
Trước đó, chị P.T.D. (31 tuổi, ngụ thành phố Cần Thơ) mang thai lần 2, thai 37 tuần 2 ngày, dự sinh ngày 2/9/2024 được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ trong tình trạng ra huyết đỏ sậm, đau bụng lâm râm kéo dài từ đêm hôm trước. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là trường hợp mang thai có biến chứng nhau bong non thể nặng có thể đe doạ tới sản phụ và thai nhi.
Hội chẩn khẩn khấp, ê-kíp cấp cứu gồm các bác sĩ sản khoa, gây mê hồi sức và nhi sơ sinh quyết định phối hợp can thiệp mổ lấy thai. Ca mổ kéo dài gần 60 phút, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Theo BS.CKII Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa sản Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, đây là một trường hợp nhau non thể nặng, đa phần thai nhi sẽ tử vong nếu không xử trí kịp thời, mẹ có thể bị cắt tử cung, rối loạn đông máu… Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nhau bong non trong thai kỳ gồm: Tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật); sự căng giãn đột ngột quá mức của tử cung; những thương tổn của mạch máu tại bánh nhau, tại vùng nhau bám, xuất hiện trong các bệnh lý nhau tiền đạo, cao huyết áp, đái tháo đường; sự thay đổi thể tích đột ngột của tử cung như trường hợp chọc hút nước ối; dây rốn ngắn; sang chấn; thiếu acid folic, thường gặp ở những sản phụ có mức sống thấp; hút thuốc, sử dụng cocain; có tiền sử nhau bong non; mẹ lớn tuổi…
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm tình trạng bệnh lý này, BS.CKII Nguyễn Thị Huệ khuyến cáo tuyến y tế cơ sở cần tuyên truyền, tổ chức khám và quản lý thai nghén đúng. Những trường hợp thai nghén có nguy cơ hoặc có những yếu tố thuận lợi dễ xảy ra nhau bong non cần chuyển lên khám, theo dõi và sinh tại cơ sở y tế tuyến trên.
Thanh Xuân