Theo quy hoạch, thành phố Cần Thơ phát triển nông nghiệp và thủy sản theo hướng bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phương án phát triển khu vực nông thôn là tổ chức triển khai cụ thể việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Các khu định cư nông thôn được tổ chức không gian phát triển theo 4 mô hình chính: định cư vùng lúa; định cư vùng miệt vườn sông nước; nông trại hiện đại; nông trường và không gian miệt vườn trung tâm. Phương án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là bố trí không gian phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với hạ tầng giao thông, thủy lợi để nâng cao hiệu quả phát triển tổng hợp, tăng cường liên kết giữa sản xuất, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 250 ha tại quận Bình Thủy và huyện Cờ Đỏ.
Đối với phương án phát triển mạng lưới thủy lợi là xây dựng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu phù hợp với phương án phân vùng, quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch vùng, quy hoạch thủy lợi có liên quan. Củng cố hệ thống thủy lợi bảo đảm kiểm soát lũ, phòng chống hạn mặn và vận hành linh hoạt để ổn định sản xuất và phòng, chống thiên tai. Phương án phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu là phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống thiên tai và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và kịp thời cho công tác dự báo, cảnh báo; tổ chức thường xuyên diễn tập phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Theo quy hoạch, danh mục dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời kỳ 2022-2030 (Hạ tầng nông nghiệp) gồm có: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ (đặt tại xã Thới Hưng); 6 dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Trường Xuân, Thạnh Tiến, Thạnh Lợi, Thạnh Quới, Đông Thuận, Thới Đông; Trung tâm phát triển thủy sản Cần Thơ; 2 dự án phát triển hạ tầng nông nghiệp vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu; 2 khu chăn nuôi tập trung xã Thới Hưng và xã Đông Bình.
Quang cảnh tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, hội nghị công bố Quy hoạch là dịp để các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân có định hướng và chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất ở địa phương cho phù hợp. Đối với định hướng quy hoạch, không gian phát triển của ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ có sự thu hẹp do tiến trình phát triển đô thị, giao thông, công nghiệp. Tuy nhiên, trong quy hoạch định hướng đến năm 2030, ngành nông nghiệp còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, như vùng chuyên canh sản sản xuất lúa chất lượng cao 48.000 ha; vùng sản xuất cây ăn trái tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai; vùng nuôi thủy sản tập trung chuyên canh ven sông Hậu.
Đặc biệt, thành Cần Thơ được quy hoạch Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ 250 ha (quận Bình Thủy 50 ha, huyện Cờ Đỏ 200 ha); 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 1.665 ha, 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô 384 ha; 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm cả Nông trường sông Hậu và Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè mong rằng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư các cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến tại các vùng nguyên liệu tập trung. Đặc biệt, tham gia triển khai các dự án tại Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm được quy hoạch cụ thể của ngành nông, nghiệp, xác định được các vị trí vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng được phép chăn nuôi tập trung. Các sở, ban ngành thành phố và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai, thực hiện tốt các chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư và quản lý tốt công tác quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn.
Phương Thảo