Sức khỏe cộng đồng


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền tại ĐBSCL
Ngày đăng: 21/03/2025

Lượt xem:


Ngày 21/3, tại TP Cần Thơ, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ phối hợp Cục Dân số - Bộ Y tế tổ chức Hội thảo khoa học sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 10. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thị Ngọc Điệp tham dự.
Đại diện Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ chia sẻ kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng năm 2025 tại hội thảo.

Hội thảo gồm 3 phiên với 16 đề tài nghiên cứu được trình bày bởi những chuyên gia y tế đầu ngành đến từ các bệnh viện tuyến trung ương ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… đã được khẳng định trong 3 lĩnh vực: sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh; sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh lý sơ sinh; sàng lọc, chẩn đoán trước sinh - chẩn đoán hình ảnh. Các bài nghiên cứu khoa học được trình bày tại hội thảo là những công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư bài bản, có giá trị thực tiễn cao, cập nhật những tiến bộ y học mới nhất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) - cho biết, chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh được Bộ Y tế giao Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Cục Dân số) bắt đầu triển khai từ năm 2007 với mục tiêu sàng lọc phát hiện can thiệp sớm các dị tật, dị dạng thai nhi thông qua sàng lọc trước sinh cùng với phát hiện và điều trị sớm các bệnh chuyển hóa di truyền thông qua sàng lọc sơ sinh. Đề án được triển khai đã đem lại nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn quốc đã xây dựng được 7 trung tâm sàng lọc, trong đó có 5 trung tâm khu vực; đồng thời thiết lập mạng lưới sàng lọc trước sinh và sơ sinh từ Trung ương đến tuyến xã ở 63 tỉnh, thành phố, bước đầu đáp ứng được nhu cầu về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. 

BS.CKII Nguyễn Thụy Thúy Ái, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, phát biểu tại hội thảo.

Ông Lê Thanh Dũng cũng ghi nhận, biểu dương Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ trong 10 năm qua đã triển khai thực hiện rất tốt nhiệm vụ sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thông qua kỹ thuật xét nghiệm, siêu âm, chọc ối… đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân trong khu vực. Riêng Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ được Cục Dân số (Bộ Y tế) giao nhiệm vụ phụ trách công tác sàng lọc, chấn đoán trước sinh và sơ sinh tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua 13 năm hình thành và phát triển, trung tâm đã không ngừng mở rộng mạng lưới, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các đơn vị, ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến để sàng lọc, chẩn đoán, giúp phát hiện sớm và can thiệp kịp thời hàng ngàn trường hợp dị tật bẩm sinh.

Theo BS.CKII Nguyễn Thụy Thúy Ái, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, công tác sáng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh, giúp giảm thiệu tỷ lệ trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi các bệnh lý nghiêm trọng. Những tiến bộ y học, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khở bà mẹ và trẻ em mà còn mang lại hy vọng cho nhiều gia đình.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Cũng theo BS Nguyễn Thụy Thúy Ái, trong năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực và hoàn thành tốt công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh như: An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ… Tuy nhiên, dù đã được những thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra trong công tác này khi mà tỷ lệ tầm soát ở một số địa phương còn thấp, nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cần tiếp tục cần được tuyên truyền, nâng cao. Chính vì thế, sự góp mặt của các chuyên gia y tế đầu ngành không chỉ mang đến cơ hội cập nhật kiến thức và kỹ thuật tiên tiến, mà còn tạo điều kiện cho sự trao đổi kinh nghiệm chuyên sâu, học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng sàng lọc, chẩn đoán và điều trị trước sinh và sơ sinh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hướng đến mục tiêu giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền.

Tại hội thảo, Trung tâm Sàng lọc - Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh Cần Thơ cũng đã chia sẻ kết quả hoạt động năm 2024 và phương hướng năm 2025 với nhiều kết quả đáng ghi nhận như: Đã thực hiện sàng lọc trước sinh cho 68.959 thai phụ trên tổng số 124.482 thai phụ, đạt tỷ lệ 55,4%, vượt chỉ tiêu 50% do Tổng cục Dân số đề ra. Riêng tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ, tỷ lệ này đạt mức ấn tượng 97%. Qua đó đã phát hiện và xử lý các trường hợp nguy cơ cao, góp phần giảm thiểu dị tật bẩm sinh. Đối với sàng lọc sơ sinh, trung tâm đã sàng lọc cho 52.059 trẻ, bao gồm cả các trường hợp xã hội hóa và trong đề án. Đặc biệt, 100% trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ được sàng lọc đầy đủ, vượt 17% chỉ tiêu.

Định hướng thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung củng cố và nâng cao chất lượng các kỹ thuật xét nghiệm hiện có, đồng thời mở rộng triển khai các kỹ thuật tiên tiến như: sàng lọc trước sinh không xâm lấn (NIPT), xét nghiệm chẩn đoán Microarray và các kỹ thuật can thiệp bào thai; đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường mở rộng dịch vụ sàng lọc hợp tác với các đơn vị và hợp tác quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất…


Thanh Xuân


9251b77e-c061-4c5c-a623-e65099cca6e7

Tiêu đề bài viết: Giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sinh ra mắc dị tật bẩm sinh và bệnh lý di truyền tại ĐBSCL. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Thanh Xuân.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: