Đây là hoạt động nằm trong khoản viện trợ “Các hoạt động thúc đẩy đô thị thông minh ứng phó biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ năm 2024” do tổ chức FNF/Đức tài trợ.
Theo bà Lê Thụy Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ, những năm qua nhiều địa phương trong cả nước đã nhận thức được những giá trị, lợi ích kinh tế từ chất thải nên đã thực hiện nhiều mô hình phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, có những giải pháp để tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tái chế từ chất thải.
Với mong muốn tìm kiếm, trao đổi các biện pháp tăng cường giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên chất thải thông qua việc tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải, nhất là chất thải rắn sinh hoạt, Hội thảo lần này nhằm giới thiệu hướng tiếp cận mới về ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất thải rắn; các phương pháp xử lý rác thải thông minh trên thế giới và khả năng triển khai ở Việt Nam; các quy định pháp lý liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Hội thảo cũng mong muốn nhận được những đề xuất, khuyến nghị từ các cá nhân, tổ chức vào việc xây dựng các chính sách để phát triển thành phố trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Cần Thơ.
PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Đức thành phố Cần Thơ -phát biểu tại hội thảo.
Cũng theo bà Lê Thụy Ngọc Lan, sau thành công từ các hội thảo liên quan đến lĩnh vực biến đối khí hậu, phát triển bền vững và đô thị thông minh thời gian gần đây, Hội thảo “Các mô hình quản lý chất thải rắn cho thành phố thông minh” lần này một lần nữa đánh dấu các hoạt động hợp tác tốt đẹp giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Cần Thơ cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF/Đức) và Trường Đại học Cần Thơ.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các chuyên đề về cách tiếp cận mới trong ứng dụng công nghệ số trong quản lý CTR; các phương pháp quản lý rác thải thông minh trên thế giới; khảo sát thành phần nhựa trong chất thải rắn -trường hợp thành phố Cần Thơ; tận dụng nhựa thải trong sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường; phân hủy yếm khí - công nghệ phù hợp để xử lý chất thải hữu cơ; ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong giám sát môi trường đô thị; quản lý chất thải rắn dựa vào cộng đồng…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Cần Thơ, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Đức thành phố Cần Thơ - cho biết: Từ năm 2023 đến nay, Trường Đại học Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động hướng tới việc tuyên truyền, cố gắng tìm giải pháp thúc đẩy mô hình thành phố thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tổ chức Hội thảo “Các mô hình quản lý chất thải rắn cho thành phố thông minh” cũng nằm trong những nỗ lực trên nhằm nêu lên những chia sẻ, gợi mở, hiến kế giúp chính quyền địa phương có những chính sách phù hợp, giúp lan tỏa tinh thần này cho Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn cũng cho biết vào ngày 8/11 tới, Trường Đại học Cần Thơ sẽ phối hợp cùng Đoàn thanh niên và đội ngũ trí thức trẻ thành phố tiếp tục tổ chức hội thảo nhắm tới việc khởi nghiệp xanh có liên quan mảng phát triển đô thị thông minh. “Chúng tôi kỳ vọng trong tiến trình này có thể thức tỉnh được góc nhìn này hay góc nhìn khác từ phía lãnh đạo chính quyền cho đến các nhà khoa học, người dân của Đồng bằng sông Cửu Long”, PGS.TS Nguyễn Chí Ngôn thông tin thêm.
Thanh Xuân