Trong năm 2024, Sở VHTT&DL đã triển khai công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo Kế hoạch số 649/KH-SVHTTDL ngày 29/02/2024 của Sở VHTT&DL về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030”, năm 2024 đạt được một số kết quả sau:
Về kiểm kê, rà soát, bổ sung di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ:
Bảo tàng thành phố đã tiến hành kiểm kê, rà soát bổ sung một số loại hình di sản nguy cơ mai một, đồng thời kiểm kê nhận diện bổ sung thêm một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt, Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đặc biệt là kiểm kê rà soát lại một số loại hình di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Nghị định số 39/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ về quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cụ thể, tổng kiểm kê được 20 phiếu: kiểm kê mới 16 phiếu và kiểm kê rà soát bổ sung 04 phiếu (có 3 phiếu là di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Văn hóa chợ nổi Cái Răng, Lễ kỳ yên đình Bình Thủy và Hò Cần Thơ).
Về hỗ trợ truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng:
Tổ chức 02 lớp truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng năm 2024, tại khu vực nhà tròn bến Ninh Kiều. Kết quả có 24 học viên đăng ký học và học viên tự do hàng đêm dự học. Bên cạnh đó, có thêm sự tham gia đông đảo của du khách trong và ngoài nước, từ đó đã tạo được hiệu quả của lớp học và sự lan tỏa trong cộng đồng, đáp ứng yêu cầu đưa di sản văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ đi vào cuộc sống bằng nhiều hình thức phong phú, gắn kết với hoạt động của gia đình, trường học, cộng đồng dân cư và khu vực dịch vụ - du lịch.
Về nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng về Nhạc lễ của người Việt ở Cần Thơ:
Qua khảo sát ghi nhận thành phố Cần Thơ có 20 đội Nhạc lễ, trong đó có 65 nghệ nhân thường biểu diễn nhạc cụ truyền thống tại các lễ cúng kỳ yên của Đình, các cơ sở tín ngưỡng của đạo Cao Đài, tang lễ,…các bài bản Nhạc lễ được thực hiện theo các nghi thức lễ truyền thống trang trọng. Số lượng nghệ nhân và đội nhạc lễ thực hiện các nghi thức truyền thống và duy trì thường xuyên, tập trung nhiều ở các đội Nhạc lễ Cao Đài chủ yếu thực hiện ở các Thánh Thất Cao Đài và tang lễ những người trong đạo.
Nhạc cụ truyền thống biểu diễn thường xuyên như: Bộ gõ gồm trống chiến, bạt lớn, bạt nhỏ, tum, mõ; Bộ thổi gồm sáo, tiêu, kèn thau, kèn mộc; Dàn đàn gồm đàn cò, đàn kìm, guitar phím lõm, đàn gáo, đàn sến, đàn tranh.
Các bài bản thường sử dụng gồm: Xàng Xê, bài Thượng, bài Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, tiểu khúc và ba bài Nam Nhạc lễ (Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo) được các thầy truyền dạy đưa vào phục vụ các dịp tế lễ, cúng bái theo các nghi thức truyền thống. Ngoài ra còn tổ chức Nhạc lễ phục vụ ma chay để con cháu cúng bái đáp lại công ơn dưỡng dục sinh thành, dạy dỗ của ông, bà, cha, mẹ khi qua đời.
Tuy nhiên, nhiều phường/xã, các quận/huyện hiện nay không có đội Nhạc lễ, các đội Nhạc lễ chủ yếu phục vụ tang tế và người học nghề rất ít, vì vậy khả năng sẽ bị mai một trong tương lai.
Về truyền dạy kỹ năng thực hành Nhạc lễ:
Thực hiện Biên soạn tài liệu truyền dạy Nhạc lễ của người Việt (lưu hành nội bộ).
Tổ chức lớp truyền dạy kỹ năng thực hành Nhạc lễ; Nghệ nhân hướng dẫn một số bài bản của Nhạc lễ và thực hành nhạc cụ.
Học viên thực hành: Tổng số có 13 học viên, trong đó có 8 học viên hoàn thành chương trình học.
Đang thực hiện clip giới thiệu về Nhạc lễ ở Cần Thơ (tài liệu phục vụ lớp truyền dạy, dự kiến hoàn thành tháng 12 năm 2024).
Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, trong quá trình thực hiện được sự chỉ đạo sâu sát của Ủy ban nhân dân thành phố và quan tâm của Sở Tài chính, kinh phí thực hiện các nội dung của năm 2024 sớm được thẩm định và thống nhất để Sở VHTT&DL triển khai kịp thời Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, năm 2024. Sở VHTT&DL đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án theo lộ trình từng năm theo định hướng đã đề ra tại Đề án. Các đơn vị thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã triển khai đúng tiến độ các nội dung công việc trong kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, về nội dung “Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Chợ nổi Cái Răng phục vụ phát triển du lịch” chưa được triển khai thực hiện trong năm 2024 và sẽ dời sang năm 2025.
Tấn Thuận