Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia xây dựng và triển khai Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia KC.16/24-30 nhằm phục vụ mục tiêu Net Zero. Đây là hành động cụ thể và kịp thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Chương trình KC.16/24-30 gồm các nội dung chính như: Hoàn thiện chính sách pháp luật về Net Zero; xây dựng mô hình chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Net Zero; công nghệ giảm phát thải trong các lĩnh vực (giao thông vận tải, nông nghiệp...); các giải pháp kiểm kê và chứng nhận khí nhà kính, cảnh báo nguy cơ phát thải khí nhà kính;... Mục tiêu đến năm 2030, chương trình KC.16/24-30 tạo ra các giải pháp đột phá về công nghệ mới trong các ngành, lĩnh vực; các cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý, kỹ thuật; nâng cao nguồn năng lực phục vụ mục tiêu giảm phát thải. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, việc tổ chức hội thảo nhằm lan tỏa thông tin về chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero tới cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học trong vùng ĐBSCL.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn manh, chương trình khoa học và công nghệ Net Zero là nền tảng quan trọng để thúc đẩy các giải pháp đột phá như công nghệ thu giữ và lưu trữ các-bon, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây không chỉ là cơ hội cải thiện chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo việc làm trong ngành công nghệ xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo ông Huỳnh Thành Đạt, việc tổ chức hội thảo nhằm lan tỏa thông tin về chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia phục vụ mục tiêu Net Zero tới cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các nhà khoa học trong vùng ĐBSCL. Đây cũng là cơ hội để các chuyên gia, nhà khoa học, sở ngành địa phương cùng nhau thảo luận, tìm kiếm giải pháp thiết thực để thực hiện mục tiêu Net Zero tại khu vực này - vùng đất có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam nhưng đang chịu tác động mạnh mẽ nhất từ biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến một số định hướng triển khai khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu Net Zero tại các tỉnh vùng ĐBSCL; đổi mới sáng tạo hướng tới hành trình Net Zero tại TP Cần Thơ; chính sách và quy định pháp luật về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và hướng tới phát thải ròng về 0; các mô hình kinh tế tuần hoàn hướng tới mục tiêu Net Zero; chuyển dịch xanh bằng Hydro/Ammonia Xanh…
Ông Dương Tấn Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, thời gian qua thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đối khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong vùng; đồng thời, tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trao đổi, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án do tổ chức quốc tế hỗ trợ. Qua đó, góp phần giúp TP Cần Thơ nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả và bền vững tài nguyên nước.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Cũng theo ông Dương Tấn Hiển, là 1 trong 5 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái hướng đến Net Zero và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
TP cũng đã xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo và các giải pháp chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như: nhận diện các rủi ro ngày càng nghiêm trọng, sụt lún, sạt lở, nước biển dâng, triều cường gây ngập lụt đô thị, hạn hán, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Hiện tại, TP Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng ĐBSCL triển khai các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong vùng; đồng thời, tham gia các chương trình hợp tác, các công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua hoạt động trao đổi, triển khai thực hiện các chương trình, các dự án do tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Lãnh đạo TP Cần Thơ kỳ vọng thông qua những định hướng, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn được chia sẻ từ các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tạo cơ hội cho các nhà khoa học, Viện, trường, các tổ chức khoa học công nghệ tham gia vào các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ mang tính chiến lược, hướng tới mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Thanh Xuân