
Trước đó, bé H.Đ.P (8 tuổi, quê Bạc Liêu) được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ khám và điều trị với triệu chứng bị đau đầu và nôn ói liên tục trong nhiều ngày. Gia đình đã đưa bé đến bệnh viện địa phương rồi chuyển đến TP Hồ Chí Minh để điều trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Tại đây, sau khi tiến hành chụp DSA, cấc bác sĩ ghi nhận bé P. có khối dị dạng thông động tĩnh mạch vùng thái dương đỉnh bên trái với nguy cơ vỡ cao. Để ngăn chặn nguy cơ này, các bác sĩ đã thực hiện can thiệp nội mạch, giúp giảm lượng máu chảy vào khối dị dạng.
Theo BS. Dương Hoàng Linh, Đơn vị can thiệp DSA thuộc Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, dị dạng thông động tĩnh mạch não (AVM) là một bệnh lý bẩm sinh, hiếm gặp ở mạch máu não, khi vỡ tỉ lệ tử vong cao. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, khối dị dạng có thể vỡ ra khiến máu chảy máu vào não, đe dọa tính mạng.
Sau khi tiến hành chụp DSA, các bác sĩ ghi nhận bé P. có khối dị dạng thông động tĩnh mạch vùng thái dương đỉnh bên trái.
Sau 5 ngày điều trị, bé P. đã được ra viện với sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng và không để lại di chứng.
BS Dương Hoàng Linh khuyến cáo, nếu trẻ có dấu hiệu như đau đầu, co giật, yếu cơ, mất cảm giác, rối loạn thị giác, hay khó khăn trong việc nói và đi lại, đặc biệt nếu triệu chứng này xuất hiện đột ngột, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Theo thống kê tại Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị cho hơn 30 trường hợp mắc dị dạng mạch máu não. Tuy nhiên, đa số các trường hợp vào viện khi khối dị dạng đã vỡ gây xuất huyết ồ ạt trong não, điều này gây khó khăn trong điều trị và di chứng để lại nặng nề hơn.
Thanh Xuân