Thông tin tuyên truyền - Phổ biến pháp luật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Triển khai thực hiện Công văn số 562/BKHCN-VCL ngày 31/3/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ
Ngày đăng: 09/05/2025

Lượt xem:


Ngày 06/5/2025, UBND thành phố ban hành Công văn số 2034/UBND-KGVX nhằm triển khai thực hiện Công văn số 562/BKHCN-VCL ngày 31/3/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó hướng dẫn nội dung làm rõ định nghĩa, nội hàm và lượng hóa các khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Để triển khai nội dung này, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan nghiên cứu nội dung và đề xuất phương án triển khai phù hợp với tình hình thực tế của từng ngành, lĩnh vực; xây dựng Đề án thí điểm triển khai bản sao số cho thành phố, hoàn thành các cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, đôn đốc theo dõi Kế hoạch phát triển dữ liệu thành phố Cần Thơ đến năm 2030; tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs); đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ số để đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, huy động nguồn lực nghiên cứu, tư vấn giải pháp hỗ trợ thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện chủ động nghiên cứu hướng dẫn tại Công văn số 562/BKHCN-VCL để triển khai phù hợp với từng lĩnh vực quản lý.

Trước đó, ngày 31/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Công văn số 562/BKHCN-VCL, gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm hướng dẫn làm rõ định nghĩa, nội hàm, lượng hóa một số khái niệm mới trong Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Các khái niệm mới cần làm rõ bao gồm:

1. Bản sao số của thành phố (Digital Twin):

Định nghĩa “Bản sao số của thành phố” là mô hình số của một thành phố, được tạo ra bằng cách sử dụng dữ liệu thời gian thực, công nghệ mô phỏng và các hệ thống phân tích để tái hiện cấu trúc vật lý của thành phố và các quá trình diễn ra trong thành phố đó. Bản sao số của thành phố giúp quản lý thành phố được hiệu quả và tối ưu hóa các nguồn tài nguyên của thành phố.

Đặc trưng của bản sao số của thành phố là mô hình kỹ thuật số của thành phố, phản ánh cả các yếu tố vật lý (hạ tầng, công trình xây dựng) và phi vật lý (dân cư, giao thông, kinh tế, môi trường); được ứng dụng để hỗ trợ trong công tác quản lý đô thị (giao thông, năng lượng, môi trường,...), quy hoạch xây dựng, ứng phó với các tình huống khẩn cấp và giúp nâng cao tương tác giữa chính quyền với người dân thông qua sự tham gia tích cực của người dân trên các nền tảng, dịch vụ sổ của chính quyền.

Các địa phương được đề xuất cần chủ động nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm, trước mắt ưu tiên triển khai hệ thống cảm biến giám sát hạ tầng, thông tin địa lý (GIS) và cơ sở dữ liệu đô thị.

2. Năng lực cạnh tranh số quốc gia (Digital competitiveness of nations):

Định nghĩa “Năng lực cạnh tranh số quốc gia” là khả năng của một quốc gia trong việc sử dụng và phát triển các công nghệ số để nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của quốc gia đó.

Nội hàm bao gồm đánh giá, phân loại và xếp hạng các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa phương dựa trên năng lực và mức độ sẵn sàng của một nền kinh tế trong việc tiếp cận và khai thác công nghệ số - động lực then chốt cho quá trình chuyển đổi kinh tế trong doanh nghiệp, chính phủ và toàn xã hội.
Xếp hạng theo năng lực cạnh tranh số của Trung tâm Cạnh tranh Thế giới (WCC - IMD) công bố tháng 11/2024 được đánh giá dựa trên 3 nhóm chỉ số chính: Kiến thức (năng lực quốc gia trong việc phát triển và thu hút nguồn nhân lực số) - Công nghệ (mức độ sẵn sàng của hạ tầng và khung pháp lý để triển khai công nghệ số) - Sẵn sàng cho tương lai (khả năng thích nghi và tiếp cận công nghệ mới).

3. Kinh tế dữ liệu:

Định nghĩa “Nền kinh tế dữ liệu” là một thuật ngữ tổng quát bao gồm việc tạo, thu thập, lưu trữ, xử lý, phân phối, phân tích, phân phối và khai thác dữ liệu được kích hoạt bởi công nghệ số.

Nội hàm kinh tế dữ liệu bao gồm: Giá trị trực tiếp (doanh thu từ mua bán hàng hóa và dịch vụ liên quan đến dữ liệu), Giá trị gián tiếp (lợi ích kinh tế từ hiệu quả, đổi mới và tăng năng suất dựa trên dữ liệu trên khắp các lĩnh vực), Giá trị xã hội (tác động phi tiền tệ như cải thiện dịch vụ công hoặc tính bền vững của môi trường).

Liên minh Châu Âu tiên tiến đo lường kinh tế dữ liệu thông qua việc tích hợp các yếu tố như doanh thu từ thị trường dữ liệu, giá trị kinh tế, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tính tin cậy và công bằng.
Việt Nam sẽ tổ chức thí điểm đo lường kinh tế dữ liệu tại một số địa phương để hoàn thiện phương pháp và tổ chức nhân rộng trong năm 2025 - 2026.

4. Học tập số:

Định nghĩa “Học tập số” trong Nghị quyết số 57-NQ/TW được hiểu là học tập kỹ năng số, là quá trình tiếp thu, phát triển và nâng cao kỹ năng, năng lực sử dụng công nghệ số một cách hiệu quả, phù hợp, an toàn và có trách nhiệm phục vụ cho mục đích cá nhân, học tập, nghề nghiệp hay tham gia xã hội trên môi trường số.

Nội hàm học tập số là quá trình học tập kỹ năng số bao gồm nhiều khía cạnh, từ kiến thức lý thuyết đến kỹ năng thực hành, từ cơ bản đến nâng cao liên quan các kiến thức, kỹ năng công nghệ cơ bản; truy cập, tìm kiếm, khai thác thông tin, dữ liệu trên môi trường số; tương tác, giao tiếp và cộng tác trên môi trường Internet; sáng tạo nội dung số; đảm bảo an toàn trên môi trường số; nhận diện và giải quyết vấn đề trên môi trường số; kỹ năng học tập liên tục và thích ứng.

Tại các địa phương khuyến khích tổ chức đào tạo trực tuyến MOOC, triển khai phong trào "Bình dân học vụ số".

5. Năng lực số:

Định nghĩa “Năng lực số” là khả năng sử dụng công nghệ số để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể hoặc để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
Năng lực số cho các đối tượng khác nhau sẽ có thể có nội hàm khác nhau. Đánh giá đo lường theo khung năng lực số từ trình độ cơ bản đến nâng cao, phù hợp với từng đối tượng.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để hoàn thành nhiệm vụ cụ thể, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ số cho người dân để giải quyết những vấn đề liên quan trong thực tiễn.

6. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ của các nước tiên tiến:

Định nghĩa “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ngang tầm doanh nghiệp công nghệ số của các nước tiên tiến” là những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, công nghệ chiến lược; Có quy mô và tầm ảnh hưởng sâu rộng trong và ngoài nước, cạnh tranh được với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu; Có quy mô tương đương doanh nghiệp lớn của các nước tiên tiến; đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội hàm bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết; hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do người Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ số, công nghệ thông tin; doanh nghiệp được xếp hạng trong bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế có uy tín như Forbes Global 2000 hoặc Fortune Global 500.


Tấn Thuận


Các tin khác:
Triển khai thực hiện Nghị định số 88/2025/NĐ-CP ngày 13/4/2025 của Chính phủ  (09/05/2025)
Sở Tư pháp xây dựng Video Clip hướng dẫn quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định 78/2025/NĐ-CP  (08/05/2025)
Triển khai thực hiện Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2025  (07/05/2025)
Tổ chức bắn pháo hoa kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)  (26/04/2025)
Tăng cường tuyên truyền công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố Cần Thơ  (25/04/2025)

9b027244-7ab5-41a1-9f3d-c9e26d531d85

Tiêu đề bài viết: Triển khai thực hiện Công văn số 562/BKHCN-VCL ngày 31/3/2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Tấn Thuận.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang