Thành công từ Đề án 06 giúp rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cần được các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc tiếp tục học tập, phát huy và mở rộng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuyển đổi số quốc gia. Trên tinh thần đó, để khắc phục tồn tại trong thời gian vừa qua, tạo động lực, đột phá cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm triển khai thành công Đề án 06, mỗi bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình, xây dựng một đề án về chuyển đổi số có tính chất tương tự như Đề án 06 và bảo đảm kết nối với Đề án 06, tập trung chỉ đạo thực hiện xong và thành công trong thời gian từ nay đến hết năm 2025, phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, các chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia, Đề án 06 và các chiến lược, chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số khác của bộ, ngành, địa phương.
Đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên một số nguyên tắc như: Lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương. Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các vấn đề đưa vào đề án phải cụ thể, tường minh, đo lường được (ưu tiên bằng hình thức trực tuyến thông qua các nền tảng số), phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Đề án cần bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai ngay dựa trên nhu cầu thực tiễn và theo khuôn khổ pháp lý hiện hành mà không cần phải sửa đổi thể chế và chính sách. Phân định rõ danh mục nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí. Bảo đảm đồng bộ với các chương trình, chiến lược của quốc gia, ngành, lĩnh vực; các nghị quyết, đề án, kế hoạch của bộ, ngành, địa phương về chuyển đổi số để tránh trùng lặp, tối ưu nguồn lực triển khai. Có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng. Ngân sách triển khai đề án được cân đối từ ngân sách của bộ, ngành, địa phương và được triển khai một cách thiết thực, hiệu quả. Trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định. Việc xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện đề án phải bảo đảm tuân thủ quy trình thủ tục và nguồn lực thực hiện đề án theo quy định của pháp luật.
Lê Tuyến