Trước tình hình thiên tai đã và đang diễn ra ngày càng khốc liệt, bất thường và vượt lịch sử kể cả về cường độ, phạm vi ảnh hưởng,… khiến cho các cộng đồng luôn ở trong tình trạng dễ bị tổn thương, người dân phải đối mặt với các rủi ro thiên tai, bị thiệt hại bất cứ lúc nào; Cụ thể như bão số 3 vừa qua là cơn bão mạnh, dị thường đã đổ bộ trực tiếp vào nước ta, gây thiệt hại rất lớn đối với các địa phương ven biển, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng; sau bão, mưa lớn kéo dài trên diện rộng tại hầu hết khu vực Bắc Bộ tiếp tục gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước; cả nước phải tập trung mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do cơn bão để lại.
Trong những năm gần đây, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, tổ chức bộ máy về phòng chống thiên tai luôn có sự thay đổi, điều chỉnh; bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, lực lượng giảng viên, tập huấn viên các cấp thường xuyên biến động, thay đổi cơ học về số lượng. Vì vậy, cần thiết phải có Bộ tài liệu hướng dẫn cụ thể để bảo đảm duy trì liên tục công tác tổ chức thực hiện, trau dồi kiến thức chuyên môn; thuận tiện trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố đều nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải thực hiện Đề án cũng như các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tuy nhiên cần có Tài liệu hướng dẫn chung để đảm bảo tính thống nhất, rõ ràng hơn về trách nhiệm tổ chức thực hiện, phù hợp với các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai hiện hành; đồng thời có tính gắn kết với các chương trình, dự án liên quan, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án.
Điều này cho thấy việc ban hành Tài liệu hướng dẫn thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự thống nhất tổ chức, thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên phạm vi toàn quốc.
Tài liệu hướng dẫn thực hiện Đề án ban hành với mục đích hướng dẫn các các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021.
Nội dung cơ bản của Tài liệu gồm 03 phần:
Phần thứ nhất: Giới thiệu chung: Cơ sở pháp lý xây dựng tài liệu, mục tiêu, đối tượng, nguyên tắc sử dụng và nội dung Đề án.
Phần thứ hai: Hướng dẫn chi tiết các bước triển khai tổ chức thực hiện Đề án theo mục tiêu và các hoạt động nội dung tại các Hợp phần của Đề án; Cụ thể các bước: phân giao tổ chức, thực hiện; thu thập, tổng hợp và phân tích thông tin; Lập kế hoạch thực hiện Đề án; tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá việc thực hiện Đề án tại các Bộ, ngành và các cấp địa phương.
Phần thứ ba: Các phụ lục.
Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện: Trên cơ sở các nội dung hướng dẫn trong cuốn Tài liệu này, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án bảo đảm thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, chống lãng phí, thất thoát tài sản và ngân sách nhà nước. Các hoạt động triển khai phải đảm bảo tuân thủ các cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật hiện hành. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật các tài liệu kĩ thuật, văn bản hướng dẫn mới của các cơ quan chức năng có thẩm quyền ban hành để kịp thời cập nhật, điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Quyết định 3517/QĐ-BNN-ĐĐ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/10/2024.
Tấn Thuận