
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm 0,71% so với đầu giai đoạn 2021 - 2025 (chỉ còn 0,09%, tương đương 350 hộ), vượt mục tiêu đề ra của cả giai đoạn 2021 - 2025 (0,15%).
Đến cuối năm 2025, thông qua việc tích cực triển khai đồng bộ các dự án và chương trình giảm nghèo bền vững, thành phố dự kiến tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm còn 0,05% (tương đương 187 hộ). Địa phương phấn đấu giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,96% (tương đương 3.556 hộ); giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 0,20% so với hộ dân tộc thiểu số (tương đương 20 hộ).
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Cần Thơ đã đạt được thành công nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy và điều hành quyết liệt của UBND thành phố cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nguồn lực thực hiện của Chương trình được huy động đa dạng, bao gồm ngân sách, cộng đồng, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, HĐND thành phố đã ban hành 3 nghị quyết quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách đặc thù của thành phố (hỗ trợ điện, nước, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế), hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, trong đó, đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 100% hộ nghèo có đất đủ điều kiện xây dựng nhà ở ổn định.
Thành phố đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 2.283 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo với kinh phí 105.750 triệu đồng; tổ chức 94 lớp đào tạo nghề cho 2.910 người, trong đó có 585 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí 2.618 triệu đồng; cho 39.424 lượt hộ vay số tiền 3.069.325 triệu đồng, vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ và mua bán nhỏ; cấp 21.999 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, với kinh phí 22.017 triệu đồng, đạt 100% đối tượng cần hỗ trợ. Các chương trình miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn đã giúp đỡ hơn 52.500 em với tổng số tiền 49.877 triệu đồng. Tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 215 người nghèo có nhu cầu, đạt 100% đối tượng có nhu cầu được trợ giúp pháp lý.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện chương trình vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đạt và vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ thiếu hụt về việc làm còn cao. Người nghèo, người cận nghèo trong độ tuổi lao động đăng ký tham gia học nghề thấp, không đủ điều kiện để mở các lớp đào tạo nghề. Một số nơi lồng ghép đào tạo nghề chưa hiệu quả, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động, còn hình thức và chưa thu hút được sự quan tâm của người nghèo, người cận nghèo.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, thành phố Cần Thơ hướng đến việc đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Cần Thơ tiếp tục huy động và đa dạng hóa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, nhằm đảm bảo nguồn lực tài chính vững mạnh cho các chương trình giảm nghèo.
Dịp này, Ban tổ chức đã trao Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho 14 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thành phố Cần Thơ năm 2024.
Phương Thảo