Công nghiệp
Các ngành công nghiệp quan trọng của Cần Thơ là chế biến lương thực - thực phẩm, thủy sản, dược phẩm, cơ khí, may mặc, vật liệu xây dựng... Trong đó, chủ lực là công nghiệp chế biến (lương thực - thực phẩm và thủy sản).
Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phát triển ổn định dựa trên nhiều thế mạnh:
+ Nguồn nguyên liệu phong phú từ ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được cung cấp tại chỗ và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Nguồn lao động dồi dào với chất lượng ngày càng được nâng cao.
+ Thị trường tiêu thụ rộng lớn và ngày càng được mở rộng.
Cần Thơ còn có điều kiện phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thương mại
Cần Thơ là nơi tập trung hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều tỉnh khác trong cả nước.
- Về nội thương: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 112.978 tỷ đồng.
Nhiều siêu thị lớn của các công ty đa quốc gia đã có mặt tại Cần Thơ như: Go!, MM Mega Market, Lotte Mart…
- Xuất nhập khẩu: Cần Thơ hiện có mối quan hệ xuất, nhập khẩu với khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
+ Xuất khẩu: Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ thu ngoại tệ: trên 2.286 triệu USD. Thành phố hiện có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường, gồm: gạo, thủy sản, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, giày - dép, da thuộc, lông vũ, sắt thép, đinh dây... Trong đó, hai mặt hàng chủ lực, chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của thành phố là gạo và thủy sản.
+ Nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa: trên 564,5 triệu USD.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: nông dược, phân bón, nguyên liệu dược, vải, phụ liệu may, nguyên liệu thủy sản và các loại vật tư nguyên liệu khác.
Nông nghiệp
Hiện nay, ba chuỗi giá trị sản xuất nông sản chính của Cần Thơ gồm:
- Lúa: Là cây trồng có lợi thế của thành phố. Tổng diện tích canh tác năm 2022 là 216.384 ha, sản lượng hàng năm đạt 1,366 triệu tấn.
- Thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2022 là 5.418 ha.
Sản lượng 240.328 tấn/năm; trong đó tổng sản lượng cá tra đạt trên 196 ngàn tấn. Sản xuất cá tra đang hướng theo các quy trình nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như: GAP, SQF, ASC, BMB...
- Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc (trâu, bò, heo) 135.073 con, tổng đàn gia cầm 2,28 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi các loại 29.658 tấn, trứng gia cầm 107 triệu quả. Thành phố hiện có 271 trang trại chăn nuôi, 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, 4 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAHP.
- Cây ăn trái, rau màu:
+ Cây ăn trái: Diện tích 24.594 ha, sản lượng hàng năm trên 194.343 tấn với nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: xoài cát Hòa Lộc, cam mật, dâu Hạ Châu, vú sữa, mít, bưởi, chuối... được áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.
+ Rau màu: Diện tích 17.393 ha, sản lượng 203.063 tấn, đa dạng về chủng loại như: dưa hấu, dưa leo, cà chua, rau muống, khổ qua...
* Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Du lịch
Các loại hình du lịch đặc trưng tại Cần Thơ
- Du lịch sinh thái sông nước - miệt vườn: Với các tour tham quan chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, các cù lao cây trái Cồn Sơn, cồn Tân Lộc, thưởng ngoạn cảnh sông nước về đêm trên du thuyền men theo dòng sông, thưởng thức các món ăn đặc sản quê hương, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ.
- Du lịch văn hóa - lịch sử: Với hệ thống các nhà bảo tàng, đình, chùa, miếu và các làng nghề thủ công truyền thống...
- Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, hội chợ và tổ chức sự kiện: Với cơ sở hạ tầng phát triển nhất vùng, cùng với hệ thống các nhà hàng, khách sạn và các trung tâm tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ có quy mô, loại hình du lịch này đang ngày càng phát triển trong thời gian gần đây tại Cần Thơ và đây là sự lựa chọn du lịch MICE tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.