Đồng hành cùng doanh nghiệp


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Doanh nghiệp vượt thách thức, vững bước trong năm mới
Ngày đăng: 19/02/2024

Lượt xem:


Với những niềm tin và kỳ vọng mới, cộng đồng doanh nghiệp TP Cần Thơ tiếp tục phát huy tinh thần vượt gian khó, vững tiến đến thành công. Quyết tâm không ngừng đổi mới, đạt kết quả sản xuất kinh doanh năm sau cao hơn năm trước là những chia sẻ đầy tâm huyết từ các doanh nghiệp của thành phố ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024.
Nhiều khách hàng đến giao dịch tại Vietinbank Chi nhánh Cần Thơ trong ngày mùng 6 Tết. Ảnh: MINH HUYỀN

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex): Đa dạng, tối ưu hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường

Năm qua, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty Caseamex gặp nhiều khó khăn, nhưng doanh số, kim ngạch xuất khẩu vẫn giữ vững so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35 triệu USD, doanh thu đạt 1.300 tỉ đồng. Đồng thời, đảm bảo đời sống cho 1.200 công nhân, với mức lương bình quân 12 triệu đồng/người/tháng. Riêng chế độ thưởng Tết năm 2024 vẫn như năm ngoái, người lao động được thưởng từ 2 tháng lương trở lên.

Công ty đã và đang hướng đến đa dạng, tối ưu hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường. Ngoài cá tra, công ty còn sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lươn, ếch, cá rô phi đen… Theo đó, công ty phải hoàn chỉnh dây chuyền để tất cả sản phẩm phải sản xuất, chế biến và tiêu thụ hết. Như hiện nay không gọi phụ phẩm cá tra nữa mà là sản phẩm phụ của cá tra với da cá được xuất khẩu 100%, mỡ cá xuất sang Trung Quốc, còn xương làm bột cá làm thức ăn chăn nuôi…

Ông Toshiyuki Ishii, Tổng Giám đốc Công ty CP Dược Hậu Giang (DHG Pharma): Xem nhân tố con người là tài sản quan trọng để xây dựng và phát triển DHG Pharma

Năm 2023, doanh thu thuần của DHG Pharma cán mốc 5.000 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 1.130 tỉ đồng, đạt 103% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2022; nộp ngân sách nhà nước 352 tỉ đồng, trong đó TP Cần Thơ là 78 tỉ đồng; thu nhập bình quân của người lao động ở mức 17 triệu đồng/người/tháng. Năm 2024, công ty đặt mục tiêu phấn đấu doanh thu thuần 5.200 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.080 tỉ đồng.

Đánh dấu cột mốc 50 năm thành lập và chuyển mình, năm 2024, DHG Pharma tập trung thay đổi nhận diện thương hiệu, thay đổi bộ mặt doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, xây dựng nhà máy mới với công nghệ và dây chuyền tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm mới… Hành trình xây dựng và phát triển, DHG Pharma luôn coi nhân tố con người là tài sản quan trọng. DHG Pharma cam kết cùng nhân viên đồng hành cùng phát triển. Bởi sự thịnh vượng của doanh nghiệp chính là sự thịnh vượng của từng nhân viên. Nỗ lực đưa DHG Pharma trở thành doanh nghiệp toàn cầu, đưa sản phẩm của DHG không chỉ tiêu thụ tại Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hong Kong…

Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Tây Đô: Đẩy nhanh tiến độ các dự án để nâng cao năng lực cạnh tranh

Công ty TNHH Thép Tây Đô là công ty sản xuất thép, có thị trường tiêu thụ thép xây dựng ổn định và quy mô gần 400 lao động. Từ năm 2023, Thép Tây Đô tăng sản lượng tiêu thụ sau khi mở rộng sản phẩm phôi thép. Năm 2023, sản lượng tiêu thụ thép của công ty đạt 93.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022 (nhưng chỉ đạt 66% so với kế hoạch). Trong đó, tỷ trọng hàng xuất khẩu chiếm 71%, hàng trong nước chiếm 29%. Doanh thu đạt 2.600 tỉ đồng, lợi nhuận ước đạt hơn 12 tỉ đồng, lương bình quân hơn 14 triệu đồng/người/tháng.

 Công ty đề ra kế hoạch năm 2024, sản lượng thép tiêu thụ 172.000 tấn, doanh thu 4.000 tỉ đồng. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành nhà máy cán thép, dự kiến chạy thử vào tháng 3 hoặc tháng 4-2024; hoàn thành việc mở rộng các xưởng tại các cảng và sớm đưa vào hoạt động để đảm bảo đủ năng lực tiếp nhận chế biến 250.000 tấn nguyên liệu/năm. Dự kiến quý II sẽ hoàn thành dự án số hóa và đổi mới doanh nghiệp. Cùng đó, công ty cũng sẽ dành 5 tỉ đồng  cho các hoạt động công tác xã hội... Để nhanh chóng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, công ty mong muốn Thành ủy, UBND thành phố hỗ trợ trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất và cho phép công ty thuê thêm đất để mở rộng thêm nhà máy cán thép…

Ông Trần Quốc Phương, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hiệp Tài: Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu xuất khẩu

Năm 2023 là một năm khó khăn chung của ngành chế biến lương thực nhưng nhờ nỗ lực của ban lãnh đạo công ty cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên nên Công ty TNHH Hiệp Tài gặt hái được thành công, đạt doanh thu khoảng 2.049 tỉ đồng, tăng 71,7% so với năm 2022. Hiện công ty có 85 công nhân lao động cố định, thu nhập bình quân người lao động 9 triệu đồng/tháng; thị trường xuất khẩu chính gồm: Philippines, Singapore, Malaysia, Trung Đông, các nước thuộc châu Đại Dương và châu Phi.

Mặc dù tình hình kinh doanh trong năm qua tương đối thuận lợi nhưng công ty gặp không ít những khó khăn như đầu vào bao tiêu lúa với nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong lúc thu hoạch lúa, giá lúa tại thời điểm thu hoạch tăng so với giá ký hợp đồng bao tiêu. Khi đó các cò lúa vào thu mua các ruộng lúa bao tiêu của công ty làm ảnh hưởng đến sản lượng đầu vào giảm so với kế hoạch, dẫn đến hậu quả là công ty bị thiếu hàng giao cho các khách hàng đã ký hợp đồng. Bên cạnh đó, chi phí điện sản xuất, xăng dầu tăng giá làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm… Năm 2024, dự đoán thị trường gặp nhiều khó khăn, các quốc gia hầu hết giảm sản lượng nhập khẩu... Bên cạnh đó, khó khăn của ngành gạo là Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tham gia hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế thế giới, dẫn đến hàng hóa nông sản của các nước phát triển có xu thế lấn áp hàng hóa nông sản của Việt Nam (nhất là gạo), vì có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng. Tuy nhiên, công ty cố gắng duy trì đạt sản lượng gạo sản xuất và xuất khẩu dự kiến 155.000 tấn, ước tính doanh thu đạt 2.348 tỉ đồng.

Thượng tá Cao Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Tân Cảng ĐBSCL, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn: Khơi thông luồng, mở rộng cảng, phát triển vận tải xanh cho ĐBSCL

Các cảng Tân Cảng ở ĐBSCL là điểm tập kết để gom hàng ở các bến cảng nội địa, các cơ sở cảng nhỏ tại vùng ĐBSCL vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải để xuất tàu. Đây cũng là giải pháp về vận tải xanh cho vùng ĐBSCL. Tại TP Cần Thơ, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn có cảng Tân Cảng - Cái Cui và cảng Tân Cảng - Thốt Nốt. Năm 2023, cảng Tân Cảng - Thốt Nốt có sản lượng tốt nhất trong hệ thống Tân Cảng khu vực ĐBSCL với sản lượng 43.000 teus thông qua cảng. Đối với Cảng Tân Cảng - Cái Cui dù đã đưa khai thác tuyến tàu vận chuyển nội địa Cần Thơ - Hải Phòng vào cuối năm 2022 nhưng chưa đạt kế hoạch do doanh nghiệp còn khó khăn cũng như luồng hàng hải vào sông Hậu chưa ổn định. Riêng về dịch vụ logistics cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Bước sang năm 2024, công ty gửi gắm kỳ vọng thành phố hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các mục tiêu, nghị quyết đã đề ra, đặc biệt là Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ nhất là nội dung về chính sách nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồn hàng hải Định An - Cần Thơ để các doanh nghiệp cảng trong đó có Cảng Tân Cảng - Cái Cui và nhóm cảng biển số 6 của ĐBSCL đón được các tàu lớn theo chuẩn tắc thiết kế. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng mong muốn tham gia mở rộng Cảng Tân Cảng - Thốt Nốt để phục vụ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; đồng thời cung cấp dịch vụ hạ tầng logistics phục vụ cho khu công nghiệp Vĩnh Thạnh.

Ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Cần Thơ: Phát huy tốt vai trò là tổ chức tín dụng nòng cốt

Năm 2023, Vietinbank Chi nhánh Cần Thơ đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tổng quy mô tài sản tăng 11,1% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay tăng 9,4%, đạt 104% kế hoạch được giao. Tổng quy mô tín dụng dành cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên chiếm hơn 33% tổng danh mục tín dụng; tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp chế biến, phụ trợ thuộc ngành, lĩnh vực thuộc đối tượng được Chính phủ, NHNN ưu tiên khuyến khích như lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu. Nguồn vốn huy động tăng 13,8% so với năm 2022, đạt 99% kế hoạch được giao. Tỷ lệ nợ xấu 0,88%. Lợi nhuận tăng 19,2% so với năm 2022. Với phương châm "Phát triển an toàn - bền vững và trách nhiệm với xã hội", năm 2023, Vietinbank Chi nhánh Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa cho các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế với tổng số tiền tài trợ hơn 776 triệu đồng.

Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn, thách thức song cũng có nhiều cơ hội phát triển. Vietinbank Chi nhánh Cần Thơ cam kết cùng đoàn kết đồng lòng, chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của Thành Ủy, UBND, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP  Cần Thơ, Ngân hàng Công Thương Việt Nam để phát triển kinh doanh đúng định hướng, bền vững, phát huy tốt vai trò là tổ chức tín dụng nòng cốt trên địa bàn.

 


Nguồn: Báo Cần Thơ


101628e1-19c2-44be-ab1d-b5363ac0edba

Tiêu đề bài viết: Doanh nghiệp vượt thách thức, vững bước trong năm mới . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: Báo Cần Thơ.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: