Tiếp đón đoàn có ông Stephen Harris, Trưởng Ban Các ngành Thủy hải sản, Tổng cục Khu vực Thái Bình Dương và bà Elizabeth Cameron, Cố vấn cao cấp về Nông nghiệp, Tài chính khí hậu, Tổng cục Thái Bình Dương và Viện trợ phát triển.
Thời gian qua, mối quan hệ hợp tác giữa New Zealand và Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng không ngừng phát triển. Cần Thơ có thế mạnh về dịch vụ, nông nghiệp và được biết đến như một đô thị miền sông nước. Cần Thơ được tạp chí Departures của Mỹ xếp hạng là 1 trong 9 thành phố có hệ thống kênh và sông ngòi dành cho du lịch thu hút nhất. Việc được tạp chí Departures đánh giá cao là một minh chứng cho vẻ đẹp và sức hấp dẫn của hệ thống sông ngòi Cần Thơ đối với du khách quốc tế. Đây cũng là điều kiện để thành phố quảng bá rộng rãi hình ảnh sông nước trên các kênh truyền thông quốc tế và trong nước, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, đa dạng các loại hình du lịch sông nước gắn với nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Âu thuyền Cái Khế TP Cần Thơ, công trình chống ngập kết hợp biểu diễn nhạc nước là điểm nhấn cho đô thị sông nước Cần Thơ. Ảnh: CTV
Một góc đô thị sông nước TP Cần Thơ. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là những nội dung quan trọng được TP Cần Thơ đặc biệt quan tâm. Thành phố đã triển khai nhiều hành động, giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Trong đó có ứng dụng hệ thống tự động thu gom và xử lý rác thải trên sông hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Về nông nghiệp, TP Cần Thơ có lợi thế về khí hậu, địa hình, chế độ nắng cao và ổn định hai mùa trong năm, thời tiết trên địa bàn rất phù hợp cho việc phát triển nông nghiệp cho năng suất cao, nhiều chủng loại cây trồng, vật nuôi, tạo nên sự đa dạng trong sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cần Thơ cũng là một trong các địa phương tham gia Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, do Chính phủ triển khai thực hiện tại ĐBSCL mà Chương trình nông nghiệp thông minh về khí hậu của New Zealand và Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam có tham gia tài trợ. Mô hình canh tác lúa mới mang lại năng suất cao hơn, giảm chi phí sản xuất và nhất là giảm phát thải khí nhà kính.
Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án 1 triệu héc - ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ. Ảnh: CTV
Ông Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh: New Zealand được biết đến là một quốc gia quan tâm mạnh mẽ đến các chính sách, hoạt động bảo vệ môi trường, giải pháp chống rác thải nhựa, phát triển các nguồn năng lượng sạch và đặc biệt là bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Trên cơ sở thế mạnh của New Zealand, TP Cần Thơ mong muốn thúc đẩy hợp tác với các đối tác New Zealand trên các lĩnh vực trọng tâm 2 bên có thế mạnh. Cụ thể là mời gọi các nhà đầu tư New Zealand đến Cần Thơ để cùng tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản (chế biến, tồn trữ, bảo quản nông sản hàng hóa, xuất khẩu sản phẩm thủy sản, trái cây). Thành phố cũng mong muốn phía NewZealand cùng các đối tác tham gia hỗ trợ TP Cần Thơ mở các khóa bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn cho cán bộ chuyên ngành nông nghiệp trên địa bàn thành phố về công tác sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, thành phố cũng mong muốn được thúc đẩy hợp tác với đối tác New Zealand trên các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao.
Việt Nam và New Zealand thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19-6-1975. Đến tháng 9-2009, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện; năm 2013 ký Chương trình Hành động giai đoạn 2013-2016 triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện và chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược từ tháng 7-2020. Đến tháng 12-2021 ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược 2021-2024. Về tình hình hợp tác giữa TP Cần Thơ và New Zealand, đến thời điểm hiện tại, TP Cần Thơ tuy chưa có dự án FDI, NGO, ODA có vốn đầu tư từ New Zealand song hoạt động giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường New Zealand là 7,91 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến; kim ngạch nhập khẩu là 7,6 triệu USD, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu thủy sản. 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường New Zealand là 1,67 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy sản, may mặc, nông sản và nông sản chế biến… |
Báo Cần Thơ