Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngày đăng: 09/04/2019

Lượt xem:


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức, nhất là đạo đức của người cách mạng. Trong cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, Người đã khẳng định: đạo đức là cái gốc của người cách mạng. Người nói: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” (1). Như vậy, theo Bác, đạo đức chính là gốc. Nếu gốc vững, thì con người sẽ phát huy năng lực, tài trí và trở thành con người có ích cho xã hội. Ngược lại, nếu gốc ấy không vững, thì con người dễ bị sa ngã, lòng dạ không còn trong sáng nữa. Và khi đó, con người đó sẽ tự làm xấu chính mình và làm hại cho người khác.

Đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, Người đặc biệt quan tâm chăm lo, bồi dưỡng nhà giáo, vì đây là những người sẽ tham gia vào quá trình đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Đánh giá cao sứ mệnh vinh quang của nhà giáo, Người nói: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục”(2) với các thầy cô giáo “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…” (3). Chính vì vậy, Người thường nhắc nhở, căn dặn đội ngũ giáo viên: “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết nhau cùng tiến bộ…”(4).

Từ lời dạy sâu sắc và tấm gương sáng ngời về đạo đức của Bác, mỗi thầy cô giáo có dịp soi rọi lại chính bản thân mình và phải không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp của một người thầy, trong đó đạo đức nghề nghiệp – đạo đức nhà giáo là phẩm chất quan trọng hàng đầu đối với đội ngũ nhà giáo. Đây chính là nền tảng, động lực thôi thúc trách nhiệm, nhiệt huyết để mỗi thầy cô giáo phấn đấu hoàn thành sự nghiệp vẻ vang là đào tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng lực chuyên môn cao, xứng danh với nghề cao quý trong xã hội.

Nói về đạo đức nhà giáo, Bác đã nêu lên những phẩm chất cơ bản, đó là: phải hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu học trò và yêu nghề; yêu lao động và quý trọng người lao động chân tay; có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đạo đức nhà giáo hay đạo đức nghề dạy học theo tư tưởng của Bác, có thể được hiểu là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà giáo trong đời sống và đạo đức nhà giáo có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục - đào tạo, đến việc hình thành nhân cách, đạo đức và phẩm chất của người học. Bởi vậy, việc nâng cao phẩm chất đạo đức nhà giáo là vấn đề vô cùng quan trọng đặt ra ở bất cứ thời nào, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Khi vấn đề đạo đức nhà giáo đang đối mặt với những thách thức, một số biểu hiện lệch lạc, bất cập, làm suy giảm truyền thông đạo đức nghề nghiệp, ảnh hưởng đến đạo đức người thầy: hiện tượng đề cao lợi ích vật chất, lối sống thực dụng,… dường như ngày càng lấn át phẩm giá con người, trong đó có người thầy giáo, điều này tác động xấu đến tình cảm, nguyện vọng của những người làm nghề sư phạm, điều đáng lo ngại là tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đã làm xói mòn phẩm chất của một số nhà giáo, gây ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của người thầy trong xã hội.

Để việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức nhà giáo theo tư tưởng của Bác ngày càng đi vào chiều sâu, đồng thời tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi thầy cô nói chung, phải luôn nỗ lực và phấn đấu không ngừng về mọi mặt:

Trước hết, mỗi thầy cô luôn có ý thức tu dưỡng và rèn luyện “tâm đức, phẩm hạnh” của một người thầy, vì đây yếu tố làm nên căn cốt của một con người, nhất là những người thầy. Và sản phẩm của giáo dục là con người, không được phép “phế phẩm” cho nên đạo đức của người thầy có ý nghĩa quan trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách của người học. Người thầy giáo chân chính dạy học trò không chỉ bằng vốn tri thức, hiểu biết, mà còn bằng chính nhân cách đạo đức trong sáng của mình, để cảm hóa, để giáo dục, việc “dạy chữ” là quan trọng, nhưng việc “dạy người” còn quan trọng hơn. Để người học không chỉ học tập về kiến thức mà còn học tập từ nhân cách đạo đức của một người thầy.

Thứ hai, mỗi thầy cô giáo phải luôn thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm của nhà giáo, có tinh thần đoàn kết, sống giản dị, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; thể hiện lòng nhân ái, bao dung, đối xử hòa nhã với đồng nghiệp và học viên; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của học viên và đồng nghiệp. Mỗi thầy cô luôn thể hiện sự tận tụy với công việc, và luôn công bằng, công tâm trong giảng dạy, đồng thời chống bệnh thành tích, tiêu cực trong hoạt động dạy và học.

Thứ ba, mỗi thầy cô giáo phải luôn thể hiện sự cần cù, biết lắng nghe, chịu khó học hỏi, cầu thị, nhất là đối với các thầy cô giáo trẻ mới vào nghề, khi vinh dự được đứng trên bục giảng thì phải xem một ngày lên lớp giảng bài là một ngày học hỏi từ học viên về nhiều mặt để tự hoàn thiện mình hơn, để trưởng thành hơn; thường xuyên trao dồi chuyên môn, nâng cao trình độ, rèn luyện tác phong sư phạm, thực hiện tốt văn hóa ứng xử của một người thầy; giữ nghiêm tính kỷ luật, kỷ cương và tính kế hoạch trong hoạt động sư phạm, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và Quy định về đạo đức nhà giáo.

Thứ tư, mỗi thầy cô phải thể hiện sự nêu gương về đạo đức, Bác đã từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5), do đó tấm gương đạo đức của người thầy phải không ngừng rèn luyện và tu dưỡng. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các thầy, cô giáo không được đánh mất phẩm chất của mình, dù hoàn cảnh nào cũng phải là tấm gương về đạo đức, tránh thái độ thờ ơ, xa rời đời sống thực tế, lười biếng trong học tập và nâng cao trình độ; thái độ kèn cựa địa vị, xem nhẹ công việc của mình, thiếu sự tôn trọng và tinh thần xây dựng tập thể,...

Có thể nói, xã hội luôn đặt ra những yêu cầu rất cao về phẩm chất đạo đức của nhà giáo. Bởi lẽ, “người cậy ở tâm, cây nương ở rễ” do vậy việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nhà giáo là rất quan trọng và rất cần thiết. Mỗi thầy cô giáo, tự bản thân mình cũng cần xây dựng cho mình một mẫu hình lý tưởng để hướng tới, mà một trong những hình mẫu lý tưởng đó chính là người thầy giáo - những con người “mô phạm” về nhân cách đạo đức, được xã hội tôn vinh làm “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

 


Nguyễn Văn Sơn


809df76b-33ad-4562-b399-72c7390c3502

Tiêu đề bài viết: Rèn luyện và tu dưỡng đạo đức nhà giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguyễn Văn Sơn.

Giá, phí - Lệ phí

Thống kê truy cập

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

CỔNG THÀNH PHẦN

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang