ước giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ đạt trên 1.553 tỷ USD, đóng góp 58,15% trong cơ cấu GRDP của TP Cần Thơ. Lãnh đạo Thành phố thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn vướng mắc và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động giao thương với nước ngoài, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu và tiếp cận với các thị trường mới.

Tính đến nay, TP Cần Thơ đã có quan hệ xuất khẩu với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung nhiều nhất ở châu Á với 50,6%, châu Mỹ 19,2%, các nước khu vực châu Âu 13%, châu Phi 7,78% và châu Úc là 2,63%.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố Cần Thơ bao gồm gạo, thủy sản và may mặc:

Về xuất khẩu gạo: năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 311.000.000 USD. Các thị trường chủ lực là Trung Quốc, Singapore, Philippine, Malaysia, HongKong, Indonesia, Ghana, Cameroun, Angola, Đức.

Về xuất khẩu thủy sản: Các mặt hàng chính là tôm, tôm sú, tôm chân trắng và đặc biệt là cá tra. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 550.000.000 USD. Các thị trường chủ lực là Nhật, Trung Quốc, Brazil, Colombia, Dominica, Singapore, Thái Lan, Hong Kong, Pháp, Canada.

Về xuất khẩu may mặc: năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 149.000.000 USD. Các thị trường chủ lực là Nhật, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Na uy, Ý, Thái Lan, Hong Kong.

Các mặt hàng nhập khẩu chính của TP Cần Thơ là nguyên liệu dược phẩm; nguyên liệu nông dược; phụ liệu may mặc, da giày; máy móc thiết bị, phụ tùng.

DU LỊCH

TP Cần Thơ phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, và lợi thế của vùng đồng bằng sông nước. Các loại hình du lịch được chú trọng phát triển tại Cần Thơ là:

- Du lịch sinh thái sông nước: Là một vùng mênh mông sông nước, Cần Thơ phát triển rất hiệu quả loại hình du lịch này bằng việc tổ chức các tour du lịch thăm chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, thăm các cù lao cây trái Cồn Ấu, Cồn Khương, Cồn Sơn, Cồn Tân Lộc, Cồn Cái Khế hoặc du thuyền men theo dòng sông, ngắm nhìn cảnh vật hai bên bờ, thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ hay đưa du khách len lỏi vào kênh rạch chằng chịt ghé thăm vườn cây ăn trái.

- Du lịch vườn: Loại hình du lịch này cũng khá phát triển tại Cần Thơ với vườn cò Bằng Lăng và hệ thống các điểm, khu du lịch vườn đa dạng các chủng loại và dịch vụ du lịch như: homestay, cùng làm nông dân, tìm hiểu nền văn minh lúa nước, văn minh miệt vườn…

- Du lịch văn hóa truyền thống: Loại hình du lịch văn hóa truyền thống được phát triển dựa vào hệ thống các di tích văn hóa - lịch sử của Cần Thơ, khu tượng đài Bác Hồ và bến Ninh Kiều, hệ thống các nhà bảo tàng, đình, chùa, các trường đại học, viện nghiên cứu lúa ĐBSCL, và các làng nghề ven thành phố. Ngoài ra, vùng đất Cần Thơ có nhiều dân tộc, đa tài nguyên nên chứa nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa truyền thống. Cùng với hệ thống đình chùa miếu mạo thờ cúng theo tâm linh, Cần Thơ là nơi quanh năm có lễ hội.

- Du lịch gắn với hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm: Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, với cơ sở hạ tầng phát triển nhất vùng, cùng với hệ thống các nhà hàng, khách sạn và nhiều cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, loại hình du lịch này cũng tương đối phát triển trong thời gian gần đây tại TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó, ẩm thực của Cần Thơ rất phong phú mang đặc trưng của vùng đất Nam Bộ là nét văn hóa được nhiều du khách tìm hiểu, khám phá, trong tương lai sẽ là một loại hình du lịch có tiềm năng phát triển.

Năm 2016, TP. Cần Thơ đón và phục vụ 1,73 triệu lượt khách lưu trú; doanh thu ước đạt 1.826 tỷ đồng.

NÔNG NGHIỆP

Hiện nay, ba chuỗi giá trị sản xuất nông sản chính của thành phố là:

- Lúa: Là cây trồng có lợi thế của thành phố. Tổng diện tích canh tác hàng năm trên 230.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 1 triệu tấn, hệ số quay vòng đất 2,69 lần/năm. Tỷ lệ sử dụng các giống lúa thơm đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm khoảng 80%.

- Thủy sản: Là thế mạnh thứ hai sau cây lúa, là lĩnh vực nhiều tiềm năng và có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố. Diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 14.000 ha, sản lượng đạt 200.000 tấn/năm. Trong đó, cá tra là thủy sản chủ lực với diện tích thâm canh gần 900 ha, hệ số quay vòng từ 1,1 - 1,5 lần/năm, sản lượng gần 160.000 tấn/năm (chiếm 81% tổng sản lượng thủy sản).

- Cây ăn trái, rau, nấm: Diện tích cây ăn quả trên 14.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: cam mật Phong Điền, dâu Hạ Châu… Diện tích rau khoảng 10.000 ha, đa dạng về chủng loại; các loại nấm rơm, nấm bào ngư, nấm mèo…có tiềm năng phát triển rất lớn nếu mở rộng được thị trường. Định hướng phát triển nông nghiệp TP Cần Thơ là: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, sinh thái hiện đại, gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển cây giống, con giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho khu vực. Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình tổ chức sản xuất hiện đại, tập trung, có qui mô lớn.



Các tin khác:
Tiềm năng kinh tế đa dạng  (03/12/2018)

39451b72-318b-4c98-9526-7ef429f1de67

Tiêu đề bài viết: Tiềm năng kinh tế . Nội dung như sau: . Theo tác giả: .

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: