Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, đánh giá những thành tựu đã đạt được, nhận diện những thách thức cần vượt qua trong các lĩnh vực trọng tâm như: kinh tế số; kinh tế tuần hoàn; thị trường tài chính, công nghệ tài chính; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Từ đó đưa ra những giải pháp, hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển xanh, bền vững cho vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL cũng như của cả nước. Đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực kinh tế, tài chính có cơ hội gặp gỡ giao lưu và trao đổi học thuật.
Tại hội thảo, các báo cáo viên, các chuyên gia về kinh tế và tài chính đã tập trung tham luận nhiều nội dung với các chủ đề như: Nông nghiệp tuần hoàn - Mô hình phát triển kinh tế bền vững ĐBSCL thời kỳ Cách mạng Công nghiệp 4.0; các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính mô hình nuôi cua vùng ĐBSCL; các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ trồng nhãn xuồng của nông hộ trên địa bàn huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững khu vực ĐBSCL thông qua phương thức tháo gỡ những thể chế về kinh tế; các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận công ty niêm yết tại Việt Nam; phát triển kinh tế theo xu hướng tăng trưởng xanh qua kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam…
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng công nghệ 4.0 được xem là chìa khóa để ĐBSCL vượt qua những thách thức và phát triển về kinh tế - tài chính một cách bền vững. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thiểu chi phí, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của khu vực. Chính vì thế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế - tài chính ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, rất cần có chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia ứng dụng công nghệ 4.0, cũng như đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - tài chính.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quang, từ các ý kiến đóng góp tại Hội thảo lần này sẽ cung cấp thêm những góc nhìn đa chiều, những ý tưởng sáng tạo và những giải pháp hiệu quả góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thanh Xuân