Tin hoạt động của Lãnh đạo Thành phố


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Mở cơ hội hợp tác đầu tư với Cộng hòa Liên bang Đức
Ngày đăng: 16/07/2024

Lượt xem:


Trong chuyến xúc tiến đầu tư tại châu Âu, Ðoàn công tác TP Cần Thơ đã gặp gỡ và làm việc tại 2 thành phố Wernigerode và Hamburg, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Ðức. Ðây là dịp để Cần Thơ quảng bá hình ảnh thành phố, giới thiệu các dự án trọng điểm đang thu hút đầu tư, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác trên lĩnh vực hạ tầng cảng biển, logistics, du lịch xanh thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Đoàn công tác TP Cần Thơ tham quan và làm việc tại Cảng Hamburg. Ảnh: CTV

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Trong chuyến gặp gỡ với Ðoàn công tác TP Cần Thơ, ông Uwe-Friedrich Albrecht, Chủ tịch HÐND TP Wernigerode bày tỏ rất ấn tượng khi đến TP Cần Thơ trong tháng 3-2024 vừa qua và mong muốn được hợp tác, gắn bó với TP Cần Thơ trong thời gian tới. Mệnh danh là "Thành phố sắc màu miền Harz", với phong cảnh thiên nhiên độc đáo, TP Wernigerode có thế mạnh về phát triển du lịch và mỗi năm đón khoảng 2,5 triệu lượt khách tham quan. Chính quyền TP Wernigerode rất quan tâm đến việc phát triển du lịch bền vững, nâng cao trách nhiệm của người làm du lịch, khách du lịch trong bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thành phố Wernigerode luôn chú trọng quy hoạch, đô thị và môi trường theo hướng thân thiện với khí hậu và gần gũi với thiên nhiên… Ðại diện chính quyền TP Wernigerode cũng cho biết thành phố đang thiếu hụt nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch, trong khi đây là lĩnh vực thế mạnh và đang được chú trọng phát triển theo hướng bền vững.

TP Hamburg (Freie und Hansestadt Hamburg) sở hữu lịch sử lâu đời tại Ðức và còn được biết đến với cảng Hamburg - cảng lớn thứ 2 trong khối Liên minh châu Âu. Cảng Hamburg được gọi là "Cửa ngõ vào thế giới" của Ðức, là cảng lớn nhất ở Ðức và lớn thứ 11 trên toàn thế giới. Với vị trí tự nhiên thuận lợi của một nhánh sông Elbe, tạo ra một nơi lý tưởng cho khu cảng với kho bãi và các phương tiện chuyển tải. Các cảng tự do rộng lớn cũng cho phép vận chuyển miễn phí (hàng hóa được lưu trữ, chế biến và vận chuyển mà không phải chịu thuế quan hoặc các rào cản thương mại khác). Cảng Hamburg có hình ảnh tích cực trên toàn thế giới, đại diện cho tính chuyên nghiệp, hiệu quả và đổi mới; luôn duy trì mối liên hệ hữu nghị với nhiều công ty trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, lĩnh vực vận tải và hậu cần, các hiệp hội thương mại… Bà Anne Thiesen, đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp Ðức tại Việt Nam và Hồng Kông và Ðại diện Ban Marketing Cảng Hamburg Ðông Nam Á, chia sẻ: TP Cần Thơ có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực logistics cũng như hạ tầng cảng biển. Vì vậy, chúng tôi sẽ giới thiệu với các doanh nghiệp Ðức và khu vực châu Á về những lĩnh vực TP Cần Thơ đang có nhu cầu mời gọi đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực cảng biển và logistics. Ðồng thời cho biết sẽ sớm tổ chức đoàn những nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực cảng biển và logistics đến TP Cần Thơ tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư trong thời gian tới.

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực không ngừng để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị sinh thái đáng sống, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước trong khu vực Ðông Nam Á, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á. Với những thành công của TP Wernigerode trong thu hút du khách và phát triển các mô hình du lịch xanh, chúng tôi kỳ vọng sẽ học tập được nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế bền vững. Trong định hướng phát triển, Cần Thơ luôn xác định rằng du lịch phải được ưu tiên, tập trung đầu tư để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ông Dương Tấn Hiển nhấn mạnh: TP Cần Thơ có lực lượng lao động trẻ dồi dào, đặc biệt là có mạng lưới các trường đại học sẵn sàng cung ứng nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy nhất là nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch. Do đó, hai thành phố có thể bổ sung các thế mạnh cho nhau để cùng nhau phát triển. TP Cần Thơ có thể kết nối với TP Wernigerode để đưa sinh viên chuyên ngành du lịch sang thực tập, làm việc, cọ sát trong môi trường quốc tế chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, 2 thành phố có thể tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn để trao đổi học hỏi kinh nghiệm về xây dựng và phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Kết nối đầu tư, giao thương

Những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - CHLB Ðức tiếp tục đi vào chiều sâu thực chất trên nhiều lĩnh vực. CHLB Ðức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ðức tại Ðông Nam Á. TP Cần Thơ hiện có 3 dự án FDI có vốn đầu tư từ Ðức, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 58 triệu USD. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Ðức là 18,15 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, nông sản và nông sản chế biến, may mặc, thủ công mỹ nghệ. Kim ngạch nhập khẩu là 0,26 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, máy móc thiết bị.

Về nông nghiệp, thành phố phối hợp với Tổ chức hợp tác Ðức GIZ cùng triển khai dự án Phát triển chuỗi giá trị cho các hộ sản xuất nhỏ theo định hướng thị trường (dự án Sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á (BRIA), giai đoạn 2) do Cục Kinh tế hợp tác chủ trì chỉ đạo thực hiện. Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, Ngân hàng Phát triển Ðức (KfW) và Quỹ Giải pháp khả năng phục hồi (ISF) đã hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện nghiên cứu "Ðánh giá hiệu quả kinh tế của các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu" (gọi tắt là ECA). Ngoài ra, thành phố nhận được sự tài trợ từ các công ty, tổ chức của Ðức như Công ty Siemens thành lập Phòng kiểm chứng công nghệ tự động hóa, trị giá hơn 1 tỉ đồng, đặt tại Vườn ươm công nghiệp công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc, Khoa Công Nghệ, Ðại học Cần Thơ nhận nhiều gói tài trợ thiết bị từ Siemens để phục vụ nghiên cứu, giảng dạy…

Đoàn công tác TP Cần Thơ tìm hiểu về các mô hình du lịch xanh, thích ứng biến đổi khí hậu và khảo sát thị trường tại TP Wernigerode. Ảnh: CTV

Các dự án FDI của Ðức đầu tư trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất chế biến kinh doanh xuất khẩu gạo, sản xuất ván ép cao cấp từ nguyên liệu trấu, tư vấn, thiết kế, cung cấp máy móc thiết bị công nghiệp… Theo ông Phạm Duy Tín, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, Ðức là một trong những nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, nhất là trong các lĩnh vực chế tạo xe hơi, chế tạo máy móc, thiết bị, công nghiệp hoá chất, công nghiệp kỹ thuật điện và điện tử, công nghiệp công nghệ cao. Ðây cũng là những lĩnh vực trọng tâm, then chốt để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp của thành phố. Ðồng thời, Ban cũng mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao của Ðức, Hiệp hội các doanh nghiệp Ðức hỗ trợ cung cấp thông tin về thế mạnh, thị trường, các rào cản, phong tục tập quán, văn hóa kinh doanh của Ðức để doanh nghiệp của thành phố có nhu cầu mở rộng hợp tác, kinh doanh, kết nối giao thương với thị trường Ðức trong thời gian tới.

Ông Dương Tấn Hiển nhận xét: Những kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ chính quyền, ngành chức năng TP Hamburg về quá trình đầu tư, vận hành cảng, hoạt động logistics sẽ là những thông tin bổ ích, góp phần bổ trợ cho tầm nhìn của lãnh đạo TP Cần Thơ trong công tác quy hoạch và phát triển bền vững thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, thành phố mong muốn chính quyền TP Hamburg, ban lãnh đạo Cảng Hamburg với kinh nghiệm, thế mạnh về lĩnh vực cảng, logistics sẽ kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư có nhu cầu, có năng lực đến với TP Cần Thơ để đầu tư phát triển hạ tầng cảng và hệ thống logistics. Trong chuyến xúc tiến lần này, thành phố đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao của Ðức hỗ trợ TP Cần Thơ giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Ðặc biệt là hạ tầng cảng biển, logistics phục vụ cho các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó có các dự án cảng biển tổng hợp tiếp nhận các tàu hàng hóa, container đến 20.000 tấn như bến cảng Ô Môn, bến cảng Thốt Nốt, trung tâm Logistics hạng II gắn với Cảng Cái Cui, bến cảng khách quốc tế Cần Thơ. Việc thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, hạ tầng logistics có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhiệm vụ trọng tâm then chốt, không chỉ gắn liền với sự phát triển của TP Cần Thơ mà còn phát triển vùng ÐBSCL. Qua đó giúp Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.


Nguồn: baocantho.com.vn


3720cd05-c849-46ce-b8da-c3d805feae83

Tiêu đề bài viết: Mở cơ hội hợp tác đầu tư với Cộng hòa Liên bang Đức . Nội dung như sau: . Theo tác giả: Nguồn: baocantho.com.vn.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang