Thông tin tuyên truyền - Phổ biến pháp luật


Cỡ chữ: +A | -A | Bản in
Hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính
Ngày đăng: 17/04/2025

Lượt xem:


Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025, Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như sau:

Nguyên tắc chung

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, phân loại, lập danh sách tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị;  thực hiện bàn giao, tiếp nhận tài sản cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau sắp xếp đơn vị hành chính theo phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện theo Mẫu số 01/TSC-BBGN ban hành kèm theo Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ.

Việc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản công phải được thực hiện đồng thời với quá trình xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp. Việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản phải phù hợp với đối tượng quản lý, sử dụng, tính chất, đặc điểm của tài sản, tận dụng tối đa nguồn lực của tài sản hiện có nhưng phải có tầm nhìn dài hạn để phục vụ mục tiêu lâu dài; không phải thực hiện quy trình sắp xếp, lại xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 03/2025/NĐ-CP ngày 01/01/2025 của Chính phủ khi thực hiện bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính. Ưu tiên điều hòa, bố trí hợp lý tài sản giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong địa phương, trường hợp cần thiết phải chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản thì thực hiện chuyển đổi công năng để sử dụng phục vụ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.  Việc tổ chức thực hiện xử lý cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, Công văn này và các văn bản hướng dẫn bổ sung (nếu có).

Định hướng xây dựng phương án sắp xếp, bố trí xử lý tài sản công

Đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

Ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng theo các phương thức quản lý quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều 4a Nghị định số 151/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 114/2024/NĐ-CP).

Thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng khác của địa phương (thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao….); thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác (quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất;…), giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật,….

Đối với xe ô tô

Đối với xe ô tô chuyên dùng để phục vụ hoạt động đặc thù thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.

Đối với xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị cấp huyện sau khi bỏ cấp huyện thì giao, điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu hoặc chưa có tài sản hoặc được xử lý theo quy định.

Trường hợp cần phải đưa đón công chức, viên chức, người lao động khi phải thay đổi địa điểm làm việc thì bố trí xe ô tô hiện có hoặc bổ sung định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng để mua sắm hoặc thuê xe ô tô theo quy định để phục vụ việc đưa đón, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đầy đủ nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Đối với máy móc, thiết bị và các tài sản khác

Đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng thì xử lý theo nguyên tắc cơ quan, tổ chức, đơn vị nào được tiếp nhận nhiệm vụ có sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thì được tiếp nhận tài sản tương ứng để tiếp tục thực hiện hiện nhiệm vụ.

Đối với máy móc, thiết bị phổ biến, máy móc, thiết bị dùng chung và các tài sản khác thì ưu tiên tận dụng các tài sản còn khả năng sử dụng và chuyển đến địa điểm làm việc mới của đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để tiếp tục sử dụng, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ sau sắp xếp, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị; hạn chế tối đa việc phải mua sắm mới tài sản.

Trường hợp còn dôi dư thì thực hiện điều hòa giữa các đơn vị hành chính cấp cơ sở mới trong huyện, trong tỉnh hoặc xử lý theo quy định.

Trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

UBND cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Trường hợp có phương án chuyển đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác để sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thì UBND cấp huyện tiếp nhận đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã đó.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Các Bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại

Thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự  nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định; trường hợp có diện tích trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công dôi dư thì thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương khác trên địa bàn quản lý, sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Để có cơ sở pháp lý cho việc xử lý tài sản công khi có sự thay đổi tổ chức bộ máy, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024, Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/02/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trong đó, đã có quy định cụ thể về việc xử lý tài sản công khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13749/BTC-NSNN ngày 14/12/2024, Công văn số 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025 hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương.


Lê Tuyến


7853f472-f88b-49d1-9a21-1a08eb5866b1

Tiêu đề bài viết: Hướng dẫn bổ sung việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính. Nội dung như sau: . Theo tác giả: Lê Tuyến.

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập:

Hôm nay:

Tháng hiện tại:

Tổng:

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang