Số liệu kinh tế


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Kinh tế Cần Thơ ngày càng phát triển
Ngày đăng: 29/11/2023

Lượt xem:



Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả. Trong đó, tốc độ tăng GDP giai đoạn 1976 - 1985 là 4,99%; giai đoạn 1986 - 2000 là 9,42% và giai đoạn 2001 - 2003 là 11,67%. Đặc biệt, sau một năm Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,93%. Nền kinh tế phát triển theo hướng tích cực, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy được nhiều lợi thế của thành phố nói chung và từng ngành, từng địa phương nói riêng. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển nhanh, các khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án với tổng vốn đăng ký tăng dần. Sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang hình thái nông nghiệp đô thị, chất lượng cao, nhiều hộ nông dân đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Các ngành thương mại - dịch vụ phát triển khá nhanh theo hướng đa dạng hóa loại hình, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả và hướng tới những ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh; trật tự đô thị được tăng cường, nếp sống văn minh đô thị từng bước được hình thành, bộ mặt đô thị kể cả nội thành và ngoại thành đang đổi mới từng ngày. Quan hệ sản xuất được chăm lo xây dựng củng cố, doanh nghiệp nhà nước được chú ý sắp xếp lại, kinh tế hợp tác có bước phát triển mới.

Về cơ cấu kinh tế, nếu như năm 1976, khu vực I chiếm 66,8%; khu vực II chiếm 11,07% và khu vực III chiếm 22,13%, thì đến năm 2003, khu vực I chiếm 29,40%; khu vực II chiếm 34,69% và khu vực III chiếm 35,91%. Năm 2004, sau khi chia tách, cơ cấu kinh tế của thành phố Cần Thơ chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp (khu vực I chiếm 21,23%; khu vực II chiếm 35,05%; khu vực III chiếm 43,72%). Nếu như giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1976 - 1985 tăng bình quân 9,12%/ năm, giai đoạn 1986 - 2000 là 14,9%/ năm, thì đến giai đoạn 2001- 2003 tăng bình quân 19,4%/ năm. Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2004 đạt 4.089 tỉ đồng (năm 1993 là 384 tỉ đồng). Dự kiến quy mô GDP của nền kinh tế năm 2005 tăng gấp 1,9 lần năm 2000 và gấp 2,6 lần năm 1995. 

Những mục tiêu phát triển trong thời gian tới của thành phố Cần Thơ là: Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng ĐBSCL và của cả nước. Phấn đấu đến năm 2010 thành phố Cần Thơ trở thành đô thị loại I và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 15,5-16%/năm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao; cơ cấu GDP đến năm 2010 khu vực I là 10,06%, khu vực II là 45,2% và khu vực III là 44,2%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 17,91%/ năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 22%/năm; tổng vốn đầu tư trên địa bàn 5 năm đạt từ 78.000 - 80.000 tỉ đồng. Phấn đấu đến năm 2010, chỉ số phát triển con người của Cần Thơ nằm trong nhóm tỉnh, thành có chỉ số phát triển cao, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.150 - 1.200 USD; 75% xã, phường đạt chuẩn văn hóa; xóa nhà lụp xụp, tạm bợ, giảm hộ nghèo còn 3 -3,5% theo tiêu chí mới.

Để thực hiện đạt được mục tiêu nói trên, từ nay đến năm 2010 thành phố Cần Thơ sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, từng bước hiện đại cả đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng hải và đường hàng không. Đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững; tập trung chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ thương mại - nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống giáo dục và đào tạo thành phố đạt tiêu chuẩn quốc gia. Tập trung phát triển sự nghiệp khoa học công nghệ, văn hóa - thông tin, y tế... ngày càng hiện đại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.



Các tin khác: