
Trước đó, trong lúc dự tiệc tại gia đình và có ăn cá tầm, bệnh nhân vừa ăn vừa nói chuyện thì bị hóc xương cá. Sau đó, bệnh nhân liền đến Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ để thăm khám.
Bệnh nhân được chỉ định nội soi họng ống cứng lấy dị vật nhưng không thành công. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ xương còn vướng ở thực quản nên chỉ định nội soi thực quản dạ dày tá tràng. Qua nội soi, kết quả thấy dị vật xương cá kích thước D#1-1,5cm, hình bầu dục có nhiều góc nhọn ở đoạn 1/3 trên thực quản. Sau đó, dị vật được các bác sĩ gắp ra an toàn, không tổn thương thực quản và hầu họng.
Bác sĩ Giang Văn Hậu, Phó trưởng Khoa Thăm dò chức năng và Nội soi Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ (người trực tiếp nội soi bệnh nhân) - cho biết: Dị vật đường thở, đường tiêu hóa là một cấp cứu thường gặp, do dị vật có thể ở sâu trong cổ, đường tiêu hóa nên rất phức tạp về mặt chẩn đoán và xử trí. Đặc biệt, có nhiều trường hợp phổ biến và diễn biến nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân thường gặp nhất như thói quen hay đưa vật vào miệng ở trẻ em; hóc hàm răng giả ở người già; hay các trường hợp ăn nhanh vội, cười đùa trong khi ăn, yếu nhu động thực quản ở người già, bệnh lý hẹp thực quản... Việc tiên lượng bệnh tùy thuộc vào kích thước, hình thái, bản chất dị vật và thời gian bị hóc.
Bác sĩ nội soi lấy xương cá ra khỏi thực quản bệnh nhân
Theo Bác sĩ Hậu, đối với các trường hợp hóc dị vật thực quản, đặc biệt là các dị vật nhọn như xương cá, dị vật có thể đâm xuyên qua hoặc làm hoại tử dần niêm mạc, cơ và thanh mạc, cùng với sự co thắt thực quản và quá trình viêm sẽ đẩy nhanh quá trình di chuyển của dị vật vào các khoang kế cận. Thời gian dị vật ở trong lòng thực quản càng lâu thì nguy cơ hoại tử và thủng thực quản càng cao.
“Thực hiện lấy dị vật cho bệnh nhân nêu trên là kỹ thuật khá phức tạp, dị vật lớn, nhiều ngạnh cắm vào thực quản và đặc biệt dị vật ở vị trí rất gần với cung động mạch chủ, trong quá trình làm thủ thuật có thể xảy ra nguy cơ ảnh hưởng mạch máu, đòi hỏi ê-kíp dự phòng các phương án có thể xảy ra và xử trí kịp thời”, bác sõ Hậu thông tin thêm.
Để phòng tránh dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ Hậu khuyến cáo cần ăn chậm, nhai kỹ, không nên vừa ăn vừa nói chuyện, bỏ thói quen ngậm tăm hay các vật dụng khác bằng miệng, không đùa giỡn với các vật dụng có đầu sắc nhọn... Người già và trẻ nhỏ tránh ăn thức ăn dai như da, gân; thức ăn cần được cắt nhỏ nấu kỹ. Người có răng giả cần thận trọng khi ăn uống, thường xuyên kiểm tra độ vững chắc của răng giả. Vật dụng hay đồ chơi nhỏ nên để xa tầm tay trẻ để phòng trường hợp trẻ cho vào miệng nuốt và hóc dị vật.
Đặc biệt, khi bị hóc dị vật, người dân cần đến khám và điều trị can thiệp tại các cơ sở y tế chuyên khoa để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Thanh Xuân