Đây là hoạt động thường niên của chính quyền thành phố nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến đóng góp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, thành phố Cần Thơ đã cấp phép cho 8 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 7.388,19 tỷ đồng. Cụ thể, 6 dự án được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư, 2 dự án cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đồng thời, có 7 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư (bao gồm 1 dự án giảm quy mô, 3 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện và tổng vốn đầu tư, 3 dự án điều chỉnh tiến độ thực hiện) và thu hồi 1 dự án. Lũy kế đến nay, UBND thành phố Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 95 dự án đang triển khai, với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 1.923,12 ha. Trên địa bàn thành phố hiện có 80 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.219,73 triệu USD. Trong đó, 29 dự án tại Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 612,33 triệu USD, và 51 dự án ngoài Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 1.607,4 triệu USD.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Trong năm 2024, toàn thành phố đã cấp mới 1.800 lượt hồ sơ đăng ký doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 14.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp và tăng 7,7% kế hoạch về vốn. So với cùng kỳ năm 2023, số lượng doanh nghiệp tăng 5,6%, và vốn tăng 8,3%. Dự kiến có 4.489 lượt hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký, giảm 15% so với cùng kỳ. Trong đó, có 536 doanh nghiệp tăng vốn với tổng số vốn là 8.781 tỷ đồng, đạt 98,89% về số lượng doanh nghiệp và 86,88% về vốn so với cùng kỳ. Đồng thời, có 67 doanh nghiệp giảm vốn với tổng số vốn giảm 2.264 tỷ đồng, tăng 8,9% về số lượng doanh nghiệp nhưng giảm 6,65 lần về vốn so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, 909 lượt doanh nghiệp và 375 đơn vị phụ thuộc đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 27,84% về số lượng doanh nghiệp so với cùng kỳ. Cũng trong năm, 195 lượt doanh nghiệp và 500 đơn vị phụ thuộc thực hiện hồ sơ giải thể, giảm 17% về số lượng doanh nghiệp. Trong khi đó, 400 lượt doanh nghiệp và 155 đơn vị phụ thuộc quay trở lại hoạt động, tăng 7,82% so với cùng kỳ. Dự kiến, tỷ lệ hồ sơ doanh nghiệp nộp qua mạng điện tử đến cuối năm 2024 sẽ đạt 75,5%.
Tại tọa đàm, các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, và Điện lực Cần Thơ đã giải đáp những vướng mắc, khó khăn, và kiến nghị của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nêu ý kiến, kiến nghị tại tọa đàm.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhấn mạnh rằng năm 2024 là một năm đầy khó khăn và thách thức, với nhiều cản trở trong tiến trình phát triển của đất nước nói chung và Cần Thơ nói riêng. Tuy nhiên, thành phố đã vượt qua những thách thức và đạt được kết quả khả quan nhất trong 4 năm qua của nhiệm kỳ này. Tăng trưởng của thành phố ước đạt 7,12%, thu nhập bình quân đầu người tăng, thu ngân sách Nhà nước vượt chỉ tiêu, và tổng vốn đầu tư trên địa bàn cao hơn dự kiến. Mặc dù đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn ngay từ đầu năm, cải cách cơ chế chính sách và làm việc hết sức, nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng trưởng mạnh mẽ so với các năm trước (Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra là 7,5-8%, nhưng kết quả chỉ đạt 7,12%). Điều này cho thấy sự phát triển của thành phố Cần Thơ vẫn còn chậm, nhịp độ tăng trưởng chưa đủ nhanh, và chưa có bước đột phá để nâng cao giá trị.
Để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan cần quan tâm hơn nữa đến các vấn đề mà doanh nghiệp đã nêu ra tại buổi đối thoại hôm nay. Những vấn đề đã được trả lời trực tiếp hoặc chưa được trả lời cần có văn bản trả lời chính thức cho doanh nghiệp trong thời gian sớm nhất (3 ngày làm việc sau đối thoại). Đồng thời, các cơ quan, đơn vị cần gửi báo cáo tổng hợp về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, đề xuất UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo những nội dung thuộc thẩm quyền và kiến nghị các vấn đề vượt thẩm quyền lên Trung ương.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, giải đáp các vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ giao Ban Quản lý Khu Công nghiệp và Chế xuất Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng Khu Công nghiệp Cần Thơ chủ động làm việc, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, từ đó xem xét và giải quyết nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp một cách kịp thời.
Phó Chủ tịch cũng giao Sở Công Thương nghiên cứu các đề xuất và giải pháp cung cấp thông tin về thị trường, các hiệp định thương mại, và các hoạt động chỉ đạo của Bộ Công Thương để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động hiệu quả. Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục duy trì tổ chức các cuộc đối thoại giữa đơn vị mình với các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn ít nhất 2 lần/năm để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Phương Thảo