Tại buổi họp báo, đại diện Ban tổ chức cho biết, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 sẽ diễn ra lúc 7 giờ ngày 7/4/2025 (nhằm ngày 10/3/2025 âm lịch) tại Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ (đường Lạc Long Quân, khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Nghi thức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nghi thức của địa phương; được tiến hành trang trọng phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; cổ vũ các tầng lớp nhân dân hướng về cội nguồn dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời gian mở cửa phục vụ nhân dân và du khách đến tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025 từ ngày 5 đến ngày 7/4/2025 (Từ 7 giờ đến 21 giờ); các ngày khác mở cửa theo thường lệ. Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra triển lãm ảnh “Văn học, nghệ thuật Cần Thơ chặng đường 50 năm (1975 - 2025)”; Giải Việt dã thành phố Cần Thơ lần thứ IV năm 2025; trình diễn và tặng chữ thư pháp; hoạt động phục vụ cơm chay miễn phí; diễu hành trang phục truyền thống Việt Nam (Việt phục) từ Đền thờ Vua Hùng đến không gian Lễ hội Bánh giân gian Nam bộ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, phát biểu tại buổi họp báo.
* Trong khi đó, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ XII năm 2025 với chủ đề: “Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ” sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 8/4/2025 tại Quảng trường quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.
Đây là sự kiện quy mô, được tổ chức thường niên vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương (Mùng 10/3 âm lịch) tại thành phố Cần Thơ, nhằm góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị bánh dân gian Nam Bộ, đồng thời góp phần quảng bá nét đặc sắc của ẩm thực truyền thống đến với du khách trong và ngoài nước.
Nghệ nhân trình diễn nghệ thuật gói bánh dân gian bên lề buổi họp báo.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô 231 gian hàng bao gồm: Không gian bánh dân gian (118 gian); Không gian đặc sản vùng miền (59 gian); Không gian ẩm thực (40 gian) với sự tham gia của các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên…
Bên cạnh các gian hàng giao thương, buôn bán, phục vụ bà con, du khách tham quan, Ban tổ chức còn bố trí không gian tráng bánh, tái hiện làng nghề bánh tráng Thuận Hưng cùng với khu hướng dẫn làm một số bánh dân gian Nam bộ như: gói bánh ít, bánh tét, bánh kẹp, bánh phục linh, bánh tằm se tay… của các nghệ nhân, cho du khách, học sinh tham gia trải nghiệm.
Khu vực dành cho Hội thi bánh và quảng diễn bánh xèo nhân tôm hùm của nhãn hàng nước mắm Nam Ngư, quãng diễn bánh chưng lớn nhất ĐBSCL của Câu lạc bộ đầu bếp thành phố Cần Thơ; khu vực hội thi và trưng bày cây kiểng, bon sai phục vụ du khách.
Bánh dân gian Nam bộ được bài trí bắt mắt tại buổi họp báo.
Ngoài ra, năm nay Ban tổ chức còn phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng một số tour gợi ý cho khách tham quan, kêu gọi các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, vận chuyển giảm giá, thực hiện kích cầu du lịch…
Phát biểu tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ - đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí đồng hành cùng Ban Tổ chức hỗ trợ tuyên truyền, phổ biến các thông tin quan trọng về thời gian, địa điểm, quy mô tổ chức và các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội; đồng thời, có những bài viết, phóng sự, hình ảnh và video đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, tăng cường phối hợp truyền thông để tạo sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách trong, ngoài nước.
Thanh Xuân