Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ, cho biết trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố Cần Thơ rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số và đã chỉ đạo ban hành các thể chế, chính sách quyết tâm thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, thành phố cũng quán triệt và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể trong công tác tham mưu xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, đảm bảo thực hiện ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện nay, cả nước đang nỗ lực đầu tư vào hạ tầng hiện đại, hướng đến việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh và phát triển bền vững. Thành phố Cần Thơ cũng đang tích cực thay đổi tư duy và hành động để thực sự trở thành một trung tâm phát triển mạnh mẽ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tất cả các lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố Cần Thơ phải thay đổi đáng kể cách thức xây dựng và quản lý không gian đô thị; trong đó, giải pháp trọng tâm là ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
Đồng thời, UBND thành phố cũng xác định các đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, như Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast), là nhân tố quan trọng giúp thành phố định hình chiến lược, tầm nhìn và triển khai thành công quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc hoàn thiện dữ liệu hạ tầng kỹ thuật hiện hữu.
Theo Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu là xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, gắn kết với phát triển kinh tế số và đô thị số. Việc tích hợp các giải pháp kỹ thuật số sẽ giúp nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng cứng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Quang cảnh tại buổi làm việc
Tại hội nghị, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (Portcoast) đã giới thiệu các mô hình công nghệ tiên tiến, góp phần tối ưu hóa quá trình quản lý và phát triển hạ tầng, bao gồm: Mô hình thông tin công trình (BIM), giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế, thi công và quản lý hạ tầng trong suốt vòng đời của dự án, từ giai đoạn lập kế hoạch đến vận hành và bảo trì công trình; Khả năng chuyển đổi hạ tầng thực tế thành mô hình BIM bằng công nghệ quét Laser 3D (Scan To BIM), cho phép có cái nhìn chi tiết và chính xác về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình quản lý và tái thiết công trình; Hệ thống thông tin địa lý (GIS), giúp quản lý và phân tích dữ liệu không gian, đồng thời hỗ trợ quy hoạch và quản lý hạ tầng một cách hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định chính xác và kịp thời; Sự kết hợp giữa BIM và GIS (BIM-GIS Integration), mang lại khả năng phân tích và quản lý hạ tầng toàn diện, từ thông tin xây dựng đến dữ liệu không gian, giúp tối ưu hóa việc vận hành và bảo trì hạ tầng; Bản sao kỹ thuật số hạ tầng thực tế (Digital Twins), giúp mô phỏng, theo dõi và dự đoán sự vận hành của hạ tầng, từ đó tối ưu hóa quy trình, nâng cao hiệu quả và phát hiện sự cố sớm, đảm bảo hệ thống hạ tầng vận hành ổn định và bền vững; Thực tế ảo mở rộng (XR), mô phỏng môi trường hạ tầng thực tế, kết hợp giữa thực tế và dữ liệu số, giúp giải quyết vấn đề và tối ưu hóa quy trình. Công nghệ này hỗ trợ quá trình thiết kế, thi công, bảo dưỡng và vận hành, giúp người dùng có cái nhìn trực quan và chính xác hơn về các công trình hạ tầng, nâng cao khả năng kiểm soát và quyết định trong suốt quá trình phát triển và quản lý.
Phương Thảo