Ở nước ta các công nghệ về đột biến gien, nuôi
cấy mô tế bào, đột biến nhiễm sắc thể, lai xa, tạo giống bằng phóng xạ đã được
nghiên cứu từ thập niên 70, đã thu được nhiều thành công (trong đó công nghệ
nuôi cấy mô và vi nhân giống đã được quốc tế đánh giá là theo kịp trình độ thế
giới). Tuy nhiên, những nghiên cứu này mới được tiến hành ở các cơ sở nghiên
cứu chuyên sâu như: Viện Di truyền, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Khoa học Nông
nghiệp, các trường đại học nông nghiệp, một số trung tâm nghiên cứu rau quả...
Nhưng hiện nay, phát triển các khu công nghệ cao ở nước ta còn rất chậm, mới
tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt - Lâm Đồng,
với các loại sản phẩm chính là hoa, rau, khoai tây, giống các loại cây ăn quả,
cây cảnh, cây lâm nghiệp...
Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC TP
Cần Thơ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được xác định là: “Theo hướng
hiện đại, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ NNCNC, coi trọng phát
triển công nghệ sinh học và tạo giống mới; cung cấp sản phẩm truyền thống chất
lượng cao, xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản Nông nghiệp công nghệ cao” (theo
Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị). Mục tiêu, nhiệm vụ chung của chương
trình được đặt ra như sau: Phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng kỹ thuật
- công nghệ cao về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, xây dựng và triển
khai các khu nông nghiệp công nghệ - kỹ thuật cao, các trại giống để làm hạt
nhân phát triển sản xuất nông - ngư nghiệp của TP Cần Thơ và phục vụ du lịch
sinh thái, phù hợp Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội TP Cần Thơ đến năm 2020…
Giai đoạn 2006 – 2010, ngành nông nghiệp tăng
trưởng nhanh, bình quân 5,4%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 6,1%/năm và 6,3%/năm
giai đoạn 2016-2020. Tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần trong cơ cấu GDP từ
19% năm 2005, xuống 13,9% năm 2010, 6% năm 2015 và 3,4% năm 2020.
Chương trình xây dựng và phát triển NNCNC TP
Cần Thơ khi triển khai thực hiện sẽ tạo điều kiện tiếp thu và từng bước ứng
dụng công nghệ mới trong các ngành chủ lực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, cung
cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm
bảo vệ sinh thực phẩm, đồng thời cung cấp giống đạt chất lượng cho TP Cần Thơ
và các tỉnh lân cận. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho nông dân,
hợp tác xã, trang trại một cách thiết thực hiệu quả; Nâng cao hàm lượng trí tuệ
trong sản phẩm nông nghiệp và từng bước “trí thức hóa” nông dân; Chuyển đổi
toàn diện nền sản xuất nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ hiện
đại trong xây dựng phát triển nông nghiệp nông thôn.
Chương trình sẽ góp phần xây dựng vai trò
trung tâm vùng của TP Cần Thơ, tạo lực tác động và thúc đẩy phát triển nông
nghiệp ở các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, tạo điều kiện đưa nhanh khoa học -
công nghệ vào mọi khâu của quá trình sản xuất - bảo quản - chế biến - lưu thông
sản phẩm nông nghiệp. Hàm lượng khoa học ngày càng được nâng cao trong các hoạt
động của nông ngư nghiệp và tiến tới chiếm tỉ trọng cao trong sản phẩm nông
nghiệp. Nông ngư nghiệp trên cơ sở áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, tạo
ra nhiều sản phẩm có giá trị cao trên từng đơn vị diện tích, nâng cao năng
suất, gìn giữ, bảo vệ và không ngừng phát triển hệ sinh thái, phát triển môi
trường sống.
Về trồng trọt: Chọn giống chất lượng cao (lúa,
cây ăn trái, rau sạch, hoa lan - cây kiểng) trình diễn và sản xuất bằng việc
ứng dụng công nghệ sinh học (nhà kính - nhà lưới, thủy canh, màng dinh dưỡng…)
để tạo ra sản phẩm độc đáo, tinh xảo, đặc sắc, giàu hàm lượng công nghệ, mang
tính sáng tạo cao.
Về chăn nuôi: Trình diễn nuôi heo siêu nạc,
vịt siêu thịt - siêu trứng trong mô hình VAC và mô hình nuôi công nghiệp.
Về thủy sản: Sản xuất giống và trình diễn mô
hình nuôi ứng dụng công nghệ cao an toàn sinh học đối với một số chủng loại cá
nước ngọt: Cá tra, tôm cành xanh, cá sặc rằn, thát lát, rô phi đơn tính dòng
gift và thủy đặc sản (cá sấu, trăn, rắn,…).
Nấm và các chế phẩm vi sinh: Trình diễn và sản
xuất giống nấm, nghiên cứu ứng dụng và sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ xử
lý ao, ruộng nuôi thủy sản, điều hòa sinh trưởng cây trồng vật nuôi.
Về dịch vụ: Cung cấp chuyển giao công nghệ
giống mới sản phẩm mới chất lượng cao; Tham quan du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng,
đào tạo, huấn luyện; Tổ chức hội nghị, hội thảo, triển lãm, giới thiệu và bán
sản phẩm công nghệ cao; Hợp tác quốc tế và tổ chức hoạt động du lịch tri thức
nông nghiệp, bảo tồn thiên nhiên vùng ĐBSCL.
Trên cơ sở đó, nông nghiệp - nông thôn TP Cần
Thơ phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch
cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa nhắm vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ Nông
nghiệp công nghệ cao cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Coi trọng phát triển công
nghệ sinh học trong sản xuất và tạo giống cây trồng vật nuôi; cung cấp các sản
phẩm nông nghiệp và thủy sản truyền thống có chất lượng cao, xây dựng nhiều
thương hiệu đặc sản nông - ngư nghiệp của thành phố. Xây dựng nông thôn mới có
cơ sở hạ tầng phát triển, quan hệ sản xuất phù hợp tạo tiền đề để nông nghiệp,
nông thôn phát triển toàn diện, bền vững và nâng cao đời sống nông dân…