Văn bản đề cập các nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan liên quan. Trong đó, Sở Tài chính được giao nhiệm vụ rà soát nhu cầu vốn, lập kế hoạch ngân sách 5 năm và hàng năm, đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Sở Tài chính sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra và báo cáo về kế hoạch phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (nếu có) của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng như đảm bảo vốn đầu tư công cho các dự án nhà ở xã hội thuộc ngân sách địa phương.
Sở Xây dựng được giao phối hợp với Sở Tài chính và Ngân hàng Nhà nước khu vực 14, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh Cần Thơ để đánh giá khả năng cân đối nguồn vốn và triển khai các chính sách nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng còn phải tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật như Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024, đồng thời tháo gỡ khó khăn pháp lý và thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Việc lập danh mục dự án nhà ở đủ điều kiện vay vốn và công bố thông tin một cách minh bạch cũng là nhiệm vụ được giao cho cơ quan này.
Ngoài ra, các Ngân hàng trên địa bàn cũng được yêu cầu tích cực triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ việc vay vốn xây dựng, mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội. Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Phát triển khu vực Cần Thơ sẽ tập trung nâng cao chất lượng quản lý khoản vay và tiền gửi tiết kiệm để đảm bảo triển khai đầy đủ các hoạt động tín dụng đúng lộ trình và quy định.
Thông qua các chỉ đạo này, UBND thành phố Cần Thơ phấn đấu góp phần tăng trưởng nguồn cung nhà ở xã hội theo mục tiêu Chính phủ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội theo Đề án quốc gia giai đoạn 2021-2030. Điều này không chỉ góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân, mà còn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn và bền vững.
Tấn Thuận