Tin tức sự kiện


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Ngày đăng: 06/09/2024

Lượt xem:


Sáng 6/9, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Quang cảnh hội nghị

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ; ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đồng chủ trì.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, rất nhiều nhóm ngành hàng của Việt Nam đã vượt mốc kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, như nhóm hàng rau quả, gạo, tôm..., phần lớn đến từ Đồng bằng sông Cửu Long. Riêng mặt hàng gạo, năm 2024, ước tính tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước vẫn duy trì mức trên 8 triệu tấn, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long 7,6 triệu tấn. Tính chung đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang đóng góp khoảng 31% GDP toàn ngành nông nghiệp với khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi, khai thác, 60% lượng cá xuất khẩu và xấp xỉ 70% trái cây các loại...

Tuy có nhiều thế mạnh, song kinh tế ở Đồng bằng sông Cửu Long được nhìn nhận là phát triển vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Ngoài ra, việc phát triển này còn đứng trước những thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, xâm nhập mặn... Vì vậy, đánh giá đúng tiềm năng, thách thức, có những giải pháp phát triển phù hợp là rất cần thiết, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển xứng tầm, một trong những giải pháp quan trọng là thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu nhằm quy tụ và tối ưu các nguồn lực của các địa phương trong vùng phục vụ phát triển bền vững.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng mong các địa phương trong vùng cùng bàn thảo giải pháp phát huy mặt mạnh, giảm thiểu mặt yếu nội tại, góp phần đưa các hoạt động thương mại nội vùng, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long khởi sắc mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đề nghị các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đề xuất các phương pháp, hướng tháo gỡ các vướng mắc đối với hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội thị trường trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua, thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có. Một trong những nguyên nhân là lĩnh vực logistics chưa phát triển, tạo thành điểm nghẽn, hạn chế năng lực cạnh tranh, cơ hội đưa sản phẩm của vùng đến với người tiêu dùng. Để phát triển nhanh và bền vững, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho rằng, hội nghị hôm nay là cơ hội để chúng ta tập trung trao đổi, thảo luận về một số nhóm nội dung như việc tăng cường năng lực liên kết hoạt động xúc tiến và phát triển xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; việc xây dựng thương hiệu hàng hóa chất lượng cao, tham gia sâu vào mạng lưới phân phối và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm thế mạnh của vùng; việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại vùng; việc liên kết xúc tiến thương mại quy mô vùng cho các nhóm sản phẩm thế mạnh; việc phát triển dịch vụ logistics gắn với tăng cường liên kết vùng và xây dựng các doanh nghiệp mạnh về logistics phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu của vùng; cũng như về sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp đầu mối thu mua/phân phối/xuất nhập khẩu/thương mại điện tử trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng.

Trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên lề hội nghị còn kết hợp không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm của các địa phương, doanh nghiệp trong vùng, tạo cơ hội kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có sản phẩm chất lượng cao, có tiềm năng và năng lực xuất khẩu được Ban tổ chức hội nghị tạo điều kiện thuận lợi để tham gia hoạt động.  


Phương Thảo


9904d755-ef02-47aa-804b-d87ab921bb00

Tiêu đề bài viết: Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Phương Thảo.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng: