Tin tức sự kiện


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi ngành hàng lúa gạo
Ngày đăng: 02/05/2024

Lượt xem:


Sáng 2/5, tại thành phố Cần Thơ, Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam phối hợp Văn phòng điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo phát triển liên kết bền vững trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam; ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích gieo trồng lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long là 7,24 triệu ha, với sản lượng 24,3 triệu tấn lúa, với 1.300 HTX tham gia vào ngành hàng lúa gạo (chiếm 52% tổng số HTX nông nghiệp toàn vùng). Trong đó, diện tích lúa liên kết được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước sản xuất đạt 40,28% (năm 2016 chỉ đạt 26,5%); có 12,1% nông dân bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và thông qua HTX là 37,5% để phân phối lại cho doanh nghiệp và qua thương lái là 49,5%; ngoài ra, khoảng 0,9% lượng lúa được bán trực tiếp từ nông dân cho các nhà máy xay xát nằm trong khu vực sản xuất của nông dân.

Tại hội thảo, ông Võ Quốc Trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 276.429 ha (chiếm 83,78% diện tích tự nhiên) trong đó đất trồng lúa 147.681ha, sản lượng hàng năm đạt tương đương 2,1 triệu tấn với hơn 93,3% sản lượng lúa chất lượng cao (2023). Nông dân bán lúa thông qua 3 kênh thông tin tiêu thụ phổ biến như HTX liên kết với doanh nghiệp; nông dân hợp tác thành nhóm nhỏ và tự liên hệ với thương lái quen biết qua giao dịch mua bán hàng năm; hoặc môi giới trung gian trong vùng, khu vực để tiếp cận giao dịch với thương lái có nhu cầu thu mua lúa.

Thương lái đóng vai trò không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa từ người sản xuất đến thị trường. Họ chính là mắt xích quan trọng giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, đa dạng trong chuỗi liên kết một cách linh hoạt. Trong quá khứ, khi dịch bệnh COVID-19 làm gián đoạn mọi thứ thì sự tham gia của thương lái và môi giới đã giúp sản phẩm lúa gạo của nông dân trong tỉnh không bị hư hao, thất thoát, tất cả đều được thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi. Thương lái cũng không vì thế mà ép giá lúa nông dân. Cho đến thời điểm này, chúng ta có thể thấy có một số nông sản phải cần đến sự “giải cứu” trong tiêu thụ, nhưng lúa gạo thì không. Sự đóng góp đó của thương lái là rất đáng được xã hội nhìn nhận và trân trọng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo.

TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đã chia sẻ nghiên cứu về thương lái trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. TS Trần Minh Hải cho biết thương lái là lực lượng có đầy đủ thông tin về thời điểm chính xác thu hoạch lúa, biết đội ngũ máy gặt đập liên hợp, ghe thu hoạch lúa và đặc biệt là lịch mở, đóng cống thủy lợi để thuận lợi vận chuyển lúa. Nhìn chung họ có nguồn lực mạnh về ghe, máy gặt đập liên hợp và nguồn lực tài chính làm dịch vụ cho doanh nghiệp rất tốt. Chính vì vậy qua khảo sát có khoảng 60% doanh nghiệp thích mua lúa qua thương lái hơn là với HTX vì thương lái nhanh nhẹn, làm đúng ý của doanh nghiệp hơn.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều hạn chế và nhiều bất cập như việc xác định thời điểm thu hoạch lúa thường được quyết định bởi thương lái, giá cả, đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa. Để giải quyết tình trạng này cũng như nâng cao vai trò của thương lái, TS Trần Minh Hải cho rằng, thương lái cần được có giấy chứng nhận hành nghề; được đăng kí hành nghề (để giúp phân biệt thương lái tốt và thương lái chưa tốt); cần được xem là đối tác đồng hành với nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, cần phân biệt giữa thương lái và “cò lúa”; cần xác định lực lượng nào làm “cò lúa”.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, một trong những con đường chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp và chuyên môn hóa nông dân là các Tổ hợp tác, HTX. Bởi vì Tổ hợp tác, HTX có được nguồn nguyên liệu, chủ động được giá thành, sản lượng, cơ cấu mùa vụ; do đó, cần phát triển HTX làm mạng lưới cung cấp nguyên liệu đủ lớn, đảm bảo chất lượng, thúc đẩy liên kết.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tập hợp các doanh nghiệp, HTX thành 1 chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, trong đó Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam đóng vai trò là đầu mối; trong sự liên kết cần tạo ra giá trị gia tăng từ đầu vào đến đầu ra; cần bảo vệ quyền lợi thương hiệu, phát triển thị trường lúa gạo trong nước. 


Phương Thảo


3d89d365-65d5-4ba1-9525-6e659b9cd600

Tiêu đề bài viết: Phát triển liên kết bền vững trong chuỗi ngành hàng lúa gạo . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: