Hội nghị là diễn đàn quan trọng quy tụ các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, tổ chức hợp tác quốc tế và hợp tác xã để cùng thảo luận, tìm kiếm giải pháp thu hút đầu tư và ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa gạo. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một mô hình sản xuất hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường và phù hợp với xu thế toàn cầu. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, UBND TP. Cần Thơ cùng các đơn vị trực thuộc, đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam. Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của các tổ chức quốc tế như Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản, Bộ Nông Lâm - Thủy sản Nhật Bản, JICA, JETRO cùng nhiều doanh nghiệp công nghệ đến từ Nhật Bản.
Tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã báo cáo tóm tắt về Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Theo ông, mục tiêu của Đề án là giữ vững vai trò nòng cốt của ngành lúa gạo trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thích ứng với điều kiện tự nhiên và nâng cao thu nhập cho nông dân. Việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi ngành hàng lúa gạo giúp gia tăng giá trị sản phẩm, ứng dụng quy trình canh tác hiện đại nhằm giảm phát thải khí nhà kính và góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam đối với các mục tiêu phát triển bền vững quốc tế.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa gạo quan trọng nhất của Việt Nam, đóng góp lớn vào an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu gạo ra thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, chi phí sản xuất gia tăng, trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và giảm phát thải carbon. Sau hơn một năm triển khai, Đề án đã hình thành hàng chục mô hình thí điểm tại các tỉnh trong khu vực. Những mô hình này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi giảm được lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất lúa, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện đáng kể chất lượng lúa gạo. Kế hoạch mở rộng mô hình sản xuất theo đề án lên đến hàng chục nghìn hecta đang được triển khai tại các địa phương.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh về những yêu cầu và giải pháp ứng dụng công nghệ trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của Đề án một triệu ha lúa. Theo đó, việc sản xuất lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp sẽ tuân thủ theo các quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt đã được ban hành. Toàn bộ diện tích sản xuất trong vùng chuyên canh phải có sự liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời thực hiện đánh giá và thẩm định mức độ giảm phát thải (MRV).
Ông Lê Đức Thịnh cũng đề nghị Tập đoàn Sorimachi và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao nhận thức và năng lực ứng dụng các phần mềm công nghệ như Face Farm và WAGA vào quản lý hợp tác xã và sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường bảo hộ công nghệ cho khu vực kinh tế tập thể, hỗ trợ xây dựng hệ thống dữ liệu về hợp tác xã và doanh nghiệp, giúp kết nối chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông sản. Ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số, cơ giới hóa và khởi nghiệp nông nghiệp, tham gia đầu tư và đồng hành cùng Đề án. Ngoài ra, các tổ chức như JETRO, JICA, JA và Bộ Nông Lâm - Thủy sản Nhật Bản cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với Bộ Nông nghiệp và các địa phương để triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững.
Hội nghị cũng dành thời gian để đánh giá nhu cầu đầu tư, ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại các hợp tác xã và chuỗi giá trị liên kết, đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm từ những dự án thí điểm đã thực hiện. Các doanh nghiệp Nhật Bản giới thiệu những công nghệ tiên tiến hỗ trợ hợp tác xã tối ưu hóa sản xuất. Đại diện các tổ chức quốc tế cũng phát biểu về cơ hội hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy những sáng kiến đổi mới trong ngành lúa gạo.
Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh, đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long và khẳng định rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp Việt Nam đang mang lại những giá trị tích cực. Ông bày tỏ mong muốn Nhật Bản và Việt Nam sẽ hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Chủ tịch Tập đoàn Sorimachi Nhật Bản, ông Sorimachi Hideki, cũng chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ các dự án thí điểm về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy đầu tư, hợp tác và ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội quan trọng giúp các hợp tác xã và nông dân tiếp cận những giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, giảm phát thải và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời, hội nghị góp phần thiết lập các mối quan hệ hợp tác bền vững, tạo điều kiện để các địa phương và hợp tác xã triển khai hiệu quả mô hình sản xuất lúa gạo hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.
Kim Xuyến